Ông Đặng Hoa Nam, cục trưởng Cục Trẻ em - Ảnh: HÀ QUÂN
Ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) - cho biết như vậy tại hội thảo "Thực tiễn và giải pháp bảo vệ trẻ em trên không gian mạng", do Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam và Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức ngày 24-11.
Ứng dụng công nghệ AI
Ông Đặng Hoa Nam cho hay mỗi năm có hơn 500.000 cuộc gọi đến Tổng đài 111 về tư vấn, can thiệp bạo lực, bóc lột, trẻ bị mua bán, vi phạm quyền trẻ em… Chỉ trong 11 tháng đầu năm 2022, Tổng đài 111 tiếp nhận trên 356.000 cuộc gọi qua các kênh điện thoại, Zalo, app 111… Trong đó, 413 ca liên quan đến xâm hại trẻ em trên môi trường mạng và 17 thông báo về các kênh, link, clip xấu, độc hại với trẻ em.
"Năm 2022, số lượng cuộc gọi đến giảm nhẹ nhưng dự báo xu hướng sẽ vẫn tăng", ông Nam cho hay.
Theo ông Nam, công tác bảo vệ trẻ em trên mạng gặp khó khăn do chính phụ huynh có tâm lý muốn tháo gỡ, xử lý ngay nhưng tổng đài và cục phải phối hợp các cơ quan, tổ chức trên môi trường mạng để xử lý.
Về công nghệ, việc xóa triệt để thông tin, hình ảnh, video của trẻ em rất khó do đường link “biến hình" rất nhanh, thủ phạm thường dùng tài khoản ảo, địa chỉ IP ở nước ngoài.
Hiện Cục Trẻ em và các cơ quan chức năng, công ty công nghệ tìm kiếm nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI) tạo các chat bot thay người tư vấn thông tin, phân tích dữ liệu, hỗ trợ chính quyền địa phương hoặc cán bộ bảo vệ trẻ em từ cấp cơ sở. Kỳ vọng là AI cùng các chuyên gia, tâm lý xã hội, tâm lý học lâm sàng, tâm lý học đường chăm sóc, điều trị sức khỏe tâm thần cho trẻ em.
“Không ai bảo vệ trẻ mãi khi các em lang thang trên mạng. Do đó, người lớn phải trang bị để các em có kỹ năng, như “vắc xin số” để chống lại thông tin xấu độc, hiểm nguy trên Internet”, ông Nam chia sẻ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Tuân - quyền giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT) - nhận định "chưa bao giờ trẻ em dành nhiều thời gian cho Internet như hiện nay".
Do vậy, các Bộ Thông tin và Truyền thông, Lao động - Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo… đang áp dụng nhiều biện pháp bảo vệ các em trên mạng, nếu vụ việc nào có yếu tố hình sự thì chuyển sang Bộ Công an xử lý.
Cha mẹ cũng có thể vào trang https://vn-cop.vn/ có tính năng nhận diện website không an toàn cho trẻ, báo cáo xâm hại để bảo vệ trẻ.
Theo ông Ngô Tuấn Anh - phó chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam, Luật an ninh mạng, Luật an toàn thông tin mạng và các nghị định hướng dẫn đi kèm đều yêu cầu các đơn vị cung cấp dịch vụ trực tuyến tại Việt Nam dù có trụ sở ở nước ngoài cũng phải bóc gỡ và xử lý những thông tin xấu độc trên Internet.
Hội thảo là cơ hội để các công ty công nghệ, phần mềm giới thiệu, hợp tác với cơ quan quản lý để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng - Ảnh: HÀ QUÂN
YouTube gỡ bỏ 2 triệu video xấu độc với trẻ em
Theo ông Jay Vidyasagar - giám đốc điều hành YouTube Ấn Độ, Đông Nam Á và thị trường mới nổi, khảo sát của Google và Qualtrics vừa qua cho thấy có 81% cha mẹ tin tưởng con cái sẽ trao đổi lại khi gặp vấn đề trên mạng, và trên 80% cha mẹ cho phép con dùng Internet nhiều hơn. Tuy nhiên, độ tuổi trung bình để trẻ sở hữu điện thoại là 9, trong khi khuyến cáo là 13, đặt ra nhiều thách thức trong bảo vệ trẻ em.
Trong quý 3-2022, YouTube đã gỡ bỏ trên 2 triệu video vi phạm chính sách an toàn cho trẻ em trên toàn cầu. Đó có thể là những nội dung vi phạm các chính sách như khỏa thân, tình dục, thông tin sai lệch, bạo lực, phản cảm, tự tử, tự hủy hoại bản thân, lừa dối để thu hút lượt xem.
Hiện, YouTube ưu tiên nội dung chất lượng cao, giảm thiểu nội dung chất lượng thấp, vi phạm và khen thưởng các nhà sáng tạo nội dung đáng tin cậy. Công ty cũng có công cụ cảnh báo sản phẩm không phù hợp trẻ em, có YouTube Kids riêng cho trẻ em và đang thử nghiệm chế độ cho phép cha mẹ giám sát.
Bà Nguyễn Phương Thanh Trúc - đồng sáng lập và CEO Cyber Purify - nhấn mạnh nội dung “người lớn” không chỉ xuất hiện ở các trang web người lớn mà có ở các diễn đàn (forum), trang web trên mạng, trang chia sẻ hình ảnh.
Theo bà Trúc, ngoài trông chờ AI hỗ trợ "quét" nội dung độc hại thì cha mẹ cần thỏa thuận với con khi dùng Internet, đồng thời tham gia hoạt động với con như picnic, chơi thể thao… Khi chơi cùng con, cha mẹ nên chủ động hỏi quan điểm của con về vấn đề nhạy cảm và định hướng giải quyết, đặc biệt là tôn trọng ý kiến trái chiều từ trẻ.
Nếu cha mẹ ngại ngần chia sẻ về giới tính, trả lời vòng vo thì trẻ sẽ mất lòng tin, ít chia sẻ hơn, thậm chí nhờ người lạ trên mạng, dẫn tới nguy cơ thành con mồi của những “kẻ săn mồi tình dục”.
Ví dụ, cha mẹ nên chỉ rõ nội dung nào con nên xem, cách nhận diện kẻ săn mồi trực tuyến (kẻ hay like ảnh, chat), dạy con bảo mật tài khoản và không được xem trộm tin nhắn của con hay cài phần mềm theo dõi, tránh tác dụng ngược vì khi ấy trẻ đề phòng hơn, thậm chí tìm cách để “lách” theo dõi.
TTO - Để trả lại môi trường online trong sạch, theo bạn đọc Lê Tấn Thời (giáo viên Trường THCS Nguyễn Đăng Sơn, Chợ Mới, An Giang), thiết nghĩ, việc giảng dạy đạo đức không gian mạng cho học sinh nên được đưa vào nhà trường trong thời gian sắp tới.