Người dân chờ khám bệnh tại Bệnh viện TP Thủ Đức - Ảnh: T.D.
Bệnh viện TP Thủ Đức (TP.HCM) là bệnh viện tuyến quận, huyện hạng 1 đầu tiên của cả nước và là bệnh viện đầu tiên được Bộ Y tế cho phép triển khai thí điểm hồ sơ bệnh án điện tử.
Tham dự hội nghị, GS Đặng Vạn Phước - trưởng Khoa Y (ĐH Quốc gia TP.HCM), nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược TP.HCM - khẳng định việc ứng dụng công nghệ số vào quản lý y tế là xu hướng bắt buộc, đòi hỏi tự thân các cơ sở y tế phải chủ động đầu tư ứng dụng. Việc này sẽ mang lại lợi ích rất lớn trong chẩn đoán, điều trị cũng như tiết kiệm thời gian cho cả nhân viên y tế và người bệnh.
Thông tin tại hội nghị cho thấy đã có hơn 70 quốc gia triển khai thống kê y tế điện tử, trong đó có nhiều quốc gia đang tích cực đầu tư vào công nghệ số, sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong y tế. Và tại Việt Nam, thống kê mới nhất cũng cho thấy có 99,5% cơ sở khám chữa bệnh đã kết nối thông tin nhằm triển khai giám định bảo hiểm y tế điện tử.
Ông Vũ Trí Thanh - phó giám đốc quản lý điều hành Bệnh viện TP Thủ Đức - cho biết Bệnh viện TP Thủ Đức đã số hóa toàn bộ hồ sơ bệnh án bằng giấy và tích hợp vào phần mềm trên 6.000 hồ sơ bệnh án giấy, giúp lưu trữ lâu, tiết kiệm diện tích phục vụ thuận tiện cho công tác thống kê, báo cáo, nghiên cứu khoa học, dự báo…
Đặc biệt đáng chú ý khi kết quả khảo sát từ 124 bác sĩ, điều dưỡng cho thấy thao tác làm (nhập thông tin) bệnh án điện tử giảm thời gian rõ rệt so với bệnh án giấy, từ gần 31 phút xuống chỉ còn gần 19 phút. Nếu tính số lượng hàng ngàn bệnh án phải thực hiện mỗi ngày, số thời gian sẽ được tiết giảm rất đáng kể, chưa kể các tiện ích trong việc lưu trữ, truy xuất khi cần.
Song song đó, bệnh viện còn tiên phong áp dụng mô hình khoa khám bệnh thông minh giúp đa dạng hóa đăng ký khám chữa bệnh, phân loại người bệnh, giám sát tuân thủ phác đồ điều trị, trả kết quả lâm sàng, chống lãng phí và đặc biệt cảnh báo nhắc nhở về tương tác thuốc, chống chỉ định, giới hạn chỉ định lâm sàng, giá trần giá thuốc…
Với ứng dụng này, trung bình người bệnh đến khám, lãnh thuốc chỉ mất 80,1 phút; nếu thực hiện từ 2-3 kỹ thuật cận lâm sàng, khám và lãnh thuốc mất dưới 3 tiếng đồng hồ.
Theo ông Thanh, với hệ thống quản lý bệnh viện thông minh giúp việc quản lý khám chữa bệnh được chặt chẽ, nhanh - gọn - chính xác, giảm thời gian thủ tục hành chính, nâng cao an toàn người bệnh và chất lượng bệnh viện.
Trước đó, Bộ Y tế ban hành thông tư 46/2018/TT-BYT quy định về hồ sơ bệnh án điện tử có lộ trình 2 giai đoạn.
Cụ thể từ năm 2019 - 2023 các cơ sở khám chữa bệnh hạng I trở lên chủ động nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin tại cơ sở để triển khai hồ sơ bệnh án điện tử. Từ năm 2024 - 2028 tất cả các cơ sở khám chữa bệnh toàn quốc phải triển khai hồ sơ bệnh án điện tử.
Bệnh án điện tử được Bộ Y tế đánh giá là cốt lõi và điểm khởi đầu cho mọi nỗ lực chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế.
Phát triển kỹ thuật mới, ngăn chuyển tuyến
Sau 15 năm thành lập, Bệnh viện TP Thủ Đức có nhiều tiến bộ trong nghiên cứu khoa học, ứng dụng khoa học công nghệ. Đặc biệt bệnh viện phát triển nhiều kỹ thuật mới như phẫu thuật tim hở, can thiệp mạch vành, đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn, lọc máu hấp phụ.
Phẫu thuật các bệnh lý chấn thương sọ não, cột sống; tiêu sợi huyết, can thiệp nội mạch, đặt stent động mạch cảnh; thẩm tách siêu lọc (HDF-Online), thẩm phân phúc mạc; ghép hạch bạch huyết, tái tạo vú bằng vi phẫu; phẫu thuật thay khớp vai, khớp gối, khớp háng nhân tạo.
Điều này góp phần cứu sống được nhiều bệnh nhân, hạn chế tình trạng chuyển tuyến, giảm tải hiệu quả cho các bệnh viện tuyến trên.
TTO - Sở Y tế TP.HCM vừa có quyết định phân công ông Vũ Trí Thanh làm phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức (TP.HCM). Ông phụ trách lãnh đạo, quản lý, điều hành hoạt động, thực hiện các giao dịch tài chính và nhiệm vụ của giám đốc bệnh viện.
Xem thêm: mth.26291122142112202-yaig-na-hneb-iov-os-os-oh-tuhp-21-meik-teit-ut-neid-na-hneb-gnud-us/nv.ertiout