Thị trường vừa trải qua một tuần giao dịch đầy biến động với biên độ rộng. Dù áp lực tâm lý tương đối mạnh khi lượng hàng khủng bắt đáy T+ về tải khoản nhưng lực cầu hoạt động tốt đã giúp thị trường có phiên giao dịch kết phiên cuối tuần khá ổn định. Ông/bà nhìn nhận như thế nào về xu hướng giao dịch trong tuần tới?
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS
TTCK tạo đáy ngắn hạn tạm thời tuần giao dịch vừa qua quanh mốc 900 - 910 điểm trước khi kết phiên cuối tuần đứng ở quanh mốc 970 điểm và có thể bước vào đoạn phục hồi - VN-Index có thể vận động hướng lên khu vực 980 - 1000 – 1.050 điểm trong tuần giao dịch tới.
Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc phân tích CTCK DSC
Một tuần thị trường “tàu lượn” theo chiều hướng tích cực khi áp lực T+2.5 được bên mua hấp thụ hoàn toàn. Chỉ số VN-Index đóng cửa với mẫu nến Pinbar “chân dài” đóng cửa tại 969,33 điểm (+1,55 WoW) bao trùm một nửa đà giảm điểm của tuần trước đó. Mẫu nến kèm điểm nhấn vượt trội về thanh khoản xác nhận cho tín hiệu đảo chiều trong ngắn hạn hình thành.
Vận động kéo ngược vào phiên cuối tuần xác nhận cho vị thế mua chủ động tiếp diễn, hấp thụ hoàn toàn áp lực chốt lời trong ngắn hạn tạo động lượng tăng điểm trong tuần tới. Ở góc nhìn bùng nổ theo đà, thị trường đã có 3 phiên nỗ lực phục hồi; chờ đợi ngày FTD xuất hiện để củng cố cho việc gia tăng vị thế giao dịch.
Ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc phân tích CTCK Smart Invest
Dưới góc nhìn kỹ thuật thì khả năng thị trường sẽ tiếp tục ổn định và hồi phục, tuy nhiên có thể không mạnh như tuần vừa rồi. Lượng hàng cổ phiếu T+ bắt đáy khủng được hấp thụ sẽ làm giảm áp lực tâm lý bán trong tuần tới này. Tuy nhiên sẽ có sự phân hóa giữa các dòng như dầu khí, hóa chất… vẫn rất yếu, không có dấu hiệu tích cực.
Ông Vũ Duy Khánh |
Thanh khoản bắt đáy được kích hoạt cùng độ rộng thị trường khá tích cực với nhiều nhóm cổ phiếu phục hồi.Nhiều cổ phiếu BĐS trong tình trạng bán giải chấp tuần trước đã được “giải cứu” trong tuần này như BCG (-3,6%), DIG (-5,5%)… cũng nhờ từ dòng tiền bắt đáy mạnh cũng như một số thông tin liên quan đến việc Chính phủ có khả năng nới room tín dụng. Còn lo lắng nhiều về tình hình giải chấp ở thời điểm hiện tại, theo các ông/bà?
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS
Có nhiều lý do để lo lắng nhưng nhà đầu tư vẫn nên ưu tiên việc giao dịch và quản lý danh mục thận trọng - Cho dù một số cổ phiếu như BCG, CEO, VCG, DIG có dấu hiệu được giải cứu tạm thời nhưng áp lực bán ra ở nhiều cổ phiếu bất động sản như NVL, PDR... vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Có lẽ vẫn có cổ phiếu riêng lẻ bị ảnh hưởng và chịu áp lực bán ra với số lượng lớn. Tình trạng này có thể vẫn tạm thời diễn ra trong 1, 2 tuần tới.
Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc phân tích CTCK DSC
Áp lực giải chấp cổ phiếu đến từ 3 yếu tố chính: thế chấp cổ phiếu, giải chấp chéo, và bán bắt buộc khi vi phạm tỷ lệ.
Đối với những cổ phiếu sử dụng để thế chấp, do tình hình thắt chặt tín dụng và thanh khoản hệ thống sụt giảm đang khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc thế chấp bổ sung và gây ra hiện tượng giải chấp hàng loạt, kéo theo đó là hàng loạt mã bất động sản “nằm sàn” liên tục. Hiện tượng này nhiều khả năng sẽ kéo dài trong tuần tới, đến khi mặt bằng giá những mã như PDR và NVL về mức siêu hấp dẫn. Điều này đồng nghĩa với hiện tượng giải chấp chéo có thể rả rích kéo dài.
Tuy nhiên, tôi đánh giá áp lực lên thị trường từ hai yếu tố giải chấp trên không còn cao do loạt cổ phiếu bất động sản đã dần thoát hiện tượng liên tục sàn. Sự hồi phục của thị trường chung cũng giúp cho áp lực giải chấp bắt buộc do vi phạm tỷ lệ cũng sẽ suy giảm đáng kể.
Ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc phân tích CTCK Smart Invest
Quan điểm của tôi là tình trạng giải chấp sẽ giảm đi đáng kể do phần lớn các công ty chứng khoán cũng chủ động cắt margin hoặc nâng tỷ lệ margin lên mức cực kỳ an toàn nên rất ai vay được. Thậm chí đến ban lãnh đạo của doanh nghiệp bất động sản cũng không được cấp margin vay mua cổ phiếu chính mình. Nhìn chung, cổ phiếu bất động sản có thể gọi là cân bằng (ngoại trừ NVL, PDR).
Những yếu tố tích cực liên quan đến quá trình giảm lãi suất của FED cũng là điều kiện tốt cho ngân hàng nhà nước giảm thiểu áp lực tăng lãi suất từ đó là tiền đề cho doanh nghiệp có thể “dễ thở” và tiếp cận vốn hiệu quả hơn trong thời gian sắp tới. Trong nước, Chính phủ đang xem xét các giải pháp hỗ trợ thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp như Chính phủ đã thành lập tổ công tác tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong triển khai các dự án bất động sản, xem xét sửa đổi Nghị định 65 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp nếu cần thiết... Những thông tin này tác động ra sao đến xu hướng thị trường chứng khoán trong ngắn hạn cũng như tác động cụ thể đến các nhóm cổ phiếu nào?
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS
TTCK đang tạm chững lại và bật nảy trở lại từ vùng hỗ trợ mạnh 880 - 900 điểm kết với những thông tin vĩ mô hỗ trợ, mặc dù điều mà nền kinh tế, TTCK cần trong ngắn hạn là những hành động cụ thể, những gói hỗ trợ tài chính đủ lớn, mạnh mẽ để giải quyết tình hình tắc nghẽn thanh khoản.
Ông Lê Đức Khánh |
Ít nhất hiện tại, nỗi lo lắng từ phía các nhà đầu tư tạm được "nguôi ngoai" - thanh khoản tham gia vào TTCK trong 3 phiên gần nhất đã có sự cải thiện - nhóm cổ phiếu VN30, nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, thép, đầu tư công có thể nhận sự quan tâm từ phía các nhà đầu tư trong giai đoạn tới.
Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc phân tích CTCK DSC
Trong cuộc họp diễn ra vào 2/11 gần đây, FED đã ra quyết định tăng lãi suất điều hành (Fed Funds Rate) thêm 75 điểm cơ bản, và nhấn mạnh một thông điệp rằng lãi suất điều hành của Mỹ sẽ được giữ ở mức cao hơn, trong thời gian dài hơn.
Cũng trong cuộc họp 2/11, FED có đưa ra nhận định sẽ "giảm tốc độ" tăng lãi suất trong thời gian tới. Với lạm phát tháng 11 thấp hơn dự đoán (7,7% so với cùng kỳ năm ngoái, thực tế so với 7,9% dự đoán) và nhận định này, nhà đầu tư Mỹ nhìn chung cho thấy sự tích cực, thể hiện qua (1) Đồng USD (DXY) giảm 5,3% từ đỉnh, TTCK bật tăng mạnh.
Dựa vào những vận động trên, có thể suy luận tăng trưởng lãi suất điều hành Mỹ sẽ giảm tốc trong thời gian tới, là dấu hiệu tốt, củng cố niềm tin của nhà đầu tư cũng như doanh nghiệp. Tuy nhiên, mức lãi suất đỉnh dự phóng 5% vẫn là mức thắt chặt mạnh, kèm với đó là giảm định lượng QT vẫn được FED thực hiện đều đặn, sẽ tiếp tục tạo áp lực lên tài sản rủi ro trong trung hạn (6 tháng - 1 năm).
Do hiện thị trường đã điều chỉnh khá sâu, DSC đánh giá nhà đầu tư có thể cẩn trọng thăm dò và chờ đợi những dấu hiệu tiếp theo từ FED.
Ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc phân tích CTCK Smart Invest
Theo quan điểm của tôi, đây mới chỉ dừng ở mức dự thảo, chính sách, xem xét chứ, khả năng có thể sẽ áp dụng vào năm sau. Việc tái cấu trúc lại hệ thống tài chính không chỉ của doanh nghiệp mà toàn nền kinh tế sẽ rất tốn thời gian và công sức chuyển đổi, không thể là chuyện một sớm một chiều mà có hiệu quả được.
Doanh nghiệp có thể tiếp tục duy trì khó khăn thanh khoản trong ngắn hạn, tuy nhiên về dài hạn sẽ phát triển rất bền vững, minh bạch. Nhóm ngành ảnh hưởng rõ nhất là bất động sản và ngân hàng, ngoài ra sẽ còn có các công ty chứng khoán.
Ở thời điểm hiện tại, định giá thị trường đã về mức đáy 3 năm, định giá P/E toàn thị trường hiện ở mức 10,2 lần lợi nhuận 4 quý gần nhất, tương đương với mức đáy giai đoạn COVID (10,1x). Tuy nhiên, liên tiếp các pha thủng đáy của thị trường đã khiến rất nhiều nhà đầu tư cá nhân chịu thiệt hại lớn bởi các quyết định bắt đáy “nhầm”. Vậy làm sao để nhà đầu tư tránh được việc thử và sai này?
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS
Nhà đầu tư cần phải xác định rõ ràng quan điểm tiếp cận trên TTCK hiện nay đó là ưu tiên việc mua và nắm giữ hoặc mua tích sản các cổ phiếu triển vọng với mức định giá thấp với tầm nhìn từ giai đoạn hiện tại cho đến năm 2023 tới.
Việc "bắt đáy" đôi khi không phù hợp với một số nhà đầu tư đặc biệt là thời điểm hiện tại bởi việc thị trường tạo đáy hay chưa hay cổ phiếu nào sẽ là cổ phiếu mạnh trong thời điểm tới là không chắc chắn. Nhà đầu tư vẫn nên tập trung vào việc quản lý danh mục cân bằng, chọn lọc các cổ phiếu chất lượng với sự kiên trì sẽ hiệu quả hơn.
Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc phân tích CTCK DSC
Sau những đợt điều chỉnh mạnh trong 2022, định giá thị trường chứng khoán Việt Nam hiện đã rơi vào mức thấp khi cả 2 chỉ số định giá P/E và P/B đều thấp hơn mức trung bình 10 năm.
Ông Trương Thái Đạt |
Tuy nhiên, cũng cần để ý rằng bức tranh vĩ mô Việt Nam đang dần suy yếu theo xu hướng suy thoái chung của thế giới.
Vì vậy nhà đầu tư cần cẩn thận, tránh rượt đuổi những cổ phiếu "định giá rẻ" mà không tìm hiểu kỹ để tránh rủi ro khó lường do định giá rẻ có thể rẻ hơn: Ở giai đoạn đáy của thị trường chứng khoán năm 2011, định giá P/E VNIndex rơi về 8,0 điểm, thấp hơn đáng kể so với mức PE 11,1 hiện tại.
Ngoài ra, kết quả kinh doanh giảm sút có thể biến rẻ thành đắt: Định giá của các doanh nghiệp rẻ do kết quả kinh doanh 2022 tốt nhờ nền kinh tế khởi sắc hậu COVID. Với thị trường vốn khó tiếp cận, nhu cầu suy yếu, nhiều khả năng lợi nhuận các doanh nghiệp sẽ tiếp tục suy giảm, từ đó làm tăng P/E, khiến định giá tưởng rẻ sẽ trở nên đắt.
Ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc phân tích CTCK Smart Invest
Mặc dù thị trường giảm về mức định giá lịch sử, nhiều cổ phiếu thậm chí còn thủng cả định giá lịch sử, kể cả large cap trong VN30. Lý giải cho việc này đơn giản là nhà đầu tư đang đánh giá năm 2023 sẽ còn rất khó khăn, tốc độ tăng trưởng sẽ giảm hoặc chậm lại.
Việc bắt đáy đã là rủi ro, xác suất 50 50 rồi nên bắt đáy xong mà giảm tiếp thì cũng phải chấp nhận. Nhà đầu tư nên chọn lọc cổ phiếu/ ngành nghề mà lợi nhuận/ dòng tiền ít bị ảnh hưởng bởi vĩ mô, suy thoái hơn thì kể cả bắt đáy nhầm cũng không làm sao cả.