Chính phủ vừa quyết định thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp tại TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Mới đây, trong báo cáo mới nhất của Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh, hiệp hội kiến nghị nhiều giải pháp, trong đó nhấn mạnh đến việc các doanh nghiệp bất động sản cần thực hiện quá trình tái cấu trúc về đầu tư, tái cơ cấu sản phẩm hướng đến nhu cầu thực để trụ vững, cũng như phát triển lành mạnh, bền vững hơn trong thời gian tới.
Theo báo cáo của Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh, một số doanh nghiệp bất động sản đã thực hiện nhiều hoạt động như: thu hẹp quy mô đầu tư; dừng, đình hoãn hoạt động thi công xây dựng một số dự án chưa cần thiết; dừng triển khai các dự án mới; dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn; dừng IPO… hay giảm bớt lao động.
Còn để giải bài toán vốn, nhiều đơn vị cũng phải bán bớt tài sản, dự án hoặc sản phẩm bất động sản với chiết khấu sâu.
"Chúng ta cần thực hiện mạnh mẽ tái cấu trúc doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải tồn tại, phải trụ vững sau đó mới tính tới việc phát triển. Trong cái tồn tại này, chúng ta chuẩn bị nội lực để thực hiện các giai đoạn tiếp theo của dự án hoặc các dự án mới", ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh, nhấn mạnh.
Trong bối cảnh hiện nay, các chuyên gia cho rằng, đây là thời điểm thích hợp để doanh nghiệp bất động sản tìm cho mình một giải pháp tổng thể trong tái cơ cấu lại hoạt động kinh doanh. (Ảnh minh họa - Ảnh: PLO)
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần tái cơ cấu lại sản phẩm, hướng đến phân khúc nhà ở thương mại vừa túi tiền, vốn đang rất thiếu trên thị trường thời gian qua. Bởi theo nhiều doanh nghiệp, việc tiếp cận tín dụng của những dự án đáp ứng nhu cầu ở thực được vẫn không gặp nhiều khó khăn.
"Phải xem lại những dự án nào đầu tư dài hạn, những dự án nào không phù hợp, phải điều chỉnh danh mục đầu tư để làm sao cho sản phẩm phù hợp với người tiêu dùng hơn, để bán sản phẩm ra, để giảm hàng tồn kho, thu được dòng tiền", ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Lê Thành, cho hay.
Nhiều chuyên gia cho biết, ghi nhận thực tế thời gian qua, các chủ đầu tư đã và đang tiến hành một loạt các điều chỉnh, cơ cấu trong hoạt động kinh doanh; cơ cấu lại các khoản nợ; cuối cùng là cơ cấu lại các loại hình sản phẩm.
"Thay vì phát triển dàn trải thì họ tập trung vào các dự án được coi là "core bussiness" (sản phẩm cốt lõi) của họ. Còn những dự án khác, dự án mới thì họ cắt giảm về nhân sự, cắt giảm về marketing và nhiều thứ khác… để đảm bảo những sản phẩm cốt lõi bắt đầu tạo ra được dòng tiền trong khoảng thời gian ít nhất là đến quý 2/2023", ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc batdongsan.com.vn khu vực phía Nam, thông tin.
Trong bối cảnh hiện nay, các chuyên gia cho rằng, đây là thời điểm thích hợp để doanh nghiệp bất động sản tìm cho mình một giải pháp tổng thể trong tái cơ cấu lại hoạt động kinh doanh. Trong đó, vấn đề quan trọng nhất là cần tập trung vốn cho lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, nâng cao vai trò quản trị tài chính của chính doanh nghiệp.
VTV.vn - Tổ công tác có nhiệm vụ rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản tại các địa phương.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!