Phải chăng lập công ty chỉ để kiếm tiền?
Thành lập năm 2007, công ty chúng tôi khi ấy vẫn mang nặng tư duy làm kinh doanh ngắn hạn với mục tiêu lợi nhuận luôn đặt lên hàng đầu. Chúng tôi may mắn khi ra đời vào lúc môi trường kinh doanh còn sơ khai và mới bước đầu hội nhập kinh tế quốc tế khi Việt Nam tham gia vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) tháng 1-2007, nên công việc khá thuận lợi. Đây là cơ hội tốt cho thế hệ trẻ đầy khát vọng như chúng tôi chứng tỏ năng lực bản thân, không ngại thử thách và ra sức làm giàu cho đất nước.
Khóa đào tạo Keieijuku dành cho doanh nhân làm chủ công nghiệp Việt Nam do JICA tài trợ
Chúng tôi là thế hệ 7X được sinh ra sau ngày thống nhất đất nước nên chứng kiến và trải qua những khó khăn gian khó vào giai đoạn sau chiến tranh và kinh tế bao cấp. Chính khó khăn và lạc hậu của đất nước là động lực mãnh liệt thôi thúc thế hệ chúng tôi có ý chí vươn lên học tập, làm việc kiếm tiền. Là động cơ mãnh liệt để doanh nhân bền bỉ theo đuổi công việc và tạo ra dấu ấn cho sự nghiệp.
Nhưng sau vài năm kinh doanh, chúng tôi tự hỏi rằng: Mục tiêu của doanh nhân và xây dựng công ty phải chăng chỉ để kiếm tiền? Tinh thần doanh nhân chỉ lấy tiền ra làm thước đo sự giàu có và thành công? Câu hỏi lớn đó cứ quanh quẩn mà chưa có lời giải đáp sau những năm đầu kinh doanh khá thành công và xây dựng thương hiệu.
Hành trình thay đổi tư duy kinh doanh
Có câu nói rằng: “May mắn lớn nhất của cuộc đời, không phải nhặt được tiền, cũng không phải trúng số, mà là có người có thể dẫn bạn đi đến một nền tảng cao mới”. Điều này đúng với chúng tôi khi may mắn được tham gia vào khóa học Keieijuku dành cho các lãnh đạo doanh nghiệp sản xuất do JICA tài trợ.
Ông Sakai Toshifumi (JICA) phát biểu trong buổi lễ khai giảng khóa Keieijuku
Sau khóa học, chúng tôi thay đổi nhận thức về một doanh nhân cùng một sứ mệnh, vai trò đối với nhân viên qua việc sản xuất ra các sản phẩm mang giá trị và lợi ích cho xã hội, qua đó mang lợi nhuận cho doanh nghiệp. Và chúng tôi đã bắt đầu hành trình lột xác, thay đổi… áp dụng những kiến thức đã học vào doanh nghiệp, dù thành công cũng có và thất bại cũng nhiều trong thời gian sau đó.
Thành lập từ một doanh nghiệp thương mại, ban giám đốc đã xác định phải làm một điều gì mang lại giá trị cho xã hội hơn là chỉ đơn thuần mua - bán và thu lợi nhuận.
Và chúng tôi quyết định thành lập nhà máy sản xuất cơ khí phụ trợ ngành xây dựng cơ điện (M&E) nhằm thay thế hàng nhập khẩu. Vào thời điểm đó, gia đình và bạn bè đều can ngăn ý định này vì với số tiền đầu tư vào đất đai, nhà xưởng, máy móc thiết bị thì nên mở rộng lĩnh vực kinh doanh thương mại dịch vụ sẽ tốt hơn hoặc đầu tư vào bất động sản sẽ mang lợi nhuận hơn.
Gần 20 năm qua, mặc dù Chính phủ đã có nhiều quốc sách phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, nhưng cho đến hiện tại, nền sản xuất phụ trợ vẫn chưa phát triển và yếu kém. Con đường sản xuất công nghiệp phụ trợ quả thật rất chông gai và nhiều lúc chúng tôi phải đối mặt với những khó khăn tưởng chừng như phải bỏ cuộc.
Những lúc bế tắc mất phương hướng, tôi luôn đọc lại 2 cuốn sách: “Triết lý kinh doanh thực tiễn” - Matsushita Konosuke (Chủ tịch Tập đoàn Panasonic) và “Từ Bình Thường trở nên Phi Thường” - Inamori Kazuo (Chủ tịch Tập đoàn Kyocera) và những bài giảng phương thức kinh doanh hiện đại từ khóa học tinh thần sản xuất Monodzukuri.
“Mọi cuộc hành trình bắt đầu những bước đi đầu tiên”
Các bài giảng từ khóa học giúp chúng tôi “khai sáng” con đường phát triển cho công ty mà trước đó tôi mất nhiều thời gian loay hoay đi tìm. Học và áp dụng thành công “đạo kinh doanh” tử tế theo phong cách Nhật, cống hiến phụng sự cho xã hội và trách nhiệm cộng đồng với giá trị thật. Và năng lượng tuyệt vời này được chúng tôi tiếp tục truyền lửa đến cộng đồng doanh nhân Việt Nam, các cấp quản lý và nhân viên trong Công ty Cát Vạn Lợi để cùng xây dựng một cộng đồng với văn hóa kinh doanh “tử tế” và đóng góp - phụng sự cho xã hội.
Dự án cải tiến năng suất - chất lượng tại nhà máy Cát Vạn Lợi do IDCS triển khai
“Lửa cháy bỏng tinh thần sản xuất Monodzukuri” đã chắp cánh cho chúng tôi hiện thực hóa ước mơ và hoài bão được truyền lửa từ các thầy Nhật thành hành động xây dựng và ra đời nhà máy Cát Vạn Lợi đầu tiên (2016) và nhà máy thứ 2 (2022), góp phần thực hiện “Khát vọng thay thế hàng nhập khẩu”.
Và rồi những lô hàng đầu tiên xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Myanmar, Campuchia, Philippines, Singapore và thành công tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của Tập đoàn Toshiba trong các dự án tại châu Á. Sản phẩm chúng tôi có mặt tại nhiều công trình công nghiệp trọng điểm: Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 1, Nhà máy Nhiệt điện Vân Phong, Nhà máy lọc dầu Long Sơn… và là cung cấp chính cho hơn 20 nhà thầu Nhật Bản tại Việt nam.
Chúng tôi đạt được các thành tự ngày hôm nay bởi đã có sự thay đổi tư duy về kinh doanh và sự phụng sự cho xã hội. Như lời bài hát của nhạc sĩ Trần Long Ẩn mà thời niên thiếu của chúng tôi rất yêu thích:
Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng,
Gian khổ sẽ dành phần ai?
TTO - Nếu chủ động được công nghệ, máy móc chế biến thì chi phí sản xuất của sản phẩm chocolate có thể giảm đi rất nhiều, khi đó nhà sản xuất có thể mua giá hạt ca cao từ người nông dân cao hơn mà vẫn đảm bảo sức cạnh tranh.