Nó cũng giống như tình trạng tràn ngập các website phát sóng trái phép các trận đấu bóng đá Ngoại hạng Anh, Euro... hay các website chiếu phim lậu liên tục xuất hiện như "nấm mọc sau mưa".
Đó là chưa kể các kênh video cung cấp toàn nội dung "ăn cắp" hoặc "xào nấu" nhan nhản trên các trang mạng xã hội tại Việt Nam. Tình trạng vi phạm bản quyền tại Việt Nam đã là câu chuyện bình thường như "cơm bữa" xưa nay.
Việt Nam đã có luật về bản quyền với những quy định xử lý cụ thể. Cơ quan chức năng đã xử lý rất nhiều vụ việc liên quan vi phạm bản quyền, thậm chí có cả khởi tố vụ án, khởi tố người vi phạm. Việt Nam cũng được nhiều tổ chức thế giới đánh giá có nhiều tiến bộ trong việc giảm thiểu tình trạng vi phạm bản quyền. Thế nhưng, những nỗ lực đó chưa đủ.
Tình trạng vi phạm bản quyền tràn lan hiện nay (trong thể thao, phim ảnh...) đã khiến nhiều tổ chức, doanh nghiệp - đầu tư tiền tỉ mua bản quyền - thiệt hại nặng nề. Họ còn thiệt hại bởi phải bỏ thêm chi phí để bảo vệ bản quyền cũng như tìm cách ngăn chặn, xử lý các hành vi xâm phạm bản quyền.
Không chỉ vậy, "điểm số" của doanh nghiệp, tổ chức trong mắt các đối tác sở hữu bản quyền cũng sẽ bị giảm sút nghiêm trọng bởi đã không kiểm soát được tình trạng vi phạm bản quyền tràn lan. Điều đó có thể khiến tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam không còn được ưu ái trong việc mua lại các bản quyền trong tương lai, thậm chí bị cấm hoặc phải mua với giá siêu đắt đỏ.
Với người dùng Việt Nam, việc được "xem chùa" một cách dễ dàng khiến nhiều người có cảm giác tiết kiệm được chút ít tiền bạc trước mắt, nhưng thói quen "xem chùa" sẽ đem lại vô vàn tác hại khôn lường. Thói quen "xem chùa" sẽ khiến chúng ta xem nhẹ thành quả của người khác.
Nhiều người hay cho rằng vì dân mình còn nghèo nên việc "xem chùa" nên được thông cảm, nhưng có nghĩ đến thói quen của người lớn, của các bậc cha mẹ rồi sẽ được truyền đến cho con cháu mình, biến chúng thành những kẻ không còn sự tôn trọng với những thứ thuộc sở hữu của người khác.
Việt Nam ngày càng tham gia sâu vào nền kinh tế số cùng thế giới, người Việt ngày càng giao thương nhiều với cộng đồng thế giới. Sẽ ra sao khi các quốc gia trên thế giới xem người Việt Nam là những người chỉ thích "xem chùa", xem thường giá trị lao động của người khác?
Để chấm dứt tình trạng vi phạm bản quyền cần sự nỗ lực đồng lòng của Nhà nước - tổ chức, doanh nghiệp - người dân bằng các biện pháp về ứng dụng công nghệ, xử lý và giáo dục nhận thức.
Các doanh nghiệp sở hữu bản quyền kỹ thuật số cần đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ mới để bảo vệ chính bản quyền của mình, cũng như các biện pháp kỹ thuật để nhanh chóng phát hiện hành vi xâm phạm bản quyền của các cá nhân, tổ chức khác.
Các cơ quan chức năng phải tăng cường điều tra, phát hiện các tổ chức, cá nhân vi phạm bản quyền và có biện pháp xử lý đủ mạnh mẽ để răn đe nhận thức tuân thủ pháp luật. Việc này cần có sự phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, doanh nghiệp có bản quyền cũng như các nhà cung cấp dịch vụ Internet tại Việt Nam.
TTO - Hàng loạt website ngang nhiên vi phạm bản quyền phát sóng trực tiếp các trận bóng đá trên không gian mạng Việt Nam, đem lại mối lo không nhỏ.
Xem thêm: mth.63431857022112202-gnoul-nohk-iah-cat-auhc-mex/nv.ertiout