vĐồng tin tức tài chính 365

Trước thềm lệnh áp giá dầu Nga gây tranh cãi của phương Tây

2022-11-26 05:24

Ngày 5-12 tới, Mỹ và đồng minh phương Tây dự kiến sẽ tiến hành triển khai gói cấm vận mới nhất nhằm vào Nga, dưới hình thức áp giá trần đối với mặt hàng dầu thô xuất khẩu từ nước này. Dù vậy, liệu bước đi mới nhất này có thể chặn được mũi nhọn năng lượng của Nga hay không vẫn là câu hỏi gây tranh cãi.

G7 đã sẵn sàng, chờ Liên minh châu Âu

Trả lời hãng tin AFP mới đây, một quan chức Mỹ giấu tên cho biết Nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7 - gồm Mỹ, Đức, Anh, Nhật, Pháp, Ý, Canada) về cơ bản đã đồng ý mức giá trần sẽ áp lên dầu thô được vận chuyển bằng đường biển của Nga là 65-70 USD/thùng. Bộ Tài chính Mỹ cũng đã ban hành hướng dẫn tuân thủ mức giá trần cho các công ty tài chính và vận chuyển liên quan các giao dịch trên thị trường này. Mức giá trần sẽ có thể được xem xét cập nhật hằng quý hoặc nửa năm một lần, để đảm bảo bình ổn thị trường.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 25-11 kêu gọi phương Tây giữ đoàn kết, nhất là trong việc áp giá trần đối với dầu thô của Nga. Ông Zelensky cũng kêu gọi hạ mức giá trần đề xuất xuống thấp nhất là 30 USD/thùng, cho rằng mức 65-70 USD đang đề xuất lúc này là “nhượng bộ Nga”.

Các công ty bảo hiểm và doanh nghiệp khác cần vận chuyển dầu bằng đường biển chỉ có thể giao dịch với Nga nếu dầu được định giá bằng hoặc thấp hơn giá trần.

Lệnh trừng phạt cũng bao gồm việc cấm các công ty thuộc Liên minh châu Âu (EU) cung cấp bảo hiểm vận chuyển, dịch vụ môi giới hoặc tài trợ cho xuất khẩu dầu từ Nga sang các nước thứ ba. Phần lớn công ty bảo hiểm vận tải đường biển đều đặt trụ sở tại EU hoặc Anh nên việc tuân thủ quy định về giá trần nhiều khả năng sẽ được chấp hành chặt chẽ.

Hiện G7 đã chuyển đề xuất sang EU để các thành viên khối này tiếp tục xem xét và thảo luận. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen hôm 24-11 khẳng định các thành viên EU đang làm việc “hết tốc lực” về gói trừng phạt mới nhất đối với Nga và sẽ “rất sớm” cùng G7 và các đối tác lớn khác thông qua mức giá trần toàn cầu đối với dầu Nga.

Theo hãng tin Reuters, một quan chức châu Âu chia sẻ lo ngại chung của EU lúc này là trần giá dự kiến dường như quá thấp đối với một số nước, trong khi lại quá cao đối với một số nước khác.

Đơn cử, Ba Lan, Lithuania và Estonia khẳng định ở mức 65-70 USD/thùng, giá dầu mới vẫn sẽ giúp Nga thu được lợi nhuận cao vì chi phí sản xuất chỉ khoảng 20 USD/thùng. Trong khi đó, Síp, Hy Lạp và Malta lại khẳng định mức giá trần quá thấp, đồng thời yêu cầu phải có bồi thường thêm cho doanh nghiệp bị thiệt hại vì trần giá hoặc cho tư nhân thêm thời gian để thích nghi. Các nước này tuyên bố ngành vận tải biển của họ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng do gói trừng phạt sắp tới.

Đại diện các thành viên EU lên kế hoạch họp bàn thêm về vấn đề này trong ngày 26-11 (giờ địa phương).

Tác động từ việc áp giá trần dầu Nga không rõ ràng

Phản ứng trước các động thái từ phương Tây, Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Iraq Mohammed Shia al-Sudani ngày 25-11 đã khẳng định những hành động như vậy là trái với các nguyên tắc của quan hệ thị trường. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cùng ngày cũng tuyên bố việc đặt ra một mức giá trần với các sản phẩm dầu Nga là “hành động phá hoại thị trường, làm gián đoạn chuỗi cung ứng”. Moscow sẽ ngừng giao dịch với các đối tác ủng hộ việc áp giá trần.

