Thủ tướng Võ Văn Kiệt cùng các em thiếu nhi trong một chuyến công tác (ảnh tư liệu tại khu lưu niệm “Vườn ông Sáu Dân“, Vũng Liêm, Vĩnh Long) - Ảnh: P.VŨ chụp lại
Ấy là khu "Vườn ông Sáu Dân" tại Khu lưu niệm Võ Văn Kiệt ở Vũng Liêm, Vĩnh Long. Ấy là "Nhà lưu niệm ông Sáu Dân" ở Thảo Điền, TP Thủ Đức (TP.HCM).
Trên đường đến Vũng Liêm dự lễ khánh thành "Vườn ông Sáu Dân", tôi đọc lại chia sẻ của thạc sĩ Phạm Đam Ca, trưởng dự án: "Mục đích của chúng tôi là tái hiện được con người ông Sáu Dân giữa vùng đất, môi trường, cuộc sống của ông; tái hiện được phẩm cách, hành động ông Võ Văn Kiệt giữa những đồng chí, bè bạn, người thân của ông bằng ngôn ngữ của kiến trúc, sắp đặt, hiện vật".
Cả nhóm, cùng với sự trợ giúp của gia đình ông Sáu và các ban ngành chuyên môn ở Vĩnh Long, đã dành 11 tháng ăn ngủ cùng khối tư liệu khổng lồ về Võ Văn Kiệt để rồi "diễn" nó ra trong khu trưng bày. Mục đích chừng như hơi quá lớn lao...
Căn nhà gỗ giản dị bên sông Sài Gòn hồi ông Võ Văn Kiệt làm bí thư Thành ủy TP.HCM
Lời sắc son khắc ghi trên đá
Mang theo nỗi chờ đợi, hồi hộp, chúng tôi bước vào khu lưu niệm. Đầu tiên là những bụi cây, hoa, thảm cỏ xanh, và những hòn đá tảng khắc tạc những lời xứng đáng của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. "Thấy có hơi thở Sáu Dân rồi đó", nhà báo Thế Thanh thủ thỉ. Và rồi chúng tôi cùng thở phào "Ông Sáu Dân đây rồi", khi được phép bước vào phòng trưng bày.
"Tôi tên thật là Phan Văn Hòa, Chín Hòa... 11 - 12 tuổi, vừa đi ở vừa đi học. Hồi đó có một ông giáo trong làng tổ chức dạy 15 đứa học trò. Ông cho học không, ông dạy chữ Nho. Cũng đâu vài tháng thấy cái đó không khoái lắm nên thôi. Sau đó, có trường dòng của nhà thờ ở xóm Trung Hưng, mang máng khoảng trên 6 tháng, toàn là học đạo, học kinh...
Đi ở cho người ta bấy giờ không biết thù ghét này khác. Mình lỡ lấy tiền của người ta rồi thì mình đi ở, làm việc cho người ta" - giọng rặt miền Nam ấm áp của chính ông Sáu Dân vang lên khi tôi áp chiếc tai nghe đầu tiên vào tai. Trên bức tường, ảnh ông cười rạng rỡ. Mọi người đã được gặp lại ông Sáu Dân...
Hẳn rồi, không phải Võ Văn Kiệt bằng xương bằng thịt, nhưng đầu phòng là hình tượng anh Chín Hòa bằng thép mặc bộ bà ba, khoác khăn rằn, đạp xe vào con đường cách mạng; giữa phòng lại là ông "Thủ tướng điện" trong bộ đồ xanh lao động, mũ nhựa trắng bảo hộ đang phấn khởi ngước nhìn đường dây tải điện 500KV.
Giữa đoạn đời sôi động ấy, bao nhiêu câu chuyện, bao nhiêu dấu ấn Sáu Dân thời kháng chiến, thời "phá rào" đổi mới được kể lại bằng những bức ảnh, những phát ngôn, những tâm sự của đồng chí, đồng đội.
"Đa ngôn ngữ, đa phương tiện, đa chiều, đa nhân vật, đa không gian... đó là cách chúng tôi biểu đạt tấm lòng chân thành và tình yêu quê hương - con người của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong nhà trưng bày này. Tôi tự tin khẳng định đây là một nhà trưng bày đạt tiêu chuẩn quốc tế, là tiêu biểu cho xu thế đổi mới bảo tàng sau những bước đi nhỏ hơn ở một số bảo tàng Bắc - Nam đây đó" - PGS.TS Nguyễn Văn Huy (nguyên giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam), cố vấn dự án, tự hào nhấn mạnh với chúng tôi.
Dĩ nhiên rồi. Võ Văn Kiệt luôn hồ hởi ủng hộ cái mới, mong mỏi được học hỏi cái hay cái đẹp của thế giới, thì khu lưu niệm của ông tất xứng đáng với những đổi mới hiện đại. Người tham quan được chiêu đãi một bữa tiệc giác quan khi dừng bước trước một tấm bảng ghi lại một phát ngôn ấn tượng, tò mò nhấc chiếc tai nghe, chạm vào một nút bấm và sẽ nghe được, xem được những thước phim tài liệu, những đoạn phỏng vấn của các ông Lê Đức Anh, Nguyễn Minh Triết, Phan Văn Khải, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Chiến Thắng kể về người đồng chí, đàn anh; các ông Trần Đức Nguyên, Vũ Quốc Tuấn, Nguyễn Trung, bà Phạm Chi Lan, ông Phan Chánh Dưỡng kể về sự ngưỡng mộ của trí thức với vị thủ tướng vì dân; những nụ cười Võ Văn Kiệt rạng rỡ, lôi kéo bạn bè quốc tế đến giúp Việt Nam cùng phát triển...
Và nếu thêm một chút tò mò, khách sẽ khám phá được những trang sổ tay, những lá thư chứa đầy suy nghiệm của ông trong một ngăn kéo bí mật, đẩy trượt một tấm ảnh sẽ được thấy thêm một tầng tư liệu...
Và đây, ở cuối phòng lại là ông đứng chờ với chiếc áo khoác và mũ phớt quen thuộc, khuôn mặt khuất sau chiếc máy ảnh. Và giọng ông kể: "Ba điều tôi thích: yêu thiên nhiên, cảnh vật, thích thể thao và thích chụp ảnh. Khi không còn làm thủ tướng, tôi sẽ cố gắng có một ngày trong tuần để đi chụp ảnh và mong sao có được một bức ảnh đẹp...".
Nói vậy nhưng ông đã không rời chiếc máy ảnh nhỏ từ ngày làm thủ tướng. Gia đình tập hợp lại, in thành tập với chủ đề: "Chờ". Trong ấy là thành phố, cánh đồng, núi rừng, sông biển, những nụ cười người già em bé, cảnh chợ phiên, bến đò mà ông đã say mê ngắm - chụp trên những chặng đường công tác. Trong ấy là người dân, là đất nước mà ông thương quý một đời...
Bà Hiếu Dân, con gái cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, cùng khách tham quan xem lại các kỷ vật về ông
Nhà gỗ ông Sáu Dân bên sông Sài Gòn
Dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh này, cứ ngỡ những thông tin về ông Sáu Dân đã tràn ngập, vậy nhưng vẫn còn một bất ngờ. Chiều 21-11, được mời đến khu ven sông Sài Gòn ở Thảo Điền, xuyên qua những villa sang trọng đến sát bờ sông, tôi cũng như nhiều người ngạc nhiên thấy một căn nhà gỗ lợp ngói nhỏ bé, xinh xắn, đơn sơ nằm đó tĩnh lặng từ bao giờ. Tấm bảng đề: "Nhà nghỉ và làm việc của đồng chí Võ Văn Kiệt 1977 - 1982".
Bước vào, căn phòng đóng bằng gỗ tạp ám đen diện tích chỉ mười mấy mét vuông, có một tấm phản gỗ, một chiếc ghế mây, bộ bàn ghế mây, chiếc tủ gỗ nhỏ. Bà Võ Hiếu Dân, con gái ông, bồi hồi chỉ dẫn: "Những năm ấy, làm bí thư Thành ủy thì ông ở nhà công vụ tại Tú Xương, cuối tuần hay những ngày nghỉ thì về đây. Những lúc không đi công tác, ông cũng về đây làm việc, tổ chức họp Thành ủy.
Ba ngủ trên phản này, ngồi ngắm sông trên ghế mây này. Mọi thứ vẫn còn nguyên, chỉ thiếu chiếc lu nước với gáo dừa ngoài gốc cây chỗ ba hay tắm. Ngoài sân kia ngày đó còn có một chiếc container được cải tạo thành phòng ở, là dành cho tôi. Đám cưới của anh Phan Thanh Nam cũng được tổ chức tại đây...".
Bà ngừng lời. Trên tường là những tấm ảnh đen trắng chụp Bí thư Võ Văn Kiệt lăn lộn cùng thành phố, tháo gỡ rào cản đói nghèo mới được gia đình chọn để treo lên.
Hôm nay, khu vườn và mấy phòng họp xưa đã được xây thành những villa phục vụ khách du lịch, nghỉ dưỡng. Ông Tăng Thanh Tùng, tổng giám đốc Công ty liên doanh Ven sông Sài Gòn, vẫn quyết giữ gìn và bảo tồn căn nhà gỗ của ông "để làm một giá trị gia tăng về lịch sử, văn hóa dành cho khách đến". Căn nhà được đặt tên là "Nhà lưu niệm ông Sáu Dân" để ông được ở lại mãi bên sông Sài Gòn, để TP.HCM còn thêm một chỗ nhớ ông Sáu Dân.
Tôi bước ra hàng hiên. Chỉ cách vài bước chân là sông Sài Gòn lộng gió. Những người thân gần đều hiểu rõ vì sao ông Sáu Dân luôn muốn được sống gần - cận - sát nhất với mặt nước sông Sài Gòn, là vì trong lòng sông ấy có người vợ Kim Anh yêu quý, có hai con nhỏ Ánh Hồng - Chí Tâm của ông đã tan hòa trong sóng nước khi chiếc tàu Thuận Phong bị bắn chìm cuối năm 1966...
Một bức hình và những lời ý nghĩa của ông Sáu Dân ở nhà trưng bày “Vườn ông Sáu Dân” tại Vĩnh Long - Ảnh: P.VŨ
Và những hòn đá tảng khắc tạc những lời xứng đáng của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt: "Không ai chọn cửa để sinh ra", "Yêu nước không là độc quyền của riêng ai. Tổ quốc là của mọi người Việt Nam. Mọi người Việt Nam đều có quyền và trách nhiệm đóng góp cho đất nước"...
TTO - 100 năm ngày sinh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (23-11-1922 - 23-11-2022), những kỷ niệm về ông vẫn vẹn nguyên nghĩa tình...
Xem thêm: mth.38995628042112202-nad-uas-gno-nouv-maht/nv.ertiout