Chấn thương vùng cổ chân thường gặp khi chơi thể thao - Ảnh: BVCC
Biểu hiện "mơ hồ"
Theo bác sĩ Trần Hoàng Tùng - phó trưởng khoa phẫu thuật chấn thương chi dưới, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, gân Achilles là gân gót chân, loại gân dài và dày nhất của người, nằm ở cuối cơ bắp chân và gót chân.
Gân Achilles cũng là gân lớn và khỏe nhất trong cơ thể, chịu được sức nặng từ 2-3 lần trọng lượng cơ thể khi đi và hơn 10 lần khi chạy nhảy. Gân Achilles không thể thiếu được trong tất cả các hoạt động vận động đi lại của cơ thể.
Đứt gân Achilles chiếm tỉ lệ cao nhất trong tổng số các loại đứt gân nói chung của cơ thể, từ 5-10 ca/100.000 dân, nam giới gặp nhiều hơn và hay gặp trong chấn thương thể thao, tai nạn sinh hoạt hoặc tai nạn lao động.
Theo nghiên cứu lâm sàng trên 26 bệnh nhân được chẩn đoán xác định đứt hoàn toàn gân Achilles được điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức trong vòng 5 năm, nguyên nhân do chấn thương thể thao chiếm tỉ lệ cao nhất (50%), tiếp đến là tai nạn sinh hoạt (46,2%). Hai nhóm nguyên nhân này chiếm tới 96,2% các trường hợp.
Theo bác sĩ Tùng, biểu hiện ở vùng gân đứt từng phần này thường mơ hồ, nếu có đau thường đau ít và nhanh chóng hết đau khi nghỉ chơi thể thao một vài ngày.
Điều này khiến người bệnh chủ quan và gân Achilles ngày càng đứt nhiều, thoái hóa, mất đoạn... Người bệnh chỉ đến khám ở giai đoạn muộn, khi đứt gân kèm biến chứng đã gây ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt hằng ngày.
Theo nghiên cứu, có 53,8% các trường hợp được phẫu thuật trong khoảng thời gian từ 5 đến 8 tuần sau chấn thương. Bệnh nhân được phẫu thuật muộn nhất khoảng hơn 1 năm sau chấn thương.
Đứt gân Achilles không được phát hiện và điều trị sớm sẽ ảnh hưởng đến chức năng di chuyển của người bệnh, gây tổn thương thứ phát đến các dây chằng và khớp vùng cổ chân, giảm khả năng lao động, hoạt động thể thao và giảm chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
Điều trị đứt gân Achilles bằng phương pháp mới hiệu quả
Theo bác sĩ Tùng, hiện nay, có nhiều phương pháp điều trị đứt gân Achilles như khâu nối trực tiếp nếu bệnh nhân đến sớm, hai đầu gân giập nát không nhiều.
Tuy nhiên ở những bệnh nhân đứt gân Achilles đến muộn, hai đầu gân đứt bị co rút, thoái hóa, vón cục, mất các chức năng sẽ buộc phải cắt bỏ những phần này đến tổ chức gân lành nhằm đảm bảo sự liền tốt giữa các đầu gân nối.
Nếu mất đoạn gân dưới 5cm thường sử dụng kỹ thuật V - Y kèm chuyển gân (gấp dài ngón cái, mác bên...) tăng cường chỗ nối gân Achilles. Nếu mất đoạn gân trên 5cm, khó khăn khi thực hiện các kỹ thuật trên, phải chuyển gân hoặc ghép gân đồng loại hay tự thân.
Với kỹ thuật chuyển gân từ vùng này sang vùng khác thay thế cho đoạn thiếu gân Achilles như chuyển gân gấp dài ngón 1, gân mác bên hay ghép gân tự thân... thì những gân này thường nhỏ, không đảm bảo chức năng gân Achilles sau ghép, chuyển.
"Kỹ thuật ghép gân Achilles đồng loại như một phương pháp điều trị cuối cùng, khi các phương pháp khác không thể thực hiện được, giúp cho bệnh nhân có thể trở về với hoạt động sinh hoạt và thể thao bình thường", bác sĩ Tùng thông tin.
Theo nghiên cứu lâm sàng trên 26 bệnh nhân được điều trị bằng phẫu thuật ghép gân Achilles đồng loại tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, bác sĩ cho biết không ghi nhận biến chứng khi mổ. Sau phẫu thuật hồi phục tốt, không có trường hợp nào đau nặng trước mổ hay sau mổ.
"Phẫu thuật ghép gân Achilles đồng loại đem lại hiệu quả và kết quả cao, là một trong các phương án điều trị tốt cho những trường hợp mất đoạn gân lớn", bác sĩ Tùng cho hay.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo khi tham gia các hoạt động thể thao, nếu thấy đau vùng gân gót chân thì người chơi thể thao nên dành thời gian cho gân nghỉ từ 4 - 6 tuần, sau đó mới chơi lại thể thao. Nếu đau tái phát nhiều lần thì nên đến khám các bác sĩ chuyên khoa chấn thương để kịp thời xử trí, tránh biến chứng.
TTO - Bệnh nhân 37 tuổi ở Hà Nội đã đau dai dẳng một năm nay, chụp chiếu không phát hiện gãy xương hay trật khớp, theo bác sĩ bệnh nhân đau do những chấn thương kín sau chơi bóng đá.
Xem thêm: mth.61660801112112202-sellihca-nag-tud-ib-oaht-eht-iohc-iougn-ueihn/nv.ertiout