Các cán bộ dành một phút mặc niệm cho 23.000 đồng bào, cán bộ, chiến sĩ hy sinh, tử vong trong đại dịch COVID-19 - Ảnh: TRẦN MẶC
Điều đó được thể hiện trong buổi tưởng niệm đồng bào, cán bộ chiến sĩ hy sinh, tử vong trong đại dịch COVID-19 diễn ra vào sáng 19-11 tại khuôn viên Nhà tang lễ thành phố, do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM phối hợp với các sở, ngành, đơn vị thành phố tổ chức.
Buổi tưởng niệm được diễn ra cả ngày để người dân có thể đến thắp hương tưởng nhớ.
Phát biểu trong buổi tưởng niệm, bà Trần Kim Yến - chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố - nói:
"Cổ nhân có câu: "Hoàng hôn cho chúng ta ít ngày hơn để sống, nhưng mặt trời cho chúng ta thêm một ngày hy vọng. Vì vậy hãy vui lên và hy vọng những điều tốt đẹp nhất". Các gia đình sẽ không cô đơn, các cháu nhỏ mồ côi sẽ không cô đơn bởi có rất nhiều vòng tay yêu thương, ấm áp tình người cùng nâng đỡ, sẻ chia và luôn đồng hành cùng các gia đình và các cháu trên mỗi bước đường đời".
Bà Trần Kim Yến mong muốn người ở lại sẽ không còn cô đơn khi được sự quan tâm và san sẻ từ cộng đồng - Ảnh: TRẦN MẶC
Tuy dịch bệnh đã qua đi nhưng những mất mát để lại còn quá lớn, vì thế buổi tưởng niệm được diễn ra với mong muốn tưởng nhớ những đồng bào đã rời đi, đồng thời san sẻ bớt những nỗi đau mà người ở lại phải gánh chịu.
Đó là nỗi đau của người vợ có chồng là bác sĩ trong tuyến đầu chống dịch đã hy sinh; là nỗi đau của người phụ nữ khi đồng thời mất cả chồng lẫn con vì COVID-19.
Nhắc về những ngày tháng khó khăn ấy, bà Thân Ngọc Hương - vợ cố bác sĩ Trịnh Hữu Nhẫn, trưởng Trạm y tế xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè, TP.HCM, đã hy sinh trong đại dịch - không nén được xúc động:
"Lúc đó anh cũng 60 tuổi, còn có bệnh nền nên tôi sợ lắm nhưng anh nói còn có mấy ngày nữa về hưu nên ráng làm để chăm sóc sức khỏe cho bà con. Khi bệnh dịch gay go phức tạp, tôi cương quyết nói anh xin nghỉ vì lo anh có bệnh nền. Nhưng anh lắc đầu nói với tôi, người khác có thể làm như vậy nhưng anh không thể.
Anh nói anh ráng làm để đem màu xanh về cho thành phố. Hỏi màu xanh là gì, anh nói màu xanh là không còn dịch bệnh nữa, tất cả mọi người đều được khỏe mạnh và bình an, không còn cảnh giăng dây cách ly nữa".
Người bác sĩ ấy đã ra đi để nhiều người dân được sống. Tuy rất đau lòng nhưng bà Hương vẫn cố gắng mạnh mẽ để đi tiếp và luôn nhắn nhủ đến những người có người thân mất trong dịch bệnh: "Nỗi đau là nỗi đau, mình nhớ chứ không quên. Nhưng phải cố gắng sống để vượt qua nỗi đau, hướng đến một tương lai tươi sáng tốt đẹp hơn".
Bà Thân Ngọc Hương luôn cố gắng mạnh mẽ để vượt qua nỗi đau - Ảnh: TRẦN MẶC
Cũng như bà Hương, dẫu không thể quên được sự ra đi của người chồng và người con của mình nhưng bà Đàm Thị Kim vẫn luôn dặn lòng:
"Buồn thì không bao giờ vơi nhưng chúng ta cố gắng để hy vọng đời sống mỗi ngày tích cực. Bởi vì còn các con và các cháu nên tôi phải ráng giữ gìn sức khỏe. Đất nước chúng ta đã ngăn chặn đại dịch rất tốt, tôi mong những người phải mất đi người thân sẽ vơi bớt nỗi buồn".
Tuy nỗi đau về việc mất đi người thân là không thể phai nhòa, nhưng như bà Trần Kim Yến đã nói, người ở lại sẽ không cô đơn vì luôn có sự nâng đỡ, san sẻ từ cộng đồng.
Lễ tưởng niệm diễn ra cả ngày để người dân đến thắp hương - Ảnh: TRẦN MẶC
Bà Đàm Thị Kim xúc động khi nhắc về những người thân đã ra đi - Ảnh: TRẦN MẶC
Nghệ sĩ Kim Cương bật khóc trong buổi tưởng niệm - Ảnh: TRẦN MẶC
TTO - Sáng 18-8, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.HCM tổ chức lễ khai mạc Đại lễ tưởng niệm, kỳ siêu đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch COVID-19, tại Việt Nam Quốc Tự, TP.HCM.