Trong quá trình nghiên cứu để tìm ra liệu pháp mới điều trị ung thư đại tràng, các nhà khoa học Đức đã phát hiện một chất chuyển hóa trong lựu có thể trẻ hóa các tế bào T của hệ miễn dịch. Nhờ đó, hệ miễn dịch có thể tiêu diệt hiệu quả hơn các khối u ung thư lớn, theo chuyên trang khoa học Science Daily (Mỹ).
Chất chuyển hóa urolithin-A trong lựu có thể giúp tăng khả năng tiêu diệt ung thư của hệ miễn dịch SHUTTERSTOCK |
Chất chuyển hóa này được gọi là urolithin-A. Thông qua quá trình nguyên phân, urolithin-A có khả năng tái tạo và làm mới các ty thể của tế bào T.
Nhóm nghiên cứu đã chứng minh tiềm năng điều trị của urolithin A theo 2 cách. Một là trong thí nghiệm trên động vật, urolithin A có thể được nạp trực tiếp vào cơ thể bằng cách ăn trái lựu. Hai là cho urolithin A tác động trực tiếp lên tế bào T trong ống nghiệm.
Ở cách thứ hai, họ phát hiện các ty thể hư hỏng của tế bào T đã bị loại bỏ và thay thế bằng các ty thể mới. Quá trình này đã làm thay đổi cấu trúc di truyền của tế bào T và tăng cường khả năng tiêu diệt khối u ung thư.
“Phát hiện của chúng tôi đặc biệt thú vị vì trọng tâm nghiên cứu không phải là nhắm vào tế bào ung thư mà là hệ miễn dịch”, tiến sĩ Dominic Denk, chuyên gia tại Bệnh viện Đại học Frankfurt (Đức) và là một trong các tác giả nghiên cứu, cho biết.
Trong giai đoạn sắp tới, nhóm nghiên cứu sẽ thử nghiệm tác dụng của chất urolithin A để điều trị cho người bị ung thư đại tràng. Họ hy vọng có thể hoàn thiện liệu pháp này để cải thiện hiệu quả điều trị cho bệnh nhân ung thư.
Tế bào ung thư dù là tế bào bệnh nhưng lại có thể tránh né được hệ miễn dịch, khiến tế bào T không nhận diện được nó là tác nhân ngoại lai. Điều này khiến tế bào ung thư có thể phát triển và ngày càng lây lan.
Với ung thư trực tràng, bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao vì bệnh thường phát hiện muộn. Nhiều bệnh nhân chỉ đi khám khi đã xuất hiện triệu chứng. Lúc này, ung thư trực tràng đã ở giai đoạn di căn, theo Science Daily.