Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp Liên minh doanh nghiệp Mỹ - APEC tại Bangkok, Thái Lan, ngày 17-11 - Ảnh: NHẬT ĐĂNG
Sáng 17-11, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã dự cuộc tọa đàm cấp cao với Liên minh doanh nghiệp Mỹ - APEC. Sự kiện này còn có sự tham gia của một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Mỹ có hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết Việt Nam chủ trương chuyển từ "thu hút" vốn FDI sang "hợp tác" với các nhà đầu tư nước ngoài trên tinh thần bình đẳng, cùng phát triển, cùng có lợi, bảo vệ môi trường, ưu tiên các dự án áp dụng công nghệ cao, có sự lan tỏa và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của Việt Nam.
Theo Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Việt Nam là điểm đến của nhiều tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ như Apple, Dell, Intel... Chủ tịch nước đề nghị các doanh nghiệp Mỹ tăng cường sự liên kết, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất.
Đáp lại, các doanh nghiệp Mỹ đều đánh giá cao thành tựu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam các giai đoạn gần đây, luôn ở mức cao so với các khu vực kinh tế khác trên thế giới.
Đại diện các doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Mỹ cũng cho biết sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư vào Việt Nam, đưa vào thị trường Việt Nam những sản phẩm mới, công nghệ hiện đại trong các lĩnh vực như: chăm sóc sức khỏe, dân số, chuyển đổi số trong tài chính, ngân hàng; nông nghiệp thông minh; năng lượng tái tạo; xây dựng kết cấu hạ tầng, công nghệ cao, công nghệ thông tin; hoạt động nghiên cứu và phát triển...
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp Liên minh doanh nghiệp Mỹ - APEC tại Bangkok, Thái Lan, ngày 17-11 - Ảnh: NHẬT ĐĂNG
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng các ý kiến của doanh nghiệp Mỹ đã làm rõ hơn ý tưởng, tầm nhìn, định hướng và giải pháp để thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Mỹ, đồng thời cho thấy nhiều tín hiệu tích cực về xu hướng đầu tư của các doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam trong thời gian tới.
Giải đáp kiến nghị, đề xuất của một số tập đoàn, doanh nghiệp Mỹ nêu ra tại buổi tọa đàm, Chủ tịch nước nhắc đến Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025.
Chương trình này được định hướng đến năm 2030, theo đó, Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện chính sách theo hướng cởi mở và tăng cường khả năng tiếp cận của các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, các nhiệm vụ, giải pháp xuyên suốt của Việt Nam trong thời gian tới là thúc đẩy tăng trưởng xanh, kinh tế số, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tham gia sâu hơn vào cấu trúc đầu tư, trật tự thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu.
Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh quan hệ đối tác hợp tác toàn diện Việt Nam - Mỹ sẽ phát triển tốt đẹp hơn, thành công hơn chỉ khi có sự hợp tác hiệu quả, thành công của các doanh nghiệp hai bên, trong đó các doanh nghiệp Hoa Kỳ có vai trò dẫn dắt, đi đầu.
TTO - Samsung, Intel, Amkor Technology và các công ty khác đang đổ hàng tỉ USD vào ngành công nghiệp chip của Việt Nam, theo một bài viết đăng trên diễn đàn chính sách quốc tế East Asia Forum mới đây.