Đây là World Cup đầu tiên được tổ chức ở Trung Đông và sự kiện này cũng là tiêu biểu cho tham vọng lớn của khu vực này. Qatar và các nước láng giềng đã đầu tư hàng tỷ USD vào các đội bóng ở châu Âu. Vùng Vịnh cũng là nơi tổ chức 4 chặng đua F1 vào năm tới...
Việc Qatar giành quyền tổ chức World Cup 2022 từ đầu đã gây nhiều tranh cãi. Theo Bloomberg, đã có những lo ngại với Qatar các vấn đề như hạn chế quyền của phụ nữ, cộng đồng LGBT, cũng như cách nước này đối xử với người lao động nhập cư. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng cũng là bài toán quan trọng Doha cần giải quyết.
Thời điểm cạnh tranh để tổ chức World Cup năm 2010, Qatar chỉ có một sân vận động và rất ít khách sạn. Đến hết năm 2013, nước này cũng chỉ có 492 km đường giao thông và 22 cây cầu. Vì vậy, trong 12 năm qua, nước này đã chi khoảng 300 tỷ USD để chuẩn bị cho World Cup 2022.
Không giống như các kỳ World Cup trước khi các sân bóng thường rải rác ở nhiều thành phố. Tại Qatar, các trận đấu sẽ được tổ chức tại 8 sân vận động chỉ trong phạm vi gần 50 km tính từ Doha. Bắt đầu từ năm 2010, quốc gia này đã xây mới 7 sân vận động và nâng cấp 1 sân cho World Cup. Các sân vận động trên tiêu tốn khoảng 10 tỷ USD của quốc gia này.
Qatar cho rằng diện tích nhỏ là một điều đặc biệt, không phải điểm trừ. Các sân vận động gần nhau và các tuyến giao thông thuận tiện sẽ cho phép người hâm mộ tham dự nhiều trận đấu trong một ngày.
Hầu hết sân vận động sẽ được kết nối bằng phương tiện công cộng, bao gồm hệ thống tàu điện ngầm mới và đội xe buýt điện. Qatar đã xây dựng gần 1.000 km đường giao thông mới và tuyến metro ở Doha trị giá 36 tỷ USD. Đất nước này hiện tại cũng có 200 cây cầu, tăng gần 180 cây so với cuối năm 2013.
Ngoài ra, diện mạo của quốc gia này cũng thay đổi khi có thêm một cảng biển hiện đại, sân bay chính được nâng cấp cùng với Lusail - một thành phố mới ở phía Bắc Doha, trị giá 45 tỷ USD - dự án có tổng mức đầu tư lớn nhất của Qatar trước World Cup.
Năm 2010, nơi này vẫn là sa mạc thì đến nay đã trở thành một tổ hợp gồm đô thị trung tâm, đảo nhân tạo và có sân vận động Lusail - nơi tổ chức trận chung kết World Cup. Giới chức nước này cho biết các dự án đã được lên kế hoạch trước, nhưng World Cup đã giúp đẩy nhanh tiến độ.
Các quan chức Qatar hy vọng rằng cơ sở hạ tầng được phát triển như một phần trong quá trình chuẩn bị cho World Cup sẽ hỗ trợ thúc đẩy nền kinh tế phi năng lượng của đất nước. Hình ảnh bóng bẩy của quốc gia dầu mỏ này có thể thu hút du khách và các doanh nghiệp. Sự phát triển của hạ tầng cảng biển và đường giao thông cũng có thể thúc đẩy sản xuất.
Thủ đô Doha của Qatar dự kiến đón hơn một triệu người hâm mộ, tương đương một phần ba dân số nước này trong vòng một tháng. Theo FIFA, Arab Saudi, UAE là những nước có người dân mua vé xem World Cup nhiều nhất. Tuy nhiên, diện tích nhỏ cũng là thách thức với quốc gia này. Nhiều khách sạn vẫn chưa kịp khánh thành trước ngày khởi tranh. Qatar đã phải cung cấp thêm các chỗ ở phi truyền thống cho người hâm mộ như trên du thuyền, cắm trại trên sa mạc, căn hộ dịch vụ...
Đồng thời, Doha cũng phải nhờ đến sự chung tay từ các nước láng giềng. Mỗi ngày, có gần 100 chuyến bay khứ hồi giữa Qatar và các thành phố khác ở vùng Vịnh, giúp du khách đến xem World Cup nhưng có thể không cần phải ở Qatar. Chỉ cách Qatar chưa đầy một tiếng di chuyển, UAE được cho là sẽ hưởng lợi nhiều nhất trong khu vực này từ World Cup với các quy định về trang phục, đồ uống có cồn nhẹ nhàng hơn.
Tú Anh (theo Bloomberg)