Ngày 18/11, ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM - cho biết, hiện chi phí đầu vào sản xuất đang có xu hướng tăng, tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa dịch vụ của doanh nghiệp cũng như việc giữ ổn định giá bán, giảm giá hàng hóa trong những tháng cuối năm.
Trước thực trạng này, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM vừa có văn bản đề nghị các ngân hàng trên cơ sở mối quan hệ với doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường hỗ trợ và đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn, dịch vụ cho doanh nghiệp.
"Các ngân hàng cần khai thác sử dụng vốn có hiệu quả để tạo điều kiện ổn định lãi suất cho vay và xem xét giảm lãi suất cho doanh nghiệp để giữ ổn định giá thành, giá bán, góp phần ổn định thị trường hàng tiêu dùng thiết yếu cuối năm. Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp giao dịch dịp cuối năm, hỗ trợ doanh nghiệp lập kế hoạch kinh doanh, dự tính dòng tiền trong năm 2023 nhằm tạo tiền đề phát triển bền vững cho doanh nghiệp" - ông Nguyễn Đức Lệnh nói.
Doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn do chi phí đầu vào tăng, sức mua giảm, rất khó để giảm giá vào dịp cuối năm |
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM còn yêu cầu các ngân hàng tập trung thực hiện tốt chương trình tín dụng ưu đãi, các gói tín dụng hỗ trợ cho doanh nghiệp, tập trung vốn cho doanh nghiệp thuộc nhóm ngành lĩnh vực là động lực tăng trưởng (xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn) để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, tăng trưởng.
Đặc biệt, cần tuyên truyền đến doanh nghiệp các chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, UBND TPHCM tập trung vốn cho sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp tăng trưởng. Đồng thời, ngân hàng kiểm soát và nâng cao chất lượng tín dụng và tăng trưởng an toàn.
Hiện nay, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp bình ổn thị trường trên địa bàn TPHCM, giá cả đầu vào đồng loạt tăng, đẩy chi phí sản xuất tăng 20-30%, làm giảm khả năng cạnh tranh, kế hoạch chuẩn bị hàng tết của doanh nghiệp. Đa phần các doanh nghiệp đều vay vốn lưu động ngắn hạn, song do các đối tác và nhà phân phối chậm thanh toán so với tiến độ nên doanh nghiệp thiếu vốn trầm trọng. Một số ngân hàng hứa cho vay nhưng đến thời gian đáo hạn thì không giải ngân được, do hết hạn mức tín dụng hoặc tăng lãi suất vay, khiến doanh nghiệp thêm khó khăn.
Thanh Hoa