Nhiều trang trại điện năng lượng mặt trời áp mái cấp tập xây dựng trên đất nông nghiệp tại Đắk Lắk trái quy định dẫn đến nhiều hệ lụy - Ảnh: TRUNG TÂN
Theo số liệu của UBND tỉnh Đắk Lắk, đến nay toàn tỉnh có tổng cộng 5.379 hệ thống điện mặt trời mái nhà (tổng vốn đầu tư hơn 10.000 tỉ đồng - số liệu Sở Công Thương Đắk Lắk) đã được đấu nối vào hệ thống điện, đưa vào vận hành, với tổng công suất lắp đặt 650.170 MWp.
Hơn 400 chủ dự án "ôm pin mà khóc"
Tuy nhiên, theo ông Hà Văn Chương - phó giám đốc Công ty Điện lực Đắk Lắk, đến hết "giờ vàng" (ngày 31-12-2020 - PV), tỉnh Đắk Lắk có tới hơn 400 công trình, tổng công suất khoảng 50MW "chậm chân" không kịp đấu nối. Các công trình phải nằm phơi nắng phơi sương, chủ đầu tư "ôm pin mà khóc".
Ngoài dự án chậm chân, nhiều dự án tại Đắk Lắk vi phạm quy định đất đai, xây dựng vẫn được đấu nối, có công trình sau đó phải giảm phát gây lãng phí. Cụ thể, toàn tỉnh có tới 411 công trình đã đấu nối, bán điện nhưng chưa bổ sung, hoàn thiện hồ sơ để đảm bảo đầy đủ thủ tục theo quy định.
Trong số này, có 20 công trình chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; 195 công trình chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất; có 94 công trình thiếu giấy phép xây dựng hoặc văn bản kiểm tra, xác nhận về kết cấu an toàn chịu lực của công trình. Đáng nói, có tới 102 công trình không có biên bản kiểm tra hoặc văn bản thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy.
Trước đó, ông Hà Văn Chương cho biết nguyên nhân nhiều dự án chậm chân là do COVID-19 phức tạp, các doanh nghiệp nhập pin về không kịp để lắp đặt, đấu nối.
Ngoài ra, theo ông Chương, quyết định số 13 ngày 6-4-2020 của Thủ tướng, các vấn đề liên quan đến pháp lý về đất đai, kết cấu xây dựng… không thuộc trách nhiệm Điện lực Đắk Lắk mà của các sở, ban ngành, địa phương.
Ông nói, chỉ cần dự án "có mái tôn" và đường dây còn công suất là Điện lực Đắk Lắk cho đấu nối, ký hợp đồng mua điện. Việc các trang trại chưa đảm bảo về thủ tục, làm trái quy định… là trách nhiệm của các địa phương (!).
Tỉnh xin được "hợp thức hóa"
Nhiều dự án chỉ cần có mái tôn là được đấu nối điện, không cần đầy đủ thủ tục theo quy định - Ảnh: TRUNG TÂN
Phân tích về nguyên nhân "lạm phát" dự án điện mặt trời áp mái, một lãnh đạo Sở Công Thương Đắk Lắk thừa nhận do địa phương "thả nổi" việc cấp phép xây dựng, đấu nối cho công ty điện lực và các địa phương.
Vì lỗ hổng đó, nhiều dự án chưa hoàn thiện thủ tục làm trang trại, chưa triển khai trồng trọt chăn nuôi theo phương án được phê duyệt nhưng vẫn được Điện lực Đắk Lắk cho đấu điện lên lưới. Ngoài ra, việc các địa phương cho "ứng" quỹ đất nông nghiệp để xây dựng trang trại trước rồi xin bổ sung sau dễ phá vỡ quy hoạch tổng thể của từng địa phương, của cả tỉnh...
Biết là vi phạm nhưng để tránh lãng phí vốn đầu tư, Sở Công Thương Đắk Lắk đã có báo cáo gửi Bộ Công Thương xin cho phép các chủ trang trại điện mặt trời áp mái khắc phục sai phạm về đất đai, xây dựng, phòng cháy chữa cháy...
Gây quá tải hệ thống, lãng phí nguồn lực xã hội
Liên quan đến vấn đề này, thông báo kết luận số 2012 ngày 11-11-2022, Thanh tra Chính phủ khẳng định việc "lạm phát" nêu trên là do Công ty Điện lực Đắk Lắk và các địa phương để người dân lách luật xây dựng hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái trên các trang trại đất nông nghiệp, vi phạm luật đất đai, xây dựng...
Việc cho xây dựng, đấu nối ồ ạt tại Đắk Lắk cũng góp phần dẫn đến quá tải cho hệ thống điện quốc gia, phải giảm áp gây lãng phí nguồn lực xã hội.
Để xảy ra những bất cập này có trách nhiệm của giám đốc Công ty Điện lực Đắk Lắk (cả của Tổng công ty Điện lực Miền Trung) và lãnh đạo các địa phương.
Tổng Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh các vi phạm nêu trên, gây lãng phí cho các nhà đầu tư.
TTO - Chỉ cần có "dự án nông nghiệp" và thỏa thuận đấu nối với công ty điện lực địa phương, hàng loạt dự án điện mặt trời áp mái đã được triển khai trên đất nông nghiệp tại khu vực Tây Nguyên, trong đó Đắk Lắk dẫn đầu khu vực.