Với nhiều thầy cô giáo, ánh mắt trẻ thơ, nỗi nhớ học trò đã thôi thúc họ thêm yêu nghề, gắn bó với bục giảng dù tuổi có cao hay đã đôi lần ngừng dạy học vì áp lực cuộc sống.
Vui vì được sống tiếp với nghề
Dù đã ngoài 60 tuổi nhưng được ban giám hiệu tin yêu, học sinh quý mến, thầy Lê Phú Hải vẫn tiếp tục đứng lớp.
Tiết học “Luyện tập hình học” của lớp 8/2 trường THCS Phan Văn Trị (quận Gò Vấp) trở nên thú vị khi thầy Hải liên tục gợi mở để học sinh trả lời. Thầy luôn nhắc học trò, các em làm bài có thể sai, có thể đúng, có thể thiếu. Thiếu sẽ bổ sung, sai sẽ điều chỉnh nhưng các em phải tự làm.
Một tiết dạy của thầy Lê Phú Hải tại trường THCS Phan Văn Trị, quận Gò Vấp. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN |
“Muốn làm được các bài toán hình học, các em phải đọc đề từ 2 đến 3 lần để nắm được dữ liệu của đề. Đừng đọc hời hợt, đừng đọc lướt qua sẽ dễ bị nhầm lẫn”, thầy Hải nhắc học trò.
Thầy Hải là cựu giáo viên dạy toán của một trường khác trong quận. Năm 2018, thầy về hưu theo chế độ. Học kỳ 2 năm 2020, nhận lời mời của lãnh đạo trường THCS Phan Văn Trị, thầy về dạy cho tới bây giờ.
“Thời điểm mới nghỉ hưu, suốt ngày quẩn quanh trong nhà, tôi thấy cuộc sống nhàm chán. Nhớ nghề, nhớ học trò, nhớ những tiết dạy toán, nhớ những con số, tôi liền nhận lời trở lại trường” - thầy Hải nói.
Trước kia, một tuần thầy Hải có thể dạy gần 30 tiết kể cả bồi dưỡng học sinh giỏi. Tuy nhiên, với sức khoẻ hiện nay, thầy Hải đề nghị chỉ dạy 2 lớp 8 với 12 tiết/tuần để thoải mái, không áp lực. Thầy cũng có thời gian đầu tư sâu vào bài giảng và học thêm công nghệ thông tin để bắt kịp với xu thế 4.0.
Chăm chú nghe thầy giảng, Nguyễn Lê Thiên Ngân cho biết mẹ của em đã từng học thầy năm cấp 2.
“Thầy là người có kinh nghiệm nên truyền đạt rất dễ hiểu, thầy luôn gợi cho chúng em nhiều cách giải khác nhau trong cùng một bài toán. Hy vọng sang năm, em vẫn tiếp tục được học môn toán với thầy” - Thiên Ngân nói.
Tương tự, từ sáng sớm, cô Đặng Bích Thu đã rời nhà đến trường THCS Bình Tân (quận Bình Tân) dạy môn Vật lý. Sau một vụ tai nạn, cô Thu rất khó khăn trong việc di chuyển bằng xe máy. Tuy nhiên khi được mời ở lại thỉnh giảng, cô vẫn nhận lời. Hiện cô đi dạy bằng xe ôm công nghệ.
Cô Thu cho biết, cô nghỉ hưu từ năm 2016 nhưng đến năm 2017, cô nhận ở lại thỉnh giảng vì trường còn thiếu giáo viên.
“Tôi gắn bó với trường từ khi mới thành lập với nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ, chưa có học sinh nhưng mọi người cùng chung tay nên mới có cơ ngơi và thành tích như ngày hôm nay. Vì thế, khi đến tuổi nghỉ hưu, phải rời xa trường, xa đồng nghiệp và học trò, tôi nhớ lắm. Có cơ hội được tiếp tục đứng lớp, tôi đồng ý ngay” - cô Thu nói.
Cô Thu cho biết vì đã tuổi hưu nên cô không phải lo sổ sách nên bớt áp lực hơn và dành toàn bộ thời gian cho chuyên môn.
“Ngoài sách giáo khoa, tôi còn tìm hiểu tài liệu trên mạng để cập nhật kiến thức, học hỏi thêm các phương pháp dạy học từ đồng nghiệp để làm cho bài giảng sinh động, thu hút học sinh hơn. Thấy mình còn được dạy dỗ học sinh, tôi hạnh phúc lắm” - cô Thu bộc bạch.
Cô Đặng Bích Thu đang chỉ bài cho học trò của mình. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN |
Từng bỏ cuộc nhưng vì yêu trẻ lại gắn bó
Là một giáo viên trẻ đang giảng dạy tại một trường mầm non tư thục (quận Phú Nhuận), cô Lệ Hiễn cho biết từ 15 tuổi, cô thường dành thời gian dạy cho các em hát, đóng kịch, vui chơi. Điều đó khiến cô vui, thích và quyết định thi vào ngành giáo dục mầm non.
Sau 4 năm ra trường, cô đã tìm cho mình một công việc phù hợp với chuyên môn ở ngôi trường đầu tiên và cô nỗ lực làm việc để khẳng định bản thân.
“Nhưng khó khăn bắt đầu đến, tôi có những áp lực từ phụ huynh, từ các bé, từ quản lí và ngay cả những người đồng nghiệp. Chúng tôi có nhiều mâu thuẫn, bất đồng quan điểm. Tôi tổn thương, mệt mỏi... và tôi nghỉ việc tại ngôi trường đó” - Lệ Hiễn nhớ lại.
Sau khi nghỉ việc, Lệ Hiễn tiếp tục tìm kiếm hy vọng ở một ngôi trường mới nhưng những áp lực đó tiếp tục lặp lại. Cuối cùng, cô quyết định nghỉ việc và cô nghĩ có lẽ bản thân không phù hợp với nghề này.
Cùng lúc đó, dịch COVID-19 bùng phát, trường học phải đóng cửa kéo dài khiến cô cảm thấy nhớ học trò da diết.
“Tôi nhớ ánh mắt ngây thơ, những cái ôm từ các con, khát khao trở lại với nghề mãnh liệt hơn bao giờ hết nhưng thời điểm đó, để duy trì cuộc sống tôi phải tìm việc khác” - Lệ Hiễn tâm sự.
Dịch được kiểm soát, cô đã được đi dạy học ở một trường mới nhưng thấy tâm thế rất khác, được gần gũi các con, được đồng nghiệp quan tâm, chia sẻ khiến cô cảm thấy được khích lệ đam mê nhiều hơn.
Cũng giống như cô Lệ Hiễn, thầy giáo Nguyễn Phúc Hiếu đang dạy tại trường Mầm non An Phú (huyện Củ Chi) cũng từng bỏ nghề sau bốn năm dạy học. Dù yêu thích sư phạm nhưng vì cuộc sống gia đình khó khăn, thầy xin nghỉ việc để đi xuất khẩu lao động.
Tuy nhiên, sau tất cả, nhớ nụ cười của các con thầy vẫn quay lại. Hiện thầy Hiếu đã 53 tuổi và đang dạy một lớp năm tuổi với 22 bé.
“Nhiều năm rời ngành nhưng cứ nhìn thấy trẻ con quanh xóm được gia đình đưa đi học, nỗi nhớ trường, nhớ lớp, nhớ trẻ nhỏ khiến tôi quay quắt. Nhiều đêm không ngủ, tôi dằn vặt mình tại sao đã chọn nghề lại không theo đến cùng. Thế là, khi ngành giáo dục tuyển dụng lại, tôi liền dự thi và ứng tuyển, gắn bó cho đến bây giờ. Biết là giáo viên nam như tôi càng vất vả hơn nhưng tôi chấp nhận vì chỉ cần nhìn thấy nụ cười của các con, mọi mệt nhọc tan biến” - thầy Hiếu bày tỏ.
“Khó khăn đi qua, tôi tìm được những giá trị thật sự của nghề giáo mà không một ngành nghề nào khác có được. Tôi thấy hạnh phúc vì được là người ươm mầm xanh, gieo những hạt giống đầu tiên về cả tri thức lẫn nhân cách trong tâm hồn của một đứa trẻ” – cô Lệ Hiễn xúc động.