“Nghị quyết 24 đưa ra các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp mang tính đột phá, thể hiện rất rõ tinh thần đổi mới, ý chí rất cao của Đảng, quyết tâm tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc phát triển vùng Đông Nam Bộ, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra”.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng |
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng trao đổi với Pháp Luật TP.HCM trước thềm hội nghị triển khai chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 24/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và xúc tiến đầu tư vùng.
Xác định rõ lợi thế vùng
. Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, Nghị quyết 24 liệu có thể coi là một trong những mảnh ghép trong bức tranh tổng thể về diện mạo của đất nước trong tương lai hay không?
+ Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Đây là một trong năm nghị quyết đã được Bộ Chính trị ban hành về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đối với các vùng kinh tế - xã hội trên cả nước. Cụ thể là các vùng ĐBSCL, vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, vùng Tây Nguyên, vùng Đông Nam Bộ và vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ. Dự kiến sắp tới Bộ Chính trị sẽ tiếp tục ban hành nghị quyết đối với vùng đồng bằng sông Hồng nhằm phát triển tổng thể các vùng trong cả nước.
Có thể thấy các nghị quyết đối với các vùng đều có vị trí, vai trò vô cùng quan trọng, thể hiện đường lối, chủ trương phát triển của Đảng đối với từng vùng, dựa trên những tính chất đặc trưng về điều kiện địa lý, con người, văn hóa, xã hội, kinh tế, quốc phòng, an ninh… của từng vùng nhằm khắc phục những khó khăn, thách thức, đồng thời phát huy tối đa những tiềm năng, thế mạnh trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước.
Tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây kết nối giao thông các tỉnh vùng Đông Nam Bộ. Ảnh: HOÀNG GIANG |
. Riêng với Đông Nam Bộ, Nghị quyết 24 đưa ra các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp với tính chất thế nào, thưa Bộ trưởng?
+ Những quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đều mang tính đột phá, thể hiện rất rõ tinh thần đổi mới, ý chí rất cao của Đảng, quyết tâm tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc phát triển vùng Đông Nam Bộ, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
Chỉ xét riêng các mục tiêu đến năm 2030, chúng ta đã thấy có nhiều điểm hết sức mới mẻ, đột phá và hiện đại.
Chẳng hạn Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước; trung tâm khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh cao trong khu vực.
Đông Nam Bộ phải đi đầu trong đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Phát triển nhanh hệ thống đô thị thông minh và hiện đại. Cơ bản hoàn thành hệ thống giao thông kết nối nội vùng, liên vùng và khu vực; đầu mối giao thương, hội nhập khu vực và thế giới.
Trong các nhiệm vụ, giải pháp thì nhiệm vụ, giải pháp về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và hoàn thiện kết cấu hạ tầng, đô thị được bổ sung mới so với các nghị quyết khác. Điều này là để nhấn mạnh động lực phát triển đột phá của vùng là khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.
Nghị quyết 24 về phát triển vùng Đông Nam Bộ không nằm độc lập, tách rời với các nghị quyết về phát triển các vùng khác trong cả nước mà có sự tương hỗ, bổ trợ, gắn kết chặt chẽ với nhau.
Đông Nam Bộ phải đi đầu trong đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số, phát triển nhanh hệ thống đô thị thông minh, kết nối nội vùng, liên vùng, đầu mối giao thương, hội nhập khu vực và thế giới.
Điều phối thông qua hội đồng vùng
. Theo Bộ trưởng, các tỉnh vùng Đông Nam Bộ cần phải “điều hòa” với nhau thế nào để thực hiện các nhiệm vụ mà trung ương giao?
+ Trong quá trình lập quy hoạch cho các vùng hay thực hiện các nhiệm vụ mà trung ương giao, không tránh khỏi việc phải giải quyết các vấn đề vượt ra khỏi phạm vi một địa phương, đó là các vấn đề mang tính liên kết giữa các tỉnh trong nội vùng hoặc liên vùng.
Việc các địa phương “điều hòa” với nhau là cần thiết, thông qua cơ chế hoạt động, điều phối của hội đồng điều phối vùng, nhằm giải quyết các xung đột về lợi ích giữa các địa phương và các vướng mắc khác có thể xảy ra.
Ngoài ra, việc điều hòa, phối hợp giữa các địa phương khi thực hiện các nhiệm vụ liên vùng và các nhiệm vụ do trung ương giao thông qua hội đồng điều phối vùng còn bảo đảm sự thống nhất trong quá trình triển khai, tiết kiệm thời gian và tránh lãng phí nguồn lực, tăng sức cạnh tranh của các địa phương trong vùng. Những điều này, Tổng bí thư và Bộ Chính trị đã quán triệt và Nghị quyết 154 của Chính phủ đã nói rất rõ.
. Nghị quyết 24 và Chương trình hành động của Chính phủ có nhiều vấn đề định hướng là thí điểm. Trong khi đó, yêu cầu để phát triển bền vững là thể chế phải ổn định, pháp luật phải tiên lượng được…
+ Đúng là để phát triển bền vững thì thể chế phải ổn định, pháp luật cần tiên lượng được các tình huống khác nhau. Tuy nhiên, việc thí điểm những mô hình, cơ chế, chính sách mới đối với một số địa phương có những ưu điểm.
Vì các cơ chế, chính sách mới chưa được pháp luật quy định, trong khi việc đưa các cơ chế, chính sách mới này chỉ phù hợp với một hoặc một số địa phương có điều kiện thuận lợi nhất định nhằm phát huy hết những thế mạnh, thuận lợi để địa phương đó nhằm phát triển mạnh mẽ. Mặt khác, các cơ chế, chính sách mới này nếu đưa vào luật hóa sẽ mất nhiều thời gian đánh giá, thẩm định tác động đối với các địa phương không phù hợp, tốn nhiều thời gian, mất đi cơ hội phát triển của các địa phương có thể áp dụng ngay các cơ chế, chính sách đó.
Tàu cập càng Cái Mép - Thị Vải. Ảnh: TK |
Cuối cùng, nếu kết quả thí điểm cơ chế, chính sách cho thấy hiệu quả, phù hợp thì có thể luật hóa, nhân rộng trong toàn quốc, nâng chính sách, pháp luật lên một chuẩn mới và sẽ tiếp tục thí điểm để lên chuẩn mới cao hơn nữa.
Hôm nay, với chủ đề “Tư duy mới - Đột phá mới - Giá trị mới”, tại Bà Rịa-Vũng Tàu, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ chủ trì hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 24/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ.
Đây là hội nghị “3 trong 1”, được tổ chức với mục đích công bố chương trình hành động của Chính phủ, đồng thời xúc tiến đầu tư trong nước, quốc tế, các đối tác phát triển trong việc đồng hành với Chính phủ triển khai các chương trình, dự án đầu tư có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của vùng Đông Nam Bộ.
Khẩn trương có kế hoạch hành động
. Chúng ta đã có một số hội đồng điều phối vùng. Nghị quyết 24 thì yêu cầu “Nghiên cứu xây dựng, thể chế hóa cơ chế điều phối và kết nối phát triển vùng” cho Đông Nam Bộ. Trong khi đó, Hiến pháp, Luật Tổ chức chính quyền địa phương… chưa quy định về vùng.
+ Hiến pháp 2013 và các pháp luật hiện hành chưa quy định vùng là cấp hành chính, chưa quy định là cấp ngân sách, do đó các vấn đề về vùng chưa có thể chế đủ mạnh để quy định và giải quyết triệt để.
Thực tế đã phát sinh các vấn đề về vùng, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương, giữa địa phương và trung ương để cùng giải quyết. Chẳng hạn như xử lý môi trường giữa đầu nguồn và hạ nguồn các dòng sông chảy qua nhiều tỉnh, thành hoặc các vấn đề liên kết về phát triển, đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực trong một vùng.
Trong khi các cấp hành chính không gồm cấp vùng như hiện nay thì cần thiết nghiên cứu, đề xuất và áp dụng các mô hình có tính vùng, bảo đảm phù hợp với quy định hiện hành để góp phần giải quyết các vấn đề về liên kết vùng.
. Vậy chúng ta cần các bước “thể chế hóa” như thế nào để tăng quyền lực thực chất cho hội đồng điều phối vùng?
+ Tôi cho rằng: Các hội đồng điều phối vùng đã được thành lập cần tăng cường các hoạt động liên kết, thể hiện vai trò là tổ chức tham mưu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, nhiệm vụ, dự án có quy mô vùng và có tính chất liên kết vùng và phát triển bền vững.
Đồng thời, tăng cường các hoạt động điều phối liên kết mà vùng có điều kiện thuận lợi. Các bộ, ngành, địa phương phối hợp với hội đồng điều phối vùng trong khai thác, sử dụng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quy hoạch vùng và hệ thống cơ sở dữ liệu liên quan phục vụ phát triển xanh, bền vững và toàn diện các vùng kinh tế - xã hội trong cả nước.
. Theo Bộ trưởng, chúng ta cần làm gì để mau chóng biến nghị quyết thành tiền, thành của cải… phục vụ phát triển không chỉ cho Đông Nam Bộ mà còn cho cả nước?
+ Các bộ, ngành và các tỉnh, TP trong vùng cần khẩn trương ban hành các kế hoạch hành động cụ thể, trên cơ sở các nhiệm vụ được giao, chủ động và quyết liệt triển khai các nhiệm vụ cụ thể nhằm hiện thực hóa các mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra tại Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị, thể hiện vị trí, vai trò là đầu tàu kