Alibaba Group Holding cho biết, Tập đoàn có thể sẽ quyết định không giữ quyền kiểm soát ở các công ty con sau khi IPO tùy thuộc vào sự quan trọng của các công ty con này. Đây là thông tin rõ nét đầu tiên kể từ khi một trong những tập đoàn về thương mại điện tử lớn nhất châu Á này công bố cuộc tái cơ cấu lịch sử cho thấy họ có thể từ bỏ hoàn toàn quyền kiểm soát ở một hoặc nhiều công ty con.
Alibaba cho biết, Tập đoàn sẽ tái cơ cấu thành 6 công ty con, hoạt động độc lập và Alibaba là cổ đông lớn nhất. Theo kế hoạch, tất cả công ty con trừ Tập đoàn thương mại Taobao Tmall - nguồn doanh thu cốt lõi của Alibaba - có thể tìm kiếm nguồn tài chính riêng cho mình và theo đuổi IPO.
Giám đốc tài chính Toby Xu cho biết: "Sau khi IPO, chúng tôi sẽ tiếp tục đánh giá tầm quan trọng của các công ty con này đối với sự phát triển và chiến lược của Alibaba và trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ quyết định có tiếp tục duy trì quyền kiểm soát hay không. Đây sẽ là một quyết định quan trọng".
Hiện tại, hơn 2/3 doanh thu của Alibaba đến từ mảng kinh doanh thương mại điện tử ở Trung Quốc, trong khi 5 đơn vị kinh doanh các mảng khác tạo ra khoảng 3 - 8% tổng doanh thu của tập đoàn.
Giám đốc điều hành Daniel Zhang cho biết, sự khác biệt lớn nhất giữa lần tái cơ cấu này và những lần trước đó là Alibaba đã phát triển thành một tập đoàn lớn hơn và nhiều tham vọng hơn trước.
"Chúng tôi có nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau. Do đó, việc cơ cấu lại lần này cần thiết hơn bất kỳ đợt tái cơ cấu nào trước đó, nhưng nó cũng khó khăn và nhiều thử thách hơn. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng sự chuyển đổi này sẽ cho phép tất cả doanh nghiệp của chúng tôi trở nên linh hoạt hơn”, ông Zhang nhận định.
Ông cho biết thêm rằng Alibaba đã đặt nền móng cho quá trình tái cơ cấu lần này trong vài năm qua, và một trong những lý do họ chọn công bố vào tháng 03/2023 là vì họ sẽ bắt đầu một năm tài chính mới vào tháng 04/2023.
Tập đoàn Alibaba sẽ đóng vai trò là cổ đông kiểm soát của 6 công ty con. Hội đồng quản trị của Alibaba sẽ giữ quyền kiểm soát đối với hội đồng quản trị của các công ty con này.
"Tuy nhiên, bản chất của mối quan hệ sẽ thay đổi. Alibaba sẽ mang bản chất của một nhà điều hành tài sản và vốn, hơn là một nhà điều hành kinh doanh liên quan đến các công ty con thuộc tập đoàn”, ông Zhang cho biết.
Moody's coi việc tái cơ cấu lần này của Alibaba là tín hiệu tích cực trong ngắn hạn, song những tác động dài hạn sẽ cần được theo dõi. Moody's cũng cho biết, khi 6 công ty con mới bắt đầu hoạt động độc lập hơn theo thời gian, họ sẽ có thể đưa ra quyết định nhanh hơn và phản ứng với áp lực cạnh tranh của thị trường một cách linh hoạt hơn. Họ cũng sẽ có nhiều cơ hội hơn để lựa chọn đối tác hợp tác tốt nhất cho nhu cầu kinh doanh của mình. Các đối tác này có thể là nội bộ hoặc bên các công ty khác, với các điều khoản và điều kiện khác nhau.
Năm 2021, Bắc Kinh đã phạt kỷ lục 18,2 tỷ nhân dân tệ (2,6 tỷ USD) đối với Alibaba vì lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường.
Alibaba đã lên kế hoạch biến Hồng Kông (Trung Quốc) thành thị trường huy động vốn chính của mình, bằng cách chuyển đổi trạng thái niêm yết thứ cấp ở đó thành niêm yết chính mở đường cho các nhà đầu tư Trung Quốc mua cổ phần của mình. Kế hoạch này dự kiến được hoàn thiện vào cuối năm 2022, nhưng Alibaba đã thông báo vào tháng 11/2022 rằng họ sẽ trì hoãn việc chuyển đổi sàn niêm yết vì cần thêm thời gian để xem xét tình hình thị trường.