Tối 20-11, Liên hoan Cải lương toàn quốc 2021 đã chính thức khép lại với buổi tổng kết và trao giải tại Đoàn nghệ thuật cải lương Long An (Tân An, Long An).
Nhà viết kịch Nguyễn Sỹ Chức, uỷ viên ban chấp hành Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: HUỲNH DU. |
Nhà viết kịch Nguyễn Sỹ Chức, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật cho biết: "Liên hoan Cải lương toàn quốc 2021 đã xuất hiện nhiều vở diễn có chất lượng nghệ thuật cao, chủ đề, tư tưởng rõ ràng, sâu sắc...
Có thể ví mỗi vở diễn là một đóa hoa với những sắc màu khác lạ, thật khó trộn lẫn đã tạo nên một dáng vẻ hết sức riêng biệt với một sức hút lạ kỳ của Liên hoan cải lương toàn quốc 2021".
Tuy nhiên bên cạnh thành công thì cuộc thi vẫn còn những điều đáng tiếc dù rất nhỏ nhưng được ví như "những hạt sạn" trong một bữa tiệc thịnh soạn.
Theo đó, nhà viết kịch Trần Sỹ Chức chỉ ra đội ngũ tác giả và đạo diễn sân khấu cải lương cần phải tiếp cận đời sống xã hội với một tâm thức mới, cách thể hiện bằng những tâm thức mới lạ hơn. Với các tác giả trẻ phải có ý tưởng để hình thành được tác phẩm khi muốn viết kịch…
Về các đạo diễn và công tác đạo diễn, xuất hiện những vở diễn bị phô về việc xác định vấn đề, cấu trúc kịch bản và tổ chức mâu thuẫn xung đột hay việc lạm dụng công nghệ cao…
Vấn đề lạm dụng đèn Led, trang phục cho nhân vật còn bị sai lịch sử, nhiều bộ còn quá lòe loẹt cũng như vấn đề lạm dụng pano, khói sân khấu của các hoạ sĩ thiết kế mỹ thuật. Các vở diễn còn tham lam, lạm dụng ánh sáng không đúng chỗ.
Đặc biệt với các diễn viên, cùng những điểm tích cực thì sự bất hợp lý về việc hoác thân của các nghệ sĩ, sự non nớt về nghề của các diễn viên trẻ, tính chuyên nghiệp còn thiếu, sự chênh phô khi hát của các diễn viên hay vấn đề nhắc tuồng trong quá trình dự thi...
"Vượt lên tất cả những trăn trở suy tư những buổi thi đầy thăng hoa và cả những sự hồi hộp mong chờ, tấm màn nhưng Liên hoan Cải lương toàn quốc 2021 tại TP. Tân An Long An đã khép lại với những thành công tốt đẹp" – nhà viết kịch Nguyễn Sỹ Chức nhấn mạnh.
Kết quả, sau 15 ngày tranh tài của 22 đơn vị nghệ thuật đến từ khắp các tỉnh thành trên cả nước, ban tổ chức đã trao 139 huy chương cho cá nhân nghệ sĩ và vở diễn.
Trao HCV cho các cá nhân nghệ sĩ. Ảnh: HUỲNH DU. |
Cụ thể, về giải cá nhân nghệ sĩ có 40 huy chương vàng (HCV) được trao. Trong đó có những gương mặt nghệ sĩ quen thuộc với khán giả yêu mến bộ môn cải lương như NSƯT Tú Sương, Lê Tứ, nghệ sĩ Hoàng Nhất, Võ Minh Lâm, Lê Thanh Thảo, Nguyễn Minh Trường…
Chia sẻ niềm vui với PLO, NSƯT Lê Tứ bày tỏ: "Đây là lần thứ hai Lê Tứ trở lại cùng tham gia với Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang với vở “Câu hò đất mẹ” của tác giả Nguyễn Thanh Bình và Phạm Văn Đằng.
Phải nói là duyên 4 năm Lê Tứ đã đảm nhận được hai vai của những người lãnh đạo lớn. Lần trước là vai bác Võ Văn Kiệt, 4 năm sau lại vào vai bác Lê Hồng Phong, đây là niềm vinh dự cho Lê Tứ đã hóa thân thành hai nhân vật lịch sử có công rất lớn với tổ quốc và may mắn hai lần đều đạt HCV.
Cảm xúc giờ này rất hạnh phúc dù liên hoan trở lại muộn vì dịch bệnh nhưng anh em nghệ sĩ vẫn máu lửa với nghề, đến với cuộc thi không phải vì chiếc huy chương mà mỗi một thành viên từ hậu đài cho tới một diễn viên nhỏ trên sân khấu cũng góp phần rất lớn cho bộ môn sân khấu hiện tại đặc biệt là liên hoan năm nay".
Võ Minh Lâm trong vở "Truyền thuyết chàng Sa Mộc" của Sân khấu Đại Việt đoạt HCV tại Liên hoan. Ảnh: VĂN HÀ |
Võ Minh Lâm cũng hạnh phúc chia sẻ: "Trong năm nay, Lâm khá là bội thu vì cả ba cuộc thi lớn Lâm đều đoạt HCV và chuẩn bị sắp tới Lâm bắt tay vào cuộc thứ 4 là “Liên hoan Quốc tế Sân khấu thử nghiệm” tại Hà Nội, sẽ diễn vào ngày 24 này với vở 'Truyền tích nàng Thơm'.
Tất cả không phải là hoa hồng như mọi người đã từng thấy, không phải cứ lên diễn sẽ đạt huy chương mà đó là quá trình rất dài và nổ lực tập luyện trong suốt một thời gian dài của Lâm.
Đến giờ phút này Lâm cảm thấy rất hạnh phúc và giấc mơ của mình đã thực hiện được, nó đã trở thành sự thật rồi".
Ban tổ chức trao huy chương vàng cho 5 vở diễn. Ảnh: HUỲNH DU |
5 HCV vở diễn đã được trao cho Truyền thuyết chàng Sa Mộc (Công ty TNHH tổ chức biểu diễn Song Việt), Nguyễn cầm ca - Kiều (Nhà hát Cải lương Việt Nam), Phận má đào (Nhà hát Cải lương Hà Nội), Điều còn lại (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa) và Sứ mệnh (Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai).
Hai vở Bên dòng Long Khốt (Đoàn nghệ thuật Cải lương Long An) và Đất liền và biển cả (Đoàn Cải lương Hải Phòng) đã giành được giải vở diễn xuất sắc.
BTC cũng trao các giải thưởng cho thành phần sáng tạo trong các vở diễn tham gia liên hoan, gồm: Tác giả xuất sắc nhất và Đạo diễn xuất sắc nhất đều thuộc về vở Đất liền và biển cả (Đoàn Cải lương Hải Phòng) với tác giả Nguyễn Đăng Chương và đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai.
Trao giải thưởng cho thành phần sáng tạo. Ảnh: HUỲNH DU |
Nhạc sĩ xuất sắc nhất dành cho nhạc sĩ Đặng Sơn Thủy với vở Hương Tràm (Đoàn Cải lương Hương Tràm - Cà Mau). Họa sĩ xuất sắc nhất và Biên đạo xuất sắc nhất dành cho họa sĩ Nguyễn Đạt Tăng và biên đạo Nông Lê Phương của vở Phận má đào (Nhà hát Cải lương Hà Nội).
Ngoài 5 HCV vở diễn, ban tổ chức trao 7 huy chương bạc cho các vở Hương tràm (Đoàn cải lương Hương Tràm), Vương đạo - Vua thánh triều Lê (Sân khấu Sen Việt), Ngọc sáng Yên Tử (tức Cung phi Điểm Bích (Đoàn nghệ thuật Quảng Ninh), Thái sư Trần Thủ Độ (Nhà hát Cao Văn Lầu), Trái tim và đôi mắt (Đoàn nghệ thuật cải lương Bến Tre), Ngược gió (Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang) và Làm vua - Chuyện ngoài chính sử (Nhà hát Cao Văn Lầu).
3 huy chương đồng được trao cho vở Dòng sông đỏ (Hội Văn nghệ dân gian tỉnh Bạc Liêu), Sống mãi với non sông (Nhà hát Tây Đô) và Thiên mệnh (Nhà hát Cải lương Hà Nội).
Về cá nhân, ngoài 40 huy chương vàng cá nhân, còn có 53 huy chương bạc và 31 huy chương đồng được trao cho các diễn viên.