vĐồng tin tức tài chính 365

Ngang nhiên vi phạm bản quyền bóng đá

2022-11-21 09:24
Ngang nhiên vi phạm bản quyền bóng đá - Ảnh 1.

Trang web socoli... phát trận khai mạc giữa Qatar - Ecuador tối 20-11 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Đêm 20-11, World Cup 2022 vừa khai mạc, nhiều trang mạng không hề có bản quyền vẫn ngang nhiên truyền hình trực tiếp trận khai mạc, thu hút đông đảo người xem hòng kiếm lợi từ quảng cáo.

Dễ như xem "chùa"

Chỉ cần vào công cụ tìm kiếm gõ từ khóa "trực tiếp bóng đá", hàng chục triệu kết quả với hàng nghìn địa chỉ website sẽ hiện ra. Trong đó, những địa chỉ như: socoliv..., xoila..., 90phu... được cộng đồng mạng xem là những "điểm đến" nổi tiếng. 

Chẳng hạn tại website xoila..., người dùng có thể xem trực tiếp các trận bóng đá không chỉ toàn bộ các giải đấu lớn như Ngoại hạng Anh, Champions League, La Liga, Serie A, World Cup, Euro, Copa America... mà còn cả các giải bóng đá trong nước và khu vực. Không chỉ bóng đá nam, có cả link xem bóng đá nữ hay các môn thể thao khác như quần vợt, bóng bàn...

Ngoài xoila..., hệ thống này còn có nhiều địa chỉ tên miền khác phòng khi bị chặn. Hệ thống này còn tự tin cho biết đứng sau mình là "những chuyên gia bóng đá hàng đầu tại Việt Nam cũng như các kỹ thuật viên công nghệ thông tin chuyên nghiệp".

Socoliv... cũng là một trang web mới phát triển tại Việt Nam từ cuối năm 2021 nhưng hiện đang thu hút rất nhiều người đam mê bóng đá. 

Trang web này giới thiệu "đã thương lượng và thành công mua hai trang bình luận bóng đá lớn nhất nhì tại Việt Nam, đó là 90phu...net, xoila...com" vào tháng 1-2022. Socoliv... còn tổ chức độc quyền các giải đấu bóng đá phủi ở khu vực miền Trung và miền Nam, tài trợ luôn các phần thưởng cho các đội bóng tham gia (!?). 

Bên cạnh địa chỉ web, Socoliv... còn có cả ứng dụng trên điện thoại di động cho người dùng dễ dàng xem "chùa".

Tương tự, website chiếu phim lậu cũng tràn ngập. Những địa chỉ đang thu hút nhiều người dùng truy cập như: phimmoichil..., motphi..., fulphi... Các trang này đều cho phép người dùng tha hồ tìm kiếm và xem từ những tập phim lẻ, phim bộ đến những phim bom tấn đang chiếu rạp.

Doanh nghiệp có bản quyền mất tiền tỉ

Thực trạng trên khiến các doanh nghiệp trong lĩnh vực "khóc đứng, khóc ngồi" khi có doanh nghiệp đã bỏ ra hàng triệu USD để mua bản quyền phát sóng các trận bóng đá hay phim ảnh tại Việt Nam.

Bà Tô Nam Phương, phó tổng giám đốc dịch vụ truyền hình FPT Play, nhấn mạnh các trang web, ứng dụng phát sóng lậu ngày càng tinh vi, ảnh hưởng trực tiếp đến những đơn vị vẫn luôn đầu tư các nội dung bản quyền. 

"Việc các website, ứng dụng phát sóng lậu các nội dung do FPT Play sở hữu bản quyền đã khiến doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều thiệt hại khi công ty đã phải đầu tư rất lớn ban đầu", bà Phương nói.

Ông Huỳnh Long Thủy, tổng giám đốc Công ty cổ phần VieON, bức xúc: "Không chỉ các cá nhân, doanh nghiệp nhỏ lẻ mà chúng tôi còn ghi nhận các công ty, tập đoàn lớn, kể cả một "kỳ lân công nghệ" của Việt Nam vi phạm bản quyền hàng loạt nội dung, gây thiệt hại hàng chục tỉ đồng cho DatVietVAC - đơn vị sở hữu bản quyền".

Theo ông Thủy, vi phạm bản quyền tràn lan ở Việt Nam đang từng ngày từng giờ bào mòn nguồn lực của các nhà sản xuất nội dung trong nước - những người bỏ ra rất nhiều tiền để mua bản quyền nội dung quốc tế cũng như sản xuất phim và chương trình giải trí độc quyền.

Ngang nhiên vi phạm bản quyền bóng đá - Ảnh 2.

Người dùng dễ dàng xem trực tiếp World Cup 2022 qua website socoliv... tối 20-11 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Cẩn trọng nhiều hệ lụy

Theo khảo sát vi phạm bản quyền của Liên minh chống vi phạm bản quyền (CAP) châu Á, tỉ lệ sử dụng các nền tảng vi phạm bản quyền ở Việt Nam chiếm tới 61%.

Với người dùng, để được hưởng lợi trước mắt là xem "chùa", họ sẽ phải đối mặt với các quảng cáo dày đặc, đa số là quảng cáo cờ bạc, thậm chí cả sex. Đây cũng chính là đầu mối dụ dỗ, dẫn dắt nhiều người dùng tham gia các đường dây cá độ bóng đá, cờ bạc qua mạng, thậm chí tham gia các đường dây lừa đảo. 

Nhiều người tò mò làm theo quảng cáo đã trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo, smartphone bị nhiễm phải mã độc đánh cắp các thông tin tài khoản ngân hàng, thông tin hình ảnh cá nhân, video riêng tư... Sau đó bị lén theo dõi hoặc bị tung các thông tin đời tư lên mạng với mục đích bôi xấu, xúc phạm danh dự...

Trong tương lai gần, theo bà Phương, các doanh nghiệp như FPT Play sẽ phải đối mặt với việc vi phạm nghĩa vụ bảo vệ bản quyền và khó khăn hơn trong việc đàm phán với các đối tác trong các năm tiếp theo. 

Từ đó, chính khán giả sẽ là người bị ảnh hưởng trực tiếp vì mất cơ hội được xem các nội dung thể thao, phim ảnh một cách chính thống và chất lượng tốt nhất.

Thói quen xem "chùa" cũng sẽ dần khiến người dùng xem nhẹ các vấn đề bản quyền, có thể trở thành "phát súng ngược" tác động lại chính họ khi tham gia vào nền kinh tế số ngày càng phổ biến.

Cần sự chung tay của nhiều bên

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, bà Tô Nam Phương mong muốn cơ quan chức năng sẽ tiếp tục có các quy định chặt chẽ hơn để bảo vệ doanh nghiệp đầu tư mua bản quyền nghiêm túc phục vụ khán giả.

Đồng thời có thêm chế tài cho các đơn vị chi ngân sách quảng cáo trên các trang web, ứng dụng phát sóng lậu.

"FPT Play cũng mong rằng sẽ có phương án phối hợp giữa các nhà mạng một cách nhanh nhất và tối ưu vì đối với bản quyền thể thao, thời gian là tối quan trọng. Cần có phương án rút ngắn thời gian phối hợp chặn các trang web, ứng dụng phát sóng lậu", bà Phương nói.

Ông Huỳnh Long Thủy, tổng giám đốc Công ty cổ phần VieON, cho rằng đáng ra các doanh nghiệp phải nhận được sự ủng hộ, trân trọng của khán giả thông qua việc tôn trọng bản quyền nội dung thì ngược lại, một bộ phận người dùng lại đang cổ xúy cho việc xem "chùa", trực tiếp giết chết các doanh nghiệp sản xuất.

Hành vi này đang trực tiếp xâm phạm vào tài sản lớn nhất của nền kinh tế văn hóa sáng tạo.

15,5 triệu người dùng trái phép

Theo nghiên cứu của Tổ chức Media Partners Asia, tình trạng vi phạm bản quyền video trực tuyến tại Việt Nam ngày càng phổ biến, số lượng người dùng trái phép tăng lên 15,5 triệu năm 2022 và làm thất thoát 348 triệu USD.

Nếu Việt Nam không kiểm soát được tình hình, đến năm 2027 số người dùng vi phạm bản quyền có thể tăng tới 19,5 triệu, dẫn tới lượng doanh thu bị thất thoát ở mức 456 triệu USD.

Còn nếu kiểm soát được tình trạng vi phạm bản quyền sẽ tạo thêm 4.870 việc làm mới cho thị trường lao động và sản lượng lao động tăng lên 351 triệu USD vào năm 2027.

"Sẽ tìm ra và buộc các người đóng cửa"

Chỉ hai ngày trước thềm World Cup Qatar 2022, Liên minh Sáng tạo và Giải trí (ACE) thông báo họ đã ngăn chặn thành công "một hoạt động vi phạm bản quyền thể thao lớn" tại Morocco.

ACE cho biết trước khi bị đóng cửa, các trang lậu trên đã phát miễn phí các trận bóng đá trực tiếp với nội dung chủ yếu được lấy từ Đài truyền hình thể thao BeIN Sports có trụ sở tại Qatar.

Theo trang Morocco World News, ACE đã đóng cửa các trang web phát trực tuyến như livekoora.online và yalla-shoot-new.tv vào ngày 11-11 do vi phạm bản quyền. Tuyên bố cho biết các trang web đã thu hút được hơn 20 triệu lượt truy cập vào tháng 10-2022.

Người đứng đầu ACE Jan van Voorn cho biết sự thành công của ACE ở Morocco đã gửi một "thông điệp rõ ràng" tới những kẻ điều hành vi phạm bản quyền trên khắp thế giới, cảnh báo họ không được ăn cắp nội dung thể thao, bao gồm cả các trận đấu của World Cup. "Chúng tôi sẽ tìm ra và buộc các người đóng cửa", ông nhấn mạnh lời cảnh báo.

Ngày 20-11, Công ty viễn thông SaskTel (Canada) cũng thông báo họ sẽ chặn các địa chỉ IP được sử dụng để phân phối hoặc phát trực tiếp các trận đấu World Cup 2022 không được cấp phép.

Cũng trong ngày 20-11, Tòa án tối cao Madras tại thành phố Chennai, Ấn Độ, đã ra lệnh cho các nhà cung cấp dịch vụ Internet chặn các trang lậu phát trực tuyến các trận bóng đá World Cup.

VŨ NGUYÊN

"Ăn theo" World Cup 2022 sôi động kênh online

WCup2 3(Read-Only)

“Ăn theo” World Cup 2022, cửa hàng chuyên quần áo thể thao ở TP.HCM treo băng rôn để hút khách - Ảnh: THẢO THƯƠNG

Tại các cửa hàng bán lẻ, ngày 20-11, ghi nhận thực tế tình hình kinh doanh buôn bán và các dịch vụ khác "ăn theo" sức nóng của World Cup 2022 tại TP.HCM vẫn... bình bình, đa số trả lời "có bán nhưng... chờ thêm vài hôm".

Thương mại điện tử sôi động

Theo ghi nhận, trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Tiki, Lazada... đã nhộn nhịp không khí World Cup với đa dạng sản phẩm, mẫu mã, giá thành.

Một số mặt hàng phổ biến gồm có lịch thi đấu, áo đội tuyển bóng đá, cờ cầm tay, đồ trang trí như cúp giả, cờ, móc khóa, búp bê hình linh vật World Cup... được rao bán sôi động, người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn.

Cụ thể, các loại áo quần, đồ thời trang có giá dao động từ 80.000 - 400.000 đồng tùy chất liệu, cờ cầm tay có giá từ 75.000 - 350.000 đồng, các loại đồ trang trí như móc khóa, cúp giả, đồng xu kỷ niệm, búp bê linh vật... có giá từ 30.000 - 300.000 đồng/sản phẩm.

Nhiều thương hiệu thể thao lớn như Adidas, Nike cũng tung ra các dòng áo, áo khoác phiên bản đặc biệt dành riêng mùa World Cup có in biểu tượng của FIFA World Cup 2022 trên ngực áo, giá từ 650.000 đồng - 2 triệu đồng/chiếc.

Khác với kênh online sôi động, kênh offline lại khá trầm lắng.

Dạo quanh chợ Bến Thành (quận 1) ở phía cửa Bắc, với các cửa hàng bán móc khóa, mũ, áo quần thể thao..., tất cả đều không có một sản phẩm nào liên quan đến World Cup 2022. "Có đi hết chợ cũng vậy thôi, không ở đâu có bán. Chợ Bến Thành mà không có bán thì các chợ khác ở TP làm gì có hàng", một thương nhân nói.

Một bảng hiệu to và bắt mắt của cửa hàng chuyên quần áo thể thao trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (phường Bến Thành, quận 1) với dòng "Đồng hành cùng World Cup 100%", khi bước vào thì 100% các sản phẩm đồ thể thao của Adidas, Nike và một số hãng khác giảm giá từ 10 - 50%.

Thắc mắc "đồng hành" cùng giải bóng đá lớn nhất thế giới, sao không có đồ của "mùa" World Cup 2022, nhân viên bán hàng cho hay: "Ở đây chỉ bán thế này thôi, không bán đồ theo "trend" World Cup 2022. Cửa hàng chỉ hô hào theo tinh thần để... xả kho".

Đến đường Huyền Trân Công Chúa (quận 1), con đường có hơn chục cửa hàng bán đồ dụng cụ thể dục thể thao.

Những giải thể thao trong nước thì đa số các cửa hàng đều bán hàng theo tâm lý cổ vũ người mua, riêng giải thế giới năm nay, chủ cửa hàng Thanh Thủy cho biết hiện tại tiệm chưa nhập đồ dành riêng cho mùa World Cup.

"Tuy nhiên nếu muốn mua thì áo phông riêng là 90.000 đồng, in theo dòng chữ "World Cup 2022" và hình là 120.000 đồng/chiếc; còn lá cờ thì 60.000 đồng/chiếc. Chỉ bốn ngày là có đồ để "quẩy", muốn bao nhiêu cũng có", chủ cửa hàng nói.

Tại nhiều nhà hàng, quán ăn... không khí World Cup rõ hơn. Nhiều nơi đầu tư màn hình chiếu, tivi màn hình lớn để đón khách và chủ yếu dừng ở việc này.

Nhân viên của một quán bia nổi tiếng hút khách xem bóng đá ở đường Pasteur (quận 1) cho hay quán đã thay máy chiếu để khách xem rõ đẹp hơn. Tuy vậy, chưa có các dịch vụ khác hay tung khuyến mãi giảm giá dịp World Cup.

Dịch vụ thuê tivi, máy chiếu đắt khách

Điều đặc biệt ở TP.HCM, riêng dịch vụ thuê tivi, máy chiếu xem bóng đá... nhiều doanh nghiệp cho hay đang rất hút khách. Mẫu mã đa dạng, thị trường này sôi động nhất vì nhiều khách đã bắt đầu lắp đặt, và khách thuê tăng theo ngày.

Một công ty trên đường Giải Phóng, quận Tân Bình, cho thuê màn hình LED xem bóng đá khắp TP và các tỉnh lân cận, kèm chi phí vận chuyển, cho hay giá cho thuê màn hình LED P4, P3 dao động 550.000 - 650.000 đồng/m2/ngày.

Hay một công ty ở đường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú rao trên mạng có sáu gói dịch vụ trong bảng báo giá cho thuê máy chiếu xem bóng đá; với màn chiếu kích thước lớn 100 - 300 inch. Thấp nhất là gói tiết kiệm, khách tự lấy về lắp đặt, máy thường, giá 500.000 đồng/ngày; gói cao nhất là máy HD, màn hình 200 inch giá 4,5 triệu đồng/ngày.

Còn giá thuê màn hình chiếu bóng đá thì tùy vào màn chiếu, màn chân, màn khung có giá khác nhau, từ 100.000 - 850.000 đồng/ngày.

Năm nay thị trường hàng hóa, dịch vụ ăn theo World Cup sôi động chủ yếu trên mạng, đặc biệt là thương mại điện tử.

THẢO THƯƠNG - NHẬT XUÂN

Kháo nhau cá độ đá bóng lấy lại những gì đã thua!

Sau khi những kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản rơi vào tình cảnh thua lỗ, nhiều người được rủ dồn tiền cược vào mùa World Cup, hy vọng lấy lại những gì đã thua.

Anh T.T.Bình (quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết nhóm bạn rủ rê cược 100 - 500 triệu đồng vào mùa World Cup.

Nếu may mắn sẽ nhận 4 - 5 lần số tiền vốn bỏ ra, bù đắp lại khoản tiền đầu tư vào chứng khoán đã lỗ nặng. "Chơi nhỏ nhỏ thì tại quán nước, còn không lên trang cá cược ở trên mạng. Điều kiện duy nhất mà cần đáp ứng, đó là tiền", anh Bình tiết lộ.

Theo ghi nhận, hiện làn sóng mời gọi đang diễn ra rất phổ biến, trên nhiều phương tiện khác nhau.

Tuy nhiên, bài học nhãn tiền khi mùa bóng đã đi qua là không ít người nợ nần tiền tỉ do càng chơi càng say, càng muốn gỡ, càng mất nhiều. Kẻ xấu mời vay nóng từ tín dụng đen để gỡ, nếu bập vào rất dễ lâm vào cảnh nợ nần, bán nhà cửa, thậm chí trắng tay.

CÔNG TRUNG

Bộ Công an cảnh báo tội phạm cá độ bóng đá trước thềm World CupBộ Công an cảnh báo tội phạm cá độ bóng đá trước thềm World Cup

Lực lượng công an liên tiếp phát hiện, triệt phá thành công nhiều đường dây đánh bạc, cá độ bóng đá qua mạng với số tiền lên tới hàng nghìn tỉ đồng, cho thấy loại tội phạm này đang có xu hướng diễn biến phức tạp, nhất là trước thềm World Cup 2022.

Xem thêm: mth.93503857012112202-ad-gnob-neyuq-nab-mahp-iv-neihn-gnagn/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Ngang nhiên vi phạm bản quyền bóng đá”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools