Kể từ giữa năm 2020 tới nay, thị trường tài chính Trung Quốc đã chứng kiến đợt sụt giảm lớn nhất đối với trái phiếu chính phủ ngắn hạn. Sự sụt giảm này (được thúc đẩy bởi sự chuyển dịch sang các tài sản rủi ro hơn bao gồm cả cổ phiếu) đã khiến các nhà đầu tư cá nhân rút tiền khỏi các quỹ quản lý tài sản, thúc đẩy vòng xoáy giảm giá và đẩy nhanh việc rút tiền. Các khoản lỗ cũng lan sang các loại trái phiếu doanh nghiệp được xếp hạng cao nhất, khiến lợi suất tăng kỷ lục trong tuần này.
Một số ngân hàng đã đưa ra các tuyên bố công khai để trấn an các nhà đầu tư, rằng tình trạng hỗn loạn sẽ được ngăn chặn, trong khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã tăng gần gấp đôi quy mô bơm tiền vào hệ thống tài chính thông qua các nghiệp vụ thị trường mở hôm thứ Tư (16/11).
Các ngân hàng lớn nhất của Trung Quốc được cho là có khả năng tiếp cận vốn dồi dào, nhưng sự dao động giá quá lớn và việc nhà đầu tư rút tiền đã làm tăng nguy cơ mất thanh khoản ngắn hạn. Các sản phẩm thu nhập cố định cung cấp giá cả và thanh khoản hàng ngày là tương đối mới ở Trung Quốc.
Các nhà đầu tư từ lâu đã quen với việc nắm giữ trái phiếu với thời gian dài hơn và được đảm bảo về lợi nhuận, cho đến khi một loạt cải cách được ban hành để giảm thiểu rủi ro đạo đức trong hệ thống tài chính.
Hơn 10.000 trong số 30.000 sản phẩm quản lý tài sản (WMP) đang lưu hành tại Trung Quốc tính đến thứ 16/11/2022 đều đã ghi nhận khoản lỗ trong tuần qua, Công ty tư vấn Luật & Quy định Tài chính có trụ sở tại Thượng Hải đã viết trong một báo cáo.
Những biến động mạnh của thị trường là tác dụng phụ của tâm lý lạc quan của nhà đầu tư. Thị trường chứng khoán trị giá 10.000 tỷ USD của Trung Quốc đã tăng vọt trong những ngày gần đây sau khi Chính phủ nước này nới lỏng một số chính sách chống Covid, đưa ra gói giải cứu đối với lĩnh vực bất động sản và giảm căng thẳng với Mỹ, cũng như các quốc gia phương Tây khác.
Với dòng tiền chảy vào cổ phiếu và các sản phẩm đầu tư có độ rủi ro cao khác, dòng tiền đầu tư chảy vào loại sản phẩm tài chính an toàn như trái phiếu chính phủ đã bị ảnh hưởng tiêu cực.
Ít nhất 5 ngân hàng đã báo cáo tình hình thanh khoản và rủi ro tiềm ẩn của họ cho PBOC và Ủy ban Điều tiết Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc trong những ngày gần đây, bao gồm cả kế hoạch mua lại trái phiếu từ các nhà đầu tư.
Bộ phận quản lý tài sản của Bank of China Ltd cho biết: “Sự sụt giảm của thị trường trái phiếu gần đây đã kéo theo sự giảm giá của một số sản phẩm quản lý tài sản. Việc nới lỏng tiền tệ đã kéo theo những kỳ vọng, từ đó gây ra tình trạng cạn kiệt thanh khoản, đẩy lãi suất trên thị trường tiền tệ lên cao hơn, trong khi những điều chỉnh chính sách đối với thị trường bất động sản và chính sách chống Covid để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế cũng đã cải thiện được tâm lý của nhà đầu tư”.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cho biết, sẽ kiềm chế các khoản thua lỗ và tích cực theo đuổi các khoản đầu tư tương đối an toàn. Ngân hàng Công nghiệp và Ngân hàng Zheshang Trung Quốc đã đăng bài trên tài khoản WeChat chính thức của họ, khuyến khích các nhà đầu tư “mua ở mức giá thấp” và nắm giữ để tìm kiếm lợi nhuận dài hạn sau những tổn thất nặng nề trên thị trường trái phiếu.
PBOC đã bơm ròng 123 tỷ nhân dân tệ (17,3 tỷ USD) thanh khoản kỳ hạn 7 ngày thông qua hoạt động thị trường mở hôm thứ Tư. Cơ quan này cho biết, số tiền bơm sẽ lên tới 1.000 tỷ nhân dân tệ trong tháng này, thông qua sự kết hợp của các công cụ chính sách ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
Lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn một năm của Trung Quốc đã biến động đôi chút, ở mức 2,17% hôm thứ Năm (17/11), kết thúc chuỗi 7 ngày leo lên mức cao nhất kể từ tháng Giêng. Lợi suất trái phiếu 10 năm giảm 3 điểm cơ bản xuống 2,80%, sau khi tăng 10 điểm cơ bản vào đầu tuần này, đánh dấu mức giảm tồi tệ nhất kể từ năm 2016. Chỉ số chứng khoán CSI 300 đã giảm 0,4%.
Các sản phẩm quản lý tài sản của các ngân hàng đã được các cơ quan quản lý thị trường giám sát ngày càng chặt chẽ hơn trong những năm qua, trong bối cảnh lo ngại về một loạt rủi ro từ bảo lãnh ngầm và tỷ lệ đòn bẩy cao, đến rủi ro kỳ hạn và sự thiếu minh bạch về mục đích sử dụng vốn.
Theo nghiên cứu của Citic Securities Co, tính đến giữa tháng 10/2022 thị trường sản phẩm quản lý tiền mặt của Trung Quốc có qui mô lên tới 9.780 tỷ nhân dân tệ. Tính đến cuối tháng 6/2022, các khoản đầu tư vào trái phiếu chiếm 68% tổng tài sản của WMP.