Nhiều thế kỷ trước, Ayutthaya (cố đô của Thái Lan) từng là một trong những đô thị lớn nhất thế giới, được bao bọc bởi ba con sông đổ ra biển lớn, và đưa Vương quốc Thái Lan trở thành một trung tâm ngoại thương chiến lược.
Còn ngày nay, một "con đường tơ lụa mới" của thế kỷ 21 đang dần thành hình, và Thái Lan đặt nhiều kỳ vọng vào "dự án lớn" ấy: Một mạng lưới tàu cao tốc trị giá 12 tỷ USD đóng vai trò như một liên kết đường sắt trong ASEAN, kết nối Trung Quốc với Lào, Thái Lan và Malaysia đến các cảng nhộn nhịp của Singapore.
Kỳ vọng của Thái Lan
Thời báo Hoàn Cầu dẫn lời một nhà nghiên cứu cấp cao của Thái Lan cho biết, tuyến đường sắt cao tốc Trung Quốc - Lào - Thái Lan được kỳ vọng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường kết nối trong khu vực, đồng thời rút ngắn thời gian và chi phí vận chuyển so với hiện tại.
Cụ thể, ông Nattaporn Triratanasirikul, Phó giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu Kasikorn có trụ sở tại Bangkok (KResearch) cho biết: Mặc dù tuyến đường sắt này vẫn đang trong quá trình xây dựng, nhưng sau khi hoàn thành, nó sẽ trở thành một phần "cơ sở hạ tầng xương sống" cho trao đổi thương mại giữa hai nước Thái-Trung.
Tuyến đường sắt cao tốc giữa Lào và Trung Quốc đã hoàn thành và được chính thức vận hành vào tháng 12/2021. Theo ông Triratanasirikul, Thái Lan cũng đã được hưởng lợi nhờ tuyến đường sắt cao tốc Trung - Lào. KResearch ước tính tuyến vận tải mới của nước bạn giúp cắt giảm khoảng 30% chi phí vận tải đường bộ và tiết kiệm khoảng 50% thời gian vận chuyển.
Dữ liệu từ KResearch cho thấy tổng kim ngạch thương mại giữa Thái Lan và Trung Quốc thông qua tuyến đường này đạt 11 tỷ baht (tương đương 307 triệu USD), chiếm 5,3% tổng kim ngạch thương mại xuyên biên giới giữa Thái Lan và Trung Quốc.
Trong đó, sản phẩm xuất khẩu của Trung Quốc sang Thái Lan qua tuyến vận tải mới trị giá 9,4 tỷ baht, bao gồm phân bón, ô tô và thiết bị y tế - còn phía Thái Lan đã xuất khẩu số hàng hóa trị giá 1,5 tỷ baht sang Trung Quốc thông qua tuyến đường mới, chủ yếu là trái cây và một số mặt hàng điện tử.
Ông Triratanasirikul cho biết phía Trung Quốc đã tạo điều kiện để Thái Lan xuất khẩu nông sản và các mặt hàng dễ hư hỏng khác sang nước này thông qua tuyến đường sắt cao tốc Trung - Lào, đồng thời kỳ vọng rằng chi phí và thời gian vận chuyển sẽ giảm sâu hơn nữa sau khi tuyến đường sắt cao tốc Trung Quốc - Lào - Thái Lan hoàn thành.
Người dân Thái Lan nghĩ gì về dự án này?
Theo CGTN , kể từ khi hệ thống đường sắt ra đời ở Thái Lan, đây có lẽ là bước đi táo bạo đầu tiên nhằm nâng cấp mạng lưới đường sắt ở quy mô lớn.
Một người dân ở Ayutthaya có tên Dusita Saokaew cho biết: "Đã hơn một thế kỷ trôi qua kể từ khi Thái Lan có tuyến xe lửa đầu tiên giữa Bangkok và Ayutthaya. Kể từ đó, Thái Lan hầu như không có nhiều tiến bộ về mạng lưới đường sắt. Những tuyến đường sắt từ xưa đã cũ và lạc hậu. Tàu chạy với tốc độ trung bình 40km/h. Từ lâu nay, Thái Lan đã mơ về đường sắt cao tốc."
Đối với những người như anh Saenkom Chanummao, 3 năm đại dịch vừa qua thật khó khăn khi anh khó kiếm được việc làm. Nhưng giờ đây anh đã có thu nhập ổn định nhờ công việc thợ hàn trong dự án xây dựng đường sắt cao tốc Trung - Thái.
Cô Pannaros Boonserm, 32 tuổi, đã chia sẻ với Tân Hoa Xã về thời thơ ấu của mình, khi gia đình cô ở Chiang Mai, còn ông bà cô lại ở tỉnh Nakhon Ratchasima, Đông Bắc Thái Lan.
Pannaros còn nhớ như in những ngày cha mẹ phải ngồi tàu hỏa rất lâu để về thăm ông bà, còn đối với cô thì việc ngắm nhìn khung cảnh thị trấn chậm rãi đi qua bên ngoài cửa sổ tàu hỏa là ký ức cô sẽ không bao giờ quên.
Hiện tại, Pannaros làm phiên dịch viên trong dự án xây dựng đường sắt Trung - Thái. Cô hy vọng rằng tuyến đường sắt cao tốc Trung - Thái sẽ sớm hoàn thành và đi vào hoạt động càng sớm càng tốt, vì các đoàn tàu chậm khiến người dân kiệt sức trên chặng đường dài.
"Ông bà của tôi đã ngoài 80 tuổi. Ông bà muốn đi thăm bạn bè ở Bangkok, nhưng lại lo lắng về việc phải di chuyển trong thời gian dài. Đó là lý do tại sao ông bà tôi rất vui mừng khi biết rằng tuyến đường sắt cao tốc đang được xây dựng", Pannaros nói.
Tuyến đường sắt Trung - Thái - một phần quan trọng của mạng lưới đường sắt xuyên Á - sẽ là tuyến đường sắt tốc độ cao khổ tiêu chuẩn đầu tiên của Thái Lan. Đoạn đầu tiên giữa thủ đô Bangkok của Thái Lan và tỉnh Nakhon Ratchasima, dự kiến sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ hơn 4 tiếng xuống chỉ còn hơn 1 tiếng.
"[Tuyến đường sắt này] mang lại cho chúng tôi hy vọng," Pannaros nói. Cô tin rằng tuyến đường sắt sẽ không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển của người dân địa phương, mà còn giúp ngành du lịch phục hồi và tăng trưởng kinh tế tại các địa phương nơi đoàn tàu đi qua.
Pannaros từng theo học Đại học Nam Khai ở thành phố Thiên Tân, phía Bắc Trung Quốc trong vài năm, và đã đi đến nhiều nơi ở Trung Quốc, đồng thời chứng kiến đường sắt cao tốc đã cải thiện mức sống của người dân địa phương như thế nào.
"Tôi cũng rất mong đợi tuyến đường sắt Trung Quốc - Lào - Thái Lan chính thức vận hành. Đến lúc đó, tôi có thể đi tàu từ Bangkok đến Côn Minh (Trung Quốc)", cô nói.
Ông Ma Shengshuang, Tổng giám đốc Tổng công ty Thiết kế Đường sắt Trung Quốc (Chi nhánh Thái Lan), công ty giám sát dự án xây dựng giai đoạn một của tuyến đường sắt cao tốc Trung - Thái, cho biết tiến độ xây dựng đã tăng tốc sau khi Thái Lan nới lỏng các biện pháp hạn chế để phòng dịch COVID-19.
Đối với ông Viroj Lubkritcom, một kỹ sư 59 tuổi người Thái Lan, tuyến đường sắt cao tốc Trung -Thái không chỉ đơn giản là một dự án cơ sở hạ tầng kết nối giữa các nước, mà còn là thứ thúc đẩy mối quan hệ giữa người với người.
Với kinh nghiệm làm giám sát dự án 35 năm, ông Viroj hiện đang làm việc tại Tổng công ty Thiết kế Đường sắt Trung Quốc (Chi nhánh Thái Lan).
Ông nói: "Chúng tôi đã và đang hợp tác chặt chẽ với các đồng nghiệp Trung Quốc. Thông qua hợp tác và trao đổi với họ, chúng tôi đã thu được rất nhiều kinh nghiệm, cả về xây dựng đường sắt và quản lý dự án"./.