Học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn trong màn giới thiệu về văn hóa, lịch sử Việt Nam - Ảnh: MỸ DUNG
Hàng trăm học sinh thuộc 11 trường THPT ở TP.HCM gồm: Lê Quý Đôn, Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Thị Hồng Gấm, Marie Curie, Trần Đại Nghĩa, Ernst Thalmann, Lương Thế Vinh, Trưng Vương, Bùi Thị Xuân, Nguyễn Thị Diệu, Năng khiếu Thể dục thể thao TP.HCM đã cùng tề tựu tại sân trường Lê Quý Đôn để thực hiện tổng kết dự án lịch sử tìm hiểu về ASEAN.
Cổng vào là nơi đón tiếp khách của học sinh, gian hàng trưng bày các sản phẩm tự thực hiện của mỗi trường, phía trong là các hoạt động để giới thiệu lịch sử, văn hóa các nước mà mỗi trường được phân công thực hiện.
Đứng tại gian hàng trưng bày các sản phẩm giới thiệu về đất nước Malaysia do tập thể học sinh Trường THPT Lê Thị Hồng Gấm thực hiện, em Mai Thị Quỳnh Như và một vài học sinh khác của trường này vui vẻ giới thiệu với khách tham quan những sản phẩm mà các em mang tới dự án.
Nào là infographic, tòa tháp đôi có gắn cờ Malaysia, các nhân vật lịch sử, lịch giới thiệu về văn hóa, ẩm thực, con người, vùng đất của đất nước Malaysia… Điểm đáng nói là tất cả những sản phẩm này đều được học sinh thực hiện bằng thủ công với độ tinh xảo cao, được đánh giá đạt tính thẩm mỹ.
Hai học sinh Trường THPT Lê Thị Hồng Gấm giới thiệu về đất nước Malaysia bằng những sản phẩm các em tự thực hiện - Ảnh: MỸ DUNG
Tương tự, gian hàng trưng bày các sản phẩm của các trường khác cũng ấn tượng không kém. Trường THPT Marie Curie mang đến buổi tổng kết dự án học tập lịch sử này những mô hình kiến trúc đặc biệt của Indonesia.
"Sau hai tuần thực hiện bằng các công đoạn thủ công, em và các bạn có sự gắn kết tốt hơn và khám phá bản thân có thể làm được những việc mà trước đây em chưa bao giờ nghĩ em sẽ làm", Phan Huỳnh Thanh Hiếu, học sinh lớp 11 Trường THPT Marie Curie, chia sẻ.
Dành lời khen ngợi cho sự tiến bộ trong toàn bộ các khâu thực hiện dự án, thạc sĩ Nguyễn Viết Đăng Du, tổ trưởng bộ môn lịch sử, Trường THPT Lê Quý Đôn - đơn vị đăng cai tổ chức lễ tổng kết dự án, cho biết thầy cảm thấy rất vui khi nhìn thấy sự trưởng thành của học sinh qua từng dự án mà các trường thực hiện.
"Đến nay, cụm đã thực hiện việc dạy học dự án lịch sử đã được 4 năm và việc dạy học này ngày càng đi vào chiều sâu chất lượng. Các em không chỉ biến kiến thức thành các buổi biểu diễn, trình diễn văn hóa mà còn biến dự án thành một sân chơi quảng bá văn hóa có chiều sâu, tốt cả khâu tổ chức, lên kế hoạch, thực hiện chương trình, dẫn dắt hoạt động…", thầy Du nhìn nhận.
Học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai trong màn giới thiệu, chào hỏi với trang phục và tiếng Thái Lan - Ảnh: MỸ DUNG
Cô Bùi Minh Tâm, cụm trưởng cụm 1 các trường THPT tại TP.HCM, khẳng định: "Việc dạy học như vậy không chỉ có tác dụng với riêng học sinh mà là cơ hội tạo ra sự gắn kết, trao đổi, học hỏi… giữa giáo viên trong cụm".
Cũng theo cô Tâm, dạy học theo dự án như thế này rất phù hợp với việc thực hiện chương trình phổ thông 2018. Vì thế, sắp tới, cụm lên kế hoạch thực hiện một dự án dạy học ở môn ngữ văn.
Thầy Nguyễn Văn Gia Thụy, phó hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn, chủ nhà đơn vị đăng cai tổ chức lễ tổng kết dự án học lịch sử này, nói rằng thầy thấy được sự hân hoan của rất nhiều học sinh khi theo dõi dự án này.
"Tôi thực sự ấn tượng với các màn chào hỏi, giới thiệu về đất nước, con người, trình diễn các chương trình đặc sắc, thực hiện video để trở thành công dân toàn khu vực ASEAN… các kỹ năng của học sinh chúng ta ngày càng như đơn vị chuyên nghiệp", thầy Thụy dành lời khen ngợi.
TTO - Đối với môn lịch sử, trên cơ sở ý kiến của các chuyên gia, Bộ Giáo dục và đào tạo sẽ cân nhắc các phương án trong thời gian sắp tới và xin ý kiến các cấp có thẩm quyền.
Xem thêm: mth.59365741161112202-hcil-ud-aoh-nav-ab-gnauq-wohs-uhn-us-hcil-coh-yad-cuhc-ot/nv.ertiout