Cần đưa vào luật
Trong bài viết "Đường đi của tiền bẩn", tác giả nêu: Tháng 11-2018, khi thông qua Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi), Quốc hội đã quyết định không đưa quy định "về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc" vào luật.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi ấy giải trình rằng "đây là vấn đề mới, lần đầu tiên chúng ta đặt vấn đề xử lý đối với loại tài sản, thu nhập này" và "việc xác định tính hợp lý của nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm để đánh thuế hoặc thu hồi là vấn đề rất phức tạp".
Có ý kiến về vấn đề trên, bạn đọc Phan Thái cho rằng thời điểm đó Quốc hội đã tránh né một vấn đề nóng bỏng thuộc trách nhiệm giải quyết của Quốc hội. Từ đó bạn đọc Thái mong muốn điều trên nên được đưa vào Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi) để góp phần giữ vững dòng tiền thuế của dân, tránh để những cán bộ thái hóa tham nhũng.
Còn bạn đọc Chinh bày tỏ: Bài viết thẳng thắn, hoan nghênh tác giả. Và theo bạn đọc Chinh, khi có kiến thức cơ bản về tài chính, ta đều có thể hiểu được là nếu dòng tiền xuất hiện bất ngờ và một tác nhân sở hữu số tài sản lớn khổng lồ nhưng không có cách giải thích thỏa đáng thì dòng tiền đi vào có dấu hiệu phạm pháp.
"Hy vọng chính quyền triệt để, căn cơ để nước ta mở cửa với các nguồn vốn đầu tư ODA, họ không phải e dè về tính liêm chính của các doanh nghiệp Việt Nam. Từ đó chúng ta mới có thể đẩy cao phối hợp, gắn kết, phát triển…", bạn đọc Chinh mong muốn.
Đồng quan điểm, bạn đọc Liêm cũng cho rằng bài báo phân tích rất hay, rất đúng với thực tế. "Mong rằng các cơ quan chức năng, những người làm chính sách lắng nghe để đề xuất xây dựng, ban hành cơ chế chính sách quản lý hiệu quả hơn", bạn đọc Liêm viết.
Nhìn ở góc độ dòng tiền mặt ở nước ta còn lưu thông quá dễ dàng, bạn đọc có nick name Kimlienmoney cho rằng chính điều này là kẽ hở để những cán bộ thái hóa, biến chất lợi dụng.
Bởi theo bạn đọc này, không ít cán bộ thái hóa đã dùng tiền để làm "quen thành thân", khi thân rồi thành ê kíp, khi ê kíp rồi vội kịp lên chức, khi lên chức vội lấy đi nguồn lực quốc gia, tham nhũng.
Và khi cán bộ thoái hóa, tham nhũng có nhiều tiền rồi họ vội đi ra nước ngoài mua nhà đất. Cuối cùng những người này chỉ làm hại cho quốc gia, làm khổ người dân nghèo.
Và theo như bạn đọc có nick name Kabasa, cần hạn chế sử dụng tiền mặt để chống tham nhũng ngày càng đạt hiệu quả. Bởi bạn đọc này bày tỏ:
"Tôi chỉ học xong lớp 10 mà tôi còn thấy vấn đề. Ở Việt Nam, mua xe hơi, nhà đất, căn hộ, villa, gửi ngân hàng... là người ta có thể đem tới cả vài va li đầy tiền mặt. Như thế làm sao chống tham nhũng được".
Chuyện thường ngày ở huyện
Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Cà Mau - Ảnh: N.T.
Ngày 16-11, Tuổi Trẻ Online đăng bài "Tôi muốn chuyển tuyến trên, bệnh viện bắt ký giấy xin về".
Bài viết kể về trường hợp gia đình một bệnh nhi ở Cà Mau bức xúc vì muốn chuyển con lên TP.HCM điều trị nhưng Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Cà Mau không cấp giấy chuyển viện, mà yêu cầu gia đình phải ký giấy tự xin về.
Theo bạn đọc có nick name Ruby, việc bệnh viện không đồng ý chuyển tuyến khi họ cho rằng vẫn có thể chữa được là chuyện thường ngày ở huyện ai mà không biết.
"Đây chính là sự khó khăn mà bệnh nhân có bảo hiểm y tế gặp phải. Bởi người bệnh phải đúng tuyến hoặc phải có giấy chuyển viện thì mới được hưởng quyền lợi bảo hiểm. Mà để được chuyển lên tuyến trên thì khó khăn như thế đó", bạn đọc trên bày tỏ.
Không đồng tình với cách giải thích của lãnh đạo Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Cà Mau, bạn đọc Khoa cho rằng khi bệnh nhân bệnh nặng, nếu bệnh viện không có khả năng chữa trị thì nên cho chuyển lên tuyến trên.
"Trong khi đó bệnh viện này lại cố giữ rồi bắt cam kết tự chuyển viện để bệnh nhi không được hưởng bảo hiểm y tế đúng tuyến. May mà bệnh nhi không có vấn đề gì", bạn đọc Khoa viết.
Cuối cùng, bạn đọc Đoàn Hòa đúc kết: Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Cà Mau đã không đúng trong việc không cấp giấy chuyển tuyến điều trị, mà bắt bệnh nhân làm giấy xin ra viện. Và theo bạn đọc Hòa, bệnh viện nên thiện chí nhận sai sót và khắc phục những tồn tại như trường hợp nêu trên.
Bạn quan tâm và muốn chia sẻ điều gì thêm về vấn đề trên?
Mọi phản ảnh, góp ý, hiến kế... mời bạn gởi đến PHẢN HỒI TRONG NGÀY qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết.
TTO - Gia đình một bệnh nhi ở Cà Mau bức xúc vì muốn chuyển con lên TP.HCM điều trị nhưng Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Cà Mau không cấp giấy chuyển viện mà yêu cầu gia đình phải ký giấy tự xin về.
Xem thêm: mth.52420545161112202-nab-neit-auc-id-gnoud-nahc-nagn-nac/nv.ertiout