Các bệnh nhi đang được chăm sóc tại bệnh viện - Ảnh: THỤC NGHI
Thức ăn của học sinh bị nhiễm khuẩn ra sao?
Vụ ngộ độc học đường lớn nhất từ trước đến nay
Ông Cao Văn Trung, phó trưởng phòng giám sát ngộ độc và thông tin truyền thông - Cục An toàn thực phẩm, đánh giá đây là vụ ngộ độc lớn nhất trong học đường từ trước đến nay.
Trước đây, việc ghi nhận về ngộ độc tập thể đã có, chủ yếu ở các khu công nghiệp, với ca nhiễm lên đến vài ngàn. Đối với trường học thì đây là trường hợp rất lớn, đặc biệt có ca tử vong.
Theo ông Trung, cần tiếp tục theo dõi kể cả trẻ đã ổn định, xuất viện. Vì một số trẻ dù các triệu chứng lâm sàng đã ổn định, nhưng kết quả xét nghiệm chưa trở về hoàn toàn bình thường. Các bệnh viện, nhà trường cần giải thích rõ cho các phụ huynh, tránh quá lo lắng về tình trạng bệnh lý.
Ông Nguyễn Trung Nguyên - giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai - cho biết với bệnh nhân sau khi ra viện, dạ dày vẫn bị ảnh hưởng nên ăn uống sẽ khó chịu. Do đó, người bệnh cần ăn thức ăn mềm rồi tăng dần lên, tránh thức ăn gây đau dạ dày như: chua, cay, ngọt...
Vi khuẩn này không để lại di chứng, nó là một trường hợp nhiễm trùng nhiễm độc thức ăn do vi khuẩn.
Ông Nguyên thông tin thêm các bác sĩ sẽ tiếp tục điều trị kháng sinh, thường kháng sinh tiêu diệt vi khuẩn Salmonella thì có thể mất 5-7 ngày, tiếp tục cân bằng vi khuẩn đường ruột và điều trị triệu chứng.
Sự cố ngộ độc tập thể ở trường học lần này cho thấy năng lực tại chỗ rất quan trọng. Qua sự cố này các bếp ăn phải chấn chỉnh vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.
Nhiều loại vi khuẩn trong thức ăn của học sinh
Các mẫu thức ăn tại Trường Ischool được Viện Pasteur nuôi cấy và phân lập định danh vi khuẩn, xác định nguyên nhân, độc tố gây ngộ độc thực phẩm qua kết quả xét nghiệm mẫu phát hiện vi khuẩn Salmonella spp, trong mẫu cánh gà chiên (2,4 × 106 MPN/g).
Ngoài ra còn có vi khuẩn Bacillus cereus trong mẫu cánh gà chiên (3,5 x 103 CFU/g) và mẫu nước mắm (1,0 x 103 CFU/mL). Chủng Bacillus cereus trong hai mẫu trên là chủng sinh độc tố ly giải hồng cầu (HBL: Hemolysin BL) và độc tố ruột không ly giải hồng cầu (NHE: Non-haemolytic enterotoxin).
Và vi khuẩn Escherichia coli trong mẫu cánh gà chiên (1,3x102 CFU/g).
Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Hương Giang, Trung tâm bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai, sau khi điều trị bằng kháng sinh thì các vi khuẩn Salmonella sẽ bị tiêu diệt, tuy nhiên có thể có trường hợp vi khuẩn sống thành quần cư trong đường tiêu hóa, do đó vẫn có nguy cơ lây nhiễm, tái nhiễm, vì vậy vấn đề vệ sinh phải được chú ý.
Theo ông Nguyễn Văn Minh - giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa, tính đến 11h ngày 22-11, các bệnh viện của tỉnh Khánh Hòa tiếp nhận 662 ca (tăng 14 ca so với ngày 21-11) học sinh Trường Ischool Nha Trang ngộ độc thực phẩm, trong đó có 1 ca tử vong. Các bệnh viện hiện đang điều trị 137 ca (giảm 74 ca so với ngày 21-11).
Công an Khánh Hòa yêu cầu cung cấp thông tin vụ ngộ độc ở Ischool
Theo Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa, đơn vị này đang thụ lý giải quyết nguồn tin đối với vụ việc ngộ độc thực phẩm xảy ra tại Trường Ischool Nha Trang. Để phục vụ công tác điều tra, Công an tỉnh Khánh Hòa đề nghị Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo các bệnh viện và các cơ sở y tế trên địa bàn rà soát, tổng hợp số liệu, cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra.
Đồng thời đề nghị các cơ sở y tế nào khác nếu tiếp nhận, điều trị bệnh nhân liên quan đến vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại Trường Ischool Nha Trang thì báo cáo để đơn vị nắm thông tin, phục vụ công tác điều tra.
Công an tỉnh Khánh Hòa cũng yêu cầu cơ sở y tế lưu giữ, bảo quản tất cả mẫu máu của các bệnh nhân điều trị liên quan đến vụ ngộ độc thực phẩm (nếu có); kịp thời cung cấp hồ sơ bệnh án và mẫu máu của các bệnh nhân khi có yêu cầu.
Sở Y tế cũng đề nghị các cơ sở y tế, bệnh viện liên quan lưu giữ, bảo quản tất cả mẫu máu, dịch nôn, phân, chất tiết của người bệnh (nếu có) và cung cấp hồ sơ bệnh án, mẫu máu của các bệnh nhân cho công an khi có yêu cầu.
Người tổ chức bếp ăn cũng là người bán hàng ăn uống giải khát tại trường
Ngày 22-11, Phòng Y tế TP Nha Trang có báo cáo gửi UBND TP Nha Trang, người tổ chức bếp ăn bán trú cho học sinh Trường Ischool Nha Trang là ông Bùi Phúc Lam (40 tuổi, ở đường Phú Xương, phường Vĩnh Hải, TP Nha Trang). Ông này cũng là chủ cơ sở kinh doanh bán hàng ăn uống giải khát tại gian hàng Trường Ischool Nha Trang.
TTO - Lãnh đạo Sở Ngoại vụ Khánh Hòa cho biết sở đã thông báo cho Lãnh sự quán Malaysia tại TP.HCM về việc cháu bé học sinh lớp 1 Trường iSchool Nha Trang tử vong, sau khi xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm tại trường ngày 17-11.