Chiều 15-11, tại phiên bế mạc, Quốc hội (QH) đã biểu quyết thông qua nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn.
Tại bản nghị quyết, QH cơ bản tán thành với các giải pháp, cam kết của Thủ tướng, các phó thủ tướng, bộ trưởng các bộ Xây dựng, TT&TT, Nội vụ và tổng Thanh tra Chính phủ, cùng các thành viên khác của Chính phủ đã trả lời trong phiên chất vấn. Song QH yêu cầu tập trung thực hiện những giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được chất vấn.
Tại các phiên chất vấn, nhiều đại biểu Quốc hội giơ biển, tranh luận với các bộ trưởng, người đứng đầu ngành về các vấn đề nóng được cử tri quan tâm. Ảnh: QH |
Năm 2023, “trình cấp có thẩm quyền” về cải cách tiền lương
Với lĩnh vực nội vụ, QH yêu cầu đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy, trọng tâm là rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn đầu mối bên trong các cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Cơ quan lập pháp cũng yêu cầu ngành nội vụ khẩn trương tham mưu thể chế hóa, thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.
Đáng chú ý, QH yêu cầu Chính phủ trong năm 2023 trình cấp có thẩm quyền lộ trình thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo yêu cầu tại Nghị quyết 27-NQ/TW, trong đó đặc biệt quan tâm vấn đề lương, phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học.
QH giao chỉ tiêu đến năm 2026, giảm ít nhất 5% biên chế cán bộ, công chức và 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách. Khắc phục tình trạng giảm biên chế cơ học, cào bằng cũng như tình trạng công chức, viên chức có năng lực xin nghỉ việc, thôi việc. Tiếp tục rà soát cắt giảm tối đa các chứng chỉ không gắn với tiêu chuẩn, điều kiện và yêu cầu của vị trí việc làm.
QH yêu cầu tập trung thực hiện những giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được chất vấn.
Không để xảy ra “bong bóng” bất động sản
Trong lĩnh vực xây dựng, QH yêu cầu sớm có giải pháp khắc phục những bất cập, bảo đảm tính đồng bộ giữa hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tại các TP lớn, đặc biệt là tình trạng ngập úng, tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường, thiếu trường học, bệnh viện…
Chính phủ cần khẩn trương hoàn thiện pháp luật điều chỉnh lĩnh vực bất động sản (BĐS), nhà ở; đẩy mạnh tái cơ cấu thị trường BĐS theo hướng minh bạch, cân bằng. Kiểm soát chặt chẽ việc huy động vốn của các doanh nghiệp BĐS thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp và thị trường chứng khoán.
Nghị quyết yêu cầu ngành xây dựng quản lý chặt chẽ, ngăn chặn việc chia tách, phân lô, bán nền tại các khu vực thiếu hệ thống hạ tầng hoặc chưa được phép đầu tư. Không để xảy ra tình trạng “bong bóng” BĐS, ngăn chặn đầu cơ, đẩy giá, gây nhiễu loạn thông tin thị trường, trục lợi bất hợp pháp.
Đặc biệt, QH yêu cầu Chính phủ khẩn trương hoàn thiện chính sách ưu đãi thu hút doanh nghiệp đầu tư các dự án nhà ở xã hội, nhất là nhà ở xã hội cho thuê, thuê mua. Chính phủ sớm ban hành và thực hiện hiệu quả đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng có thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030...
Trong lĩnh vực TT&TT, QH ra chỉ tiêu năm 2025 phải hoàn thành 100% các cơ sở dữ liệu quốc gia cần ưu tiên để phát triển chính phủ số, chính quyền số, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.
Với nền tảng xuyên biên giới, nhất là mạng xã hội, Chính phủ cần triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý hiệu quả; tích cực phối hợp thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động quảng cáo cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam.
Chính phủ cần rà soát, giám sát, thanh tra, kiểm tra, tăng cường hoạt động hậu kiểm, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp đăng tải tin giả, thông tin xấu, độc trên mạng. Trong năm 2023 phải tập trung giải quyết cơ bản và chấn chỉnh tình trạng “báo hóa” tạp chí, trang thông tin điện tử tổng hợp.•
Khi thanh tra phát hiện tội phạm, phải chuyển cơ quan điều tra
Ở lĩnh vực thanh tra, QH yêu cầu Chính phủ khẩn trương triển khai Luật Thanh tra (sửa đổi) được thông qua tại kỳ họp này. Theo đó cần nâng cao chất lượng kết luận thanh tra, khắc phục triệt để tình trạng chậm ban hành kết luận thanh tra. Đồng thời tăng cường theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, xử lý sau thanh tra, tăng tỉ lệ thu hồi tiền và tài sản.
“Bảo đảm 100% các vụ việc khi thanh tra phát hiện có dấu hiệu tội phạm đều được chuyển hồ sơ đến cơ quan điều tra xử lý theo thẩm quyền; chuyển danh sách tổ chức Đảng, đảng viên có dấu hiệu vi phạm đến cơ quan kiểm tra Đảng để xem xét, xử lý theo quy định của Đảng” - nghị quyết vừa được thông qua nêu rõ.
Ngoài ra, cần tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động thanh tra. Thanh tra Chính phủ phải phối hợp chặt chẽ với Kiểm toán Nhà nước để xử lý chồng chéo trong hoạt động; không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm toán quá một lần/năm về cùng một nội dung với một cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
QH cũng lưu ý trách nhiệm quản lý nhà nước của ngành thanh tra trong việc thực hiện các quy định mới của Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 như kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về phòng chống tham nhũng, tiêu cực; cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập...