Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt không chỉ là nhà lãnh đạo gần dân, thấu hiểu sâu sắc nhân dân, đất nước mình, ông còn là nhà cách mạng với những tư duy đổi mới mang tầm vóc lịch sử.
Ông Võ Văn Kiệt ghi dấu ấn sâu đậm của mình lên một giai đoạn đặc biệt sôi động của đất nước - Thời kỳ Đổi mới. Chính ông, cùng những nhà lãnh đạo với tầm nhìn, tư duy vượt thời gian đã giúp cho đất nước đổi mới, hội nhập với thế giới nhanh hơn. Một trong những ấn tượng về ông được nhắc nhớ nhiều đó là cách ông đã ứng xử, lắng nghe, trân trọng trí thức.
Thủ tướng Võ Văn Kiệt thăm cán bộ, công nhân Công ty Xây lắp điện 3 đang thi công tuyến đường dây 500kV Hà Tĩnh - Đắc Glei, tháng 5-1993. Ảnh: BÁO NHÂN DÂN |
Sau năm 1975, ông đã thuyết phục được nhiều trí thức của chế độ cũ ở lại cộng tác để đóng góp xây dựng đất nước. Khi nghe các trí thức đóng góp, có ý kiến đáp trả khá gay gắt, thậm chí đề nghị xử lý người phát biểu, ông đã trầm ngâm và công nhận rằng các ý kiến đó đau nhưng không phải không có lý.
Trên cương vị lãnh đạo TP.HCM, ông đã tập hợp các chuyên gia để giúp ông nghiên cứu những vấn đề mà ông trăn trở, suy tư. Ông quy tụ rất nhiều trí thức tên tuổi, trong số đó có cả trí thức của chế độ trước. ông đã tập hợp các trí thức xung quanh mình thành một nhóm chuyên gia như các ông Phan Chánh Dưỡng, Lâm Võ Hoàng, Huỳnh Bửu Sơn… và nhiều người cùng tâm huyết với đất nước, dân tộc. Những ý kiến đóng góp quý báu của các trí thức đều được ông trân trọng lắng nghe và có những chỉ đạo kịp thời.
Ông Phan Chánh Dưỡng, chuyên gia kinh tế cao cấp, từng chia sẻ: Ông Võ Văn Kiệt không câu nệ người ta là ai, ở đâu, miễn là kiến thức mà người ta nói ra phù hợp với việc xây dựng đất nước là ông ấy chịu khó nghe. Ông Võ Văn Kiệt dù ở vị trí rất cao (Thủ tướng) song ông sẵn sàng có mặt ở bất cứ chỗ nào, miễn là nơi đó ông nhận được thông tin có lợi cho đất nước.
Theo chuyên gia Huỳnh Bửu Sơn, nhiều khi ông Võ Văn Kiệt đã “trân mình” ra để lắng nghe các trí thức vì họ nói “đúng quá”. Ông Trần Đức Nguyên, chuyên gia ban nghiên cứu của Thủ tướng khi đó, chia sẻ rằng ông Võ Văn Kiệt luôn khuyến khích mọi người nói thẳng tất cả suy nghĩ của mình và dù có nói ngược với ý kiến của Thủ tướng cũng không sao, miễn là nói đúng và trúng…
Với ông Võ Văn Kiệt, “trí thức là tài nguyên lớn nhất của mọi quốc gia, nếu quy tụ được sức người thì mọi nguồn tài nguyên khác cũng có thể quy tụ…”.
Sinh thời, ông từng nói trí thức tận tụy hay không là tùy vào chúng ta có tin dùng trí thức hay không, có giao cho họ đảm nhiệm những trọng trách mà họ xứng đáng được đảm nhiệm hay không. Điều đó không chỉ phụ thuộc vào bản thân của trí thức, mà nằm ở việc nhà lãnh đạo có đủ khả năng thu phục nhân tâm và nhân tài hay không. Bởi thu hút được nhân tài cũng là một tài năng.
Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nhớ về ông, chúng ta hãy học và làm theo những gì lúc sinh thời ông đã gieo mầm, đã làm. Trên các diễn đàn để lắng nghe trí thức phản biện, góp ý, chúng ta hãy trân trọng, thực sự lắng nghe các góp ý có giá trị, trên tinh thần cởi mở, vì cái chung, vì lợi ích của quốc gia, dân tộc. Đó là cách chúng ta nhớ về ông ý nghĩa nhất.