Đây là góc nhìn của ông Trần Việt Hưng - Nhà sáng lập, Giám đốc học vụ, Trung tâm 7Astar Tutoring chia sẻ về chủ đề phái sinh trong Chương trình Bí mật đồng tiền số 47.
Theo kinh nghiệm của ông Hưng, trong ngày đáo hạn thường thị trường phái sinh biến động rất mạnh và không nhất thiết là nó phải đi theo một chiều, mà nó có thể giật lên giật xuống ở cả hai chiều. Bởi vậy, nhà đầu tư cần phải chuẩn bị tinh thần trước cho sự rung lắc đó, chẳng hạn muốn “long”, thì sẽ chờ “rung lắc” ở vị trí đẹp để “long”.
Trên thị trường phái sinh, còn có hoạt động hedging, khi các nhà đầu tư có cổ phiếu thì họ sẽ phải short phái sinh, đến ngày đáo hạn sẽ có một hoạt động là chuyển dịch hợp đồng, từ hợp đồng đáo hạn vào ngày mai sang hợp đồng của tháng tiếp theo.
Ông Việt Hưng lấy ví dụ mã hợp đồng 2211 sang mã hợp đồng 2212. Hoạt động hedging sẽ tạo ra xu hướng đẩy mã 2211 đi lên và mã 2212 đi xuống, bởi trong trạng thái này thì các nhà đầu tư đều đang hedging, sau đó sẽ làm giãn ra khoảng cách giữa 2 mã này, nên nếu muốn “long” thì có thể tập trung vào “long” 2211 đến khi đáo hạn của mã đấy, phiên ATC sẽ dồn lực về “long” và “short” để chuyển dịch, diễn biến này sẽ kéo hợp đồng 2212 đi xuống dưới còn 2211 thì sẽ đáo hạn bằng VN30 future. Lúc đó nhà đầu tư có thể chuyển dịch tiếp và chuyển xuống để long tiếp hợp đồng 2212. Như vậy, nhà đầu tư có thể hoàn toàn mua được rẻ hơn so với thị trường cơ sở, ví dụ như tháng trước rơi vào tầm 25 điểm - tương ứng 2%.
"Xu hướng đáng chú ý gần đây, xuất hiện rất nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ do quá khó khăn trong việc kiếm lời ở thị trường cơ sở đã chuyển dịch sang thị trường phái sinh, vì thế làm thay đổi cấu trúc của thị trường phái sinh khiến thị trường này rung lắc nhiều hơn", ông Việt Hưng nhận định.
Ví dụ, khi mới bắt đầu học đánh phái sinh, F0 sẽ học “long” là như thế nào, vì thấy là đòn bẩy cao có lẽ sẽ hiệu quả hơn. Khi F1 hiểu câu chuyện hơn thì bắt đầu học đến “short”. Nhưng đối với nhà đầu tư F(n) từng trải, lại học bài về “short squeeze”. Cũng giống như “short”, nhưng ở chiều ngược lại, nó thể hiện rất nhanh và vũ bão. Như phiên đáo hạn tuần trước, mọi người có thể thấy câu chuyện “short squeeze” trong thị trường bây giờ có thể mạnh mẽ như thế nào.
Nhà đầu tư cũng đặt câu hỏi về lời khuyên không nên sử dụng đòn bẩy trong giai đoạn này, nhưng với phái sinh lại có đòn bẩy cao. Ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế Trưởng CTCK SSI cho rằng, nếu dùng margin nhiều thì chúng ta sẽ biến từ nhà đầu tư thành đầu cơ, đầu cơ không phải việc xấu nhưng quan trọng là liệu có đủ kỹ năng để đầu cơ.
Còn nếu không có kỹ năng đó, chúng ta chỉ là những nhà đầu tư bình thường thì tốt nhất là không dùng margin, còn nếu chúng ta nắm rõ rủi ro và tình hình thị trường có vẻ như chưa phản ứng hết thông tin của chúng ta thì hoàn toàn có thể đầu cơ. Tuy nhiên, thì chúng ta cũng nên dùng một tỷ lệ tài sản ít để có thể “control” tốt hơn, ông Phạm Lưu Hưng đưa lời khuyên.
Diễn biến đáng chú ý trong tuần qua là khối ngoại tiếp tục mua ròng cả tuần qua với giá trị mua ròng đạt khoảng 5.260 tỷ đồng trên cả 3 sàn – đây là lực mua tích cực, cân phần nào cho lực bán ròng mạnh mẽ của khối nhà đầu tư cá nhân khoảng 7.330 tỷ đồng, tự doanh bán ròng 220 tỷ đồng.
Như đã chia sẻ trước đó, “một cánh én nhỏ không làm nên mùa xuân”, tới nay, ông Phạm Lưu Hưng cho rằng, đã thấy có khá nhiều cánh én đã xuất hiện, từ việc khối ngoại tích cực “gom hàng”, đến các quỹ như Fubont hay các quỹ ngoại khác cũng mua vào mạnh tay.
Xét về góc độ kỹ thuật, đối với nhiều quỹ nước ngoài, ngay cả khi bán rồi, tỷ lệ tiền mặt trong danh mục của họ cũng không được quá cao hoặc giữ trong thời gian quá lâu, nên họ buộc phải giải ngân để giảm tỷ lệ tiền mặt đó xuống. Nhưng cũng có thể, nhà đầu tư nghĩ rằng định giá Việt Nam đang quá rẻ đối với họ, nên khối này sẽ tích cực tích luỹ cổ phiếu.
Tuy nhiên, tỷ lệ tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài so với trong nước còn khá thấp, cho nên cũng khó có thể nói khối ngoại có thể khiến thị trường hồi phục lại về mốc cũ, ông Phạm Lưu Hưng nhìn nhận.
Trên thực tế, những giai đoạn thị trường giảm mạnh mà chứng kiến được nước ngoài mua ròng rất mạnh tay đã từng xảy ra, có thể kể đến năm 2009, cú rơi về 200-300 điểm, ở thời điểm đó khối ngoại với lợi thế là lượng tiền lớn và thị trường được nhận định định giá tương đối rẻ, họ đã tham gia mua dần và có lúc chiếm đến 40% giao dịch của một cổ phiếu.
"Vậy nên khi họ mua nhiều, chưa chắc đó là đáy, nhưng họ đã thấy nó tương đối rẻ và tâm thế của họ là mua trong dài hạn từ 3-5 năm. Nếu thị trường như hiện tại vẫn tiếp diễn, thì việc “gom hàng” sẽ vẫn tiếp diễn trong thời gian dài, vậy thì khi thị trường đi lên, các nhà đầu tư nước ngoài đã có một vị thế tốt trong chu kỳ đầu tư dài hạn”, ông Lưu Hưng nói.