Đài ABC News dẫn ý kiến của một số chuyên gia cho rằng nếu mức giá trần được áp dụng giữ nguyên mức dự kiến là 65-70 USD/thùng, Nga vẫn có thể bán dầu và duy trì lợi nhuận như hiện tại. Thực tế, dầu thô Nga đang giao dịch ở mức 63 USD/thùng, thấp hơn nhiều so với giá dầu brent trên thị trường quốc tế.

Nếu mức trần đặt ở giá thấp hơn, khoảng 50 USD/thùng thì khi đó mới có thể làm Nga khó khăn hơn trong việc cân đối ngân sách, bởi để làm được điều này, Moscow cần giá dầu duy trì trong khoảng 60-70 USD/thùng. Tuy nhiên, 50 USD/thùng vẫn cao hơn chi phí sản xuất ước tính 30-40 USD/thùng của Nga, do đó Moscow có thể vẫn chấp nhận bán dầu để tránh thiệt hại lớn hơn.

Trước thềm lệnh áp giá dầu Nga gây tranh cãi của phương Tây ảnh 1
Hoạt động khai thác dầu ở TP Almetyevsk, CH Tatarstan thuộc Nga hồi tháng 6.
Ảnh: BLOOMBERG

Bên cạnh đó, Trung Quốc và Ấn Độ - hai đối tác quan trọng của Nga có thể không chấp nhận tuân thủ mức giá trần do phương Tây áp đặt. Bắc Kinh có thể tự tiến hành thành lập các công ty bảo hiểm riêng của Trung Quốc để thay thế những doanh nghiệp bảo hiểm bị cấm theo quyết định của Mỹ và phương Tây.

“Trung Quốc và Ấn Độ đã và đang mua dầu thô của Nga với mức chiết khấu rất lớn so với dầu brent, do đó họ không nhất thiết phải tuân theo mức giá trần mới. Nếu làm theo quyết định áp giá trần của G7, quan hệ của họ với Nga có thể bị ảnh hưởng và các nước này có thể không được ưu đãi giá dầu nữa” - Phó Chủ tịch công ty phân tích thị trường năng lượng Rystad Energy (Na Uy) Claudio Galimberti nói. Ông này cho biết thêm rằng Nga cũng có thể sử dụng biện pháp chuyển dầu từ tàu này sang tàu khác trên biển để che giấu nguồn gốc hàng hóa, cũng như trộn hàng của họ đối với các loại dầu thô khác để lách lệnh áp giá.

Trên thực tế, tác động lớn nhất từ lệnh cấm vận của EU có thể không diễn ra ngay vào ngày 5-12, khi châu Âu lúc đó nhiều khả năng tìm được các nhà cung cấp mới. Thời điểm quyết định này gây tác động lớn nhất có thể rơi vào tháng 2 năm sau, khi lệnh cấm bổ sung của EU đối với các sản phẩm từ dầu thô Nga, chẳng hạn như dầu diesel, có hiệu lực.

Châu Âu sẽ phải chuyển hoàn toàn sang nguồn cung thay thế từ Mỹ, Trung Đông và Ấn Độ. “Khi đó khả năng rất cao sẽ xảy ra tình trạng thiếu hụt khiến giá thành tăng cao” - ông Galimberti nhận định. Tại các nước EU lúc này vẫn còn nhiều xe dùng dầu diesel. Loại nhiên liệu này dùng cho xe tải vận chuyển hàng hóa và vận hành máy móc nông nghiệp, do đó giá dầu diesel tăng sẽ tác động tới toàn bộ nền kinh tế châu Âu.

Giá dầu thế giới tiếp tục đà giảm

Trong phiên giao dịch ngày 25-11 (giờ Việt Nam), giá dầu tiếp tục giảm trong bối cảnh thị trường ghi nhận khả năng nguồn cung dầu thô từ Nga sẽ không bị gián đoạn khi bị phương Tây áp giá trần.

Theo Reuters dẫn cập nhật từ trang tin Oilprice, giá dầu brent được giao dịch mức 85,3 USD/thùng, dầu WTI giao dịch mức 78,1 USD/thùng. Mức giá này giảm mạnh so với ngày 22-11, khi dầu WTI là 79,73 USD/thùng, dầu brent là 97,79 USD/thùng.

Ngoài ra, các lo ngại về nguồn cung bị thắt chặt của thị trường cũng được trấn an khi Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ cho biết dự trữ xăng và các sản phẩm chưng cất của Mỹ trong tuần trước cùng tăng mạnh.

VĨ CƯỜNG

Xem thêm: lmth.484907tsop-yat-gnouhp-auc-iac-hnart-yag-agn-uad-aig-pa-hnel-meht-court/nv.olp

“Trước thềm lệnh áp giá dầu Nga gây tranh cãi của phương Tây”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools