vĐồng tin tức tài chính 365

Bí ẩn vụ trộm bảo vật quốc gia 3.000 năm

2022-11-18 17:31

Đó là bảo vật quốc gia tên Sử Khổng Hòa, món đồ bằng đồng từ thời Tây Chu, cao 7,5 cm, đường kính 11 cm, trông giống bát nước hình cầu, khắc chữ đại triện ở đáy, được chế tác tinh xảo.

Sử Khổng Hòa được một bà cụ họ Vương mang đi bán tại cửa hàng mậu dịch thành phố Thanh Đảo vào 10 năm trước. Bà Vương nói đây là vật tổ truyền, không biết tên gì, vì nhà quá nghèo phải bán.

Các nhà khảo cổ học xác định Sử Khổng Hòa là dụng cụ đo lường của triều đại Tây Chu từ hơn 3.000 năm trước, là một văn vật hiếm có trong lịch sử đo lường và nông nghiệp ở Trung Quốc, những chữ khắc bên trong càng tăng giá trị của nó.

Sau khi xác định đây là văn vật quý giá, Sử Khổng Hòa được đưa vào Bảo tàng Cố Cung, ngày 28/10/1957. Tháng 6/1959, Sử Khổng Hòa được chuyển đến trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Trung Quốc cùng nhiều văn vật khác để chuẩn bị cho cuộc triển lãm quan trọng.

Cổ vật Sử Khổng Hòa thời Tây Chu. Ảnh: Art.china

Cổ vật Sử Khổng Hòa thời Tây Chu. Ảnh: Art.china

Việc Sử Khổng Hòa biến mất được báo cáo khẩn lên Quốc vụ viện Trung Quốc. Thủ tướng Chu Ân Lai lập tức chỉ thị cho Bộ Công an và Cục Di sản Văn hóa Quốc gia thành lập tổ chuyên án để điều tra rõ trong thời gian nhanh nhất.

Kiểm tra hiện trường, các điều tra viên phát hiện tủ trưng bày số 32 không có khóa. Các tủ trưng bày xung quanh đặt rất nhiều văn vật vô giá nhưng không có gì che chắn.

Trương Vinh, Trưởng bộ phận an ninh của bảo tàng, cho biết do thời gian gấp gáp, tủ trưng bày được chuyển đến trước khi lắp kính, dự định vừa sắp đặt văn vật vừa lắp kính. Như vậy, các cổ vật không có biện pháp bảo vệ nào.

Đội điều tra nhận thấy an ninh của bảo tàng rất chặt chẽ, cảnh vệ được trang bị súng và kiểm tra nghiêm ngặt người ra vào, trực 24/24h. Người bình thường không thể vào khu trưng bày và những người không quen thuộc với tình hình bên trong bảo tàng rất khó lẻn vào phạm tội. Hơn nữa, mục tiêu của tên trộm dường như rất rõ ràng, hắn chỉ lấy trộm Sử Khổng Hòa.

Cảnh sát suy đoán tên trộm nằm trong đội ngũ nhân viên của bảo tàng, thời gian gây án từ 18h30 ngày 13/8 đến sáng sớm 14/8. Bộ Công an đánh giá đây là "vụ án tuyệt mật, đặc biệt khẩn cấp".

Do không có camera giám sát, đội điều tra phải lần lượt thẩm vấn 43 nhân viên ở lại bảo tàng trong khoảng thời gian xảy ra vụ án. Qua điều tra, họ phát hiện một kẻ đáng ngờ là Triệu Đồng Trăn.

Đêm đó, Trăn cùng một đồng nghiệp làm ca đêm, có điều kiện tiếp xúc trực tiếp với văn vật trong tủ trưng bày. Các cảnh vệ làm nhiệm vụ ở hành lang cũng xác nhận vào đêm xảy ra vụ án, chỉ có Trăn ra vào phòng triển lãm văn vật thời Tây Chu.

Trăn 29 tuổi, được phân công làm việc tại Bảo tàng Lịch sử Trung Quốc sau khi xuất ngũ năm 1958. Trăn thuộc tổ trưng mua văn vật, có hiểu biết về giá trị của các cổ vật trong bảo tàng.

Trong thời gian đi lính, Trăn từng biển thủ tiền ăn của tập thể nên bị kỷ luật, từ đó mất tư cách vào đảng và thăng chức. Những người quen biết Trăn tiết lộ anh ta thường lui tới nhà hàng, quán rượu, cặp bồ dù đã kết hôn, chỉ dựa vào tiền lương chắc chắn không đủ tiêu pha.

Có đủ điều kiện và động cơ phạm tội, Trăn bị coi là nghi phạm duy nhất trong vụ án. Tuy nhiên, đội điều tra chưa thể bắt giữ Trăn vì không có bằng chứng xác thực.

Trước khi cảnh sát đến, hiện trường đã bị đám đông nhân viên gây tổn hại, không trích xuất được dấu vân tay, dấu chân và các thông tin khác.

Để truy tìm tung tích cổ vật, Bộ Công an gửi ảnh của Sử Khổng Hòa đến các đơn vị trên toàn quốc để thu thập manh mối. Họ từng lên kế hoạch rút cạn sông Kim Thủy bởi phán đoán nghi phạm không dám bán tang vật, cũng không dám cất giấu tại nơi ở, có thể sẽ ném xuống sông Kim Thủy, tuy nhiên phương án này không thể thực hiện.

Sau một năm, tổ chuyên án vẫn chưa tìm ra bằng chứng vạch tội Trăn.

Tháng 4/1960, Cục Văn hóa Thành phố Bắc Kinh tổ chức cho một nhóm cán bộ từ các đơn vị trực thuộc đến rèn luyện tại huyện Thuận Nghĩa trong một năm.

Trước Tết Nguyên đán 1961, trong nhóm xảy ra một vụ trộm. Rương của bốn cán bộ ở ký túc xá bị cạy, đồ bị mất gồm một chiếc đồng hồ Thụy Sĩ, một chiếc máy thu vô tuyến tinh thể, cùng hai vỏ gối, một đôi tất, một cuộn len nhỏ và một bánh xà phòng.

Khám nghiệm hiện trường, cảnh sát phát hiện một lỗ hổng trên trần ký túc xá, trong đó giấu một xấp báo, mở ra có một hộp trà, bên trong hộp trà là chiếc đồng hồ và máy thu vô tuyến tinh thể bị đánh cắp.

Cảnh sát phán đoán tên trộm không có nơi nào để giấu tang vật nên đành cất vào đây trước, điều này có nghĩa kẻ trộm rất có thể là một trong bốn người ở ký túc xá. Để bắt quả tang, cảnh sát đặt đồ vào vị trí cũ, lặng lẽ chờ đợi.

Lúc đó, chủ nhà trọ bỗng nhớ ra từng thấy một cán bộ tên Triệu Đồng Trăn có biểu hiện kỳ quái vào buổi sáng xảy ra sự việc nên đến báo tin cho trưởng nhóm cán bộ. Cô nói: "Tôi không gõ cửa mà đi thẳng vào phòng ký túc xá, định quét dọn cho họ. Triệu Đồng Trăn đang ở trong phòng, có vẻ hoảng loạn khi nhìn thấy tôi. Tôi hỏi sao không đi ăn, anh ta giải thích qua loa vài câu, rõ ràng là vẻ chột dạ như thể bị phát hiện bí mật nào đó".

Trưởng nhóm lập tức chạy vào lục tung rương và chăn đệm của Trăn nhưng không tìm thấy gì, điều này khiến Trăn hoảng hốt, không dám manh động.

Nhiều ngày trôi qua, tang vật trong lỗ hổng trên trần nhà vẫn còn nguyên.

Đến 14/2/1961, tức ngày 28 tháng chạp, đoàn cán bộ chuẩn bị về thành phố ăn Tết. Trong khi mọi người bận thu dọn hành lý, Trăn lén vào sân viện, moi thứ gì đó trong đống củi ra rồi nhét vào lòng.

Anh ta bị một cán bộ ở cùng ký túc xá phát hiện, gọi người chặn lại. Cả nhóm nhận ra những thứ Trăn đang giấu giếm chính là tang vật vụ trộm.

Cảnh sát cuối cùng đã thu được bằng chứng phạm tội của Trăn và bắt giữ anh ta theo pháp luật. Tuy nhiên, Trăn chỉ thừa nhận hành vi trộm cắp gần đây, một mực phủ nhận có liên quan vụ trộm Sử Khổng Hòa.

Sau cuộc đấu tranh kéo dài bốn ngày, đến sáng 18/2, Trăn thú nhận tội lỗi và khai ra tung tích của Sử Khổng Hòa.

Trăn dẫn các điều tra viên đến một nhà kho trong Bảo tàng Lịch sử Trung Quốc, tiết lộ đã giấu Sử Khổng Hòa bên trong món cổ vật bằng đồng cao nửa mét thời Tây Chu.

Cảnh sát phải tháo rời phần trên món cổ vật bằng đồng cao nửa mét mới tìm thấy Sử Khổng Hòa ở bên dưới. Ảnh: Art.china

Cảnh sát phải tháo rời phần trên món cổ vật bằng đồng cao nửa mét mới tìm thấy Sử Khổng Hòa ở bên dưới. Ảnh: Art.china

Về động cơ phạm tội, Trăn nói là để trả thù Trương Vinh, Trưởng bộ phận an ninh của bảo tàng, làm cho mất uy tín. Trăn biết rằng mọi văn vật trong bảo tàng đều vô giá, chỉ cần đánh cắp một món thôi cũng đủ để Vinh chịu khổ.

Khoảng 23h55 ngày 13/8/1959, Trăn một mình đến phòng triển lãm văn vật thời Tây Chu, chọn Sử Khổng Hòa làm mục tiêu gây án.

Tủ trưng bày không có kính, Trăn dễ dàng lấy đồ bỏ vào túi, sau đó sắp xếp lại vị trí các cổ vật để người khác khó nhận ra. Anh ta lẻn về phòng trực, bỏ Sử Khổng Hòa vào cặp sách để dưới gầm bàn. Sáng sớm hôm sau, sau khi tan ca, Trăn đem đồ về văn phòng mình, bọc bằng báo rồi nhét vào sau tủ.

Khi biết bị coi là nghi phạm, Trăn nghĩ ra cách giấu cổ vật trong món đồ bằng đồng cao nửa mét trong kho. Anh ta định đợi mọi chuyện lắng xuống mới đem Sử Khổng Hòa đi, nhưng trước khi kịp hành động, anh ta bị phái đến vùng nông thôn một năm, không có cơ hội quay lại bảo tàng.

Trong thời gian đó, Trăn lại ăn trộm của đồng nghiệp ở cùng ký túc xá dẫn đến bị phát hiện.

Triệu Đồng Trăn phải nhận bản án tù chung thân vì trộm cắp bảo vật quốc gia.

Tuệ Anh (Theo 163)

Xem thêm: lmth.0537354-peihgn-gnod-iov-uht-ut-iv-aig-couq-tav-oab-mort-uv/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Bí ẩn vụ trộm bảo vật quốc gia 3.000 năm”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools