Ông Nguyễn Hòa Bình - ủy viên Bộ Chính trị, chánh án Tòa án nhân dân tối cao - trong buổi làm việc tại Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM) sáng 21-11 - Ảnh: ĐOÀN MINH CHÂU
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hòa Bình cho biết Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp trung ương đang chú trọng vào việc đổi mới, đánh giá lại chương trình đào tạo về luật trên cả nước.
Theo ông Bình, ở nhiều quốc gia trên thế giới, một số lĩnh vực đặc thù như y và luật sẽ chỉ được giảng dạy tại các trường chuyên đào tạo những ngành này.
Tuy nhiên hiện nay, ở Việt Nam có khoảng 90 cơ sở giáo dục có khoa luật, đào tạo cử nhân luật. Trong đó, có rất nhiều trường nhìn chung không liên quan đến luật vẫn đưa vào chương trình cử nhân luật.
Ông Bình cho rằng cần đánh giá lại các cơ sở này để có thể chuyển hướng trong đào tạo chuyên ngành luật theo hướng chất lượng và chuyên sâu hơn.
PGS.TS Vũ Hải Quân - giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM - trao đổi tại buổi làm việc với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình sáng 21-11 - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Riêng với những cơ sở có chất lượng đào tạo về luật như Trường đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM), ông Nguyễn Hòa Bình cho rằng không nên "hài lòng" ngay, mà cần tự đánh giá xem còn những mặt nào có thể cải thiện để nâng cao hơn nữa chất lượng giảng dạy và nghiên cứu luật.
Ông Bình cho rằng lĩnh vực khoa học pháp lý hay khoa học xét xử không phải là "khoa học cơ bản", mà là "khoa học thực hành". Đã là thực hành thì phải gắn liền với thực tế. Vì vậy, những kiến thức được giảng dạy tại các trường cần đi sát đời sống và có thể áp dụng vào thực tiễn.
Ngay cả với những nghiên cứu về luật trong các trường đại học, theo ông Bình, những công trình này cũng cần xuất phát từ những bài toán trong cuộc sống và sẽ đóng góp giải quyết cho những vấn đề của xã hội. Không thể làm nghiên cứu về những bài toán đã có người làm từ lâu hoặc khi giải quyết xong lại "đút ngăn kéo".
Ông Bình cho biết sẵn sàng hỗ trợ, đặt đầu bài, cung cấp tài liệu để các chuyên gia, nhà khoa học có thể tham gia đóng góp vào tiến trình cải cách tư pháp ở Việt Nam.
Đặc biệt, ông khuyến khích các sinh viên, giảng viên, nhà khoa học tại Đại học Quốc gia TP.HCM khi tìm hiểu, nghiên cứu các bản án có thể phát triển và giới thiệu những chi tiết có thể trở thành án lệ cho Hội đồng thẩm phán của Tòa án nhân dân tối cao.
Hơn 1 triệu bản án hiện đã được công khai trên Internet để các sinh viên, giảng viên có thể tham khảo, qua đó một số giáo sư ở các trường đại học thời gian qua đã giới thiệu được nhiều án lệ.
"Rất mong trong thời gian tới, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao sẽ nhận được nhiều đề cử án lệ từ Đại học Quốc gia TP.HCM", ông nói.
Sinh viên Trường đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM) trong buổi gặp gỡ với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình - Ảnh: ĐOÀN MINH CHÂU
Hợp tác đào tạo trong ngành luật
Cũng trong sáng 21-11, Trường đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM) và Học viện Tòa án đã ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác, nhằm thúc đẩy hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Theo đó, hai đơn vị sẽ cùng nhau giới thiệu các chuyên gia, giảng viên có năng lực chuyên môn, phối hợp tổ chức các hội thảo, tọa đàm trao đổi kinh nghiệm, hợp tác nghiên cứu khoa học pháp lý và nghiên cứu quốc tế.
TTO - Chánh án Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh việc xét xử các vụ án hình sự "bảo đảm nghiêm minh, đúng pháp luật, chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người không có tội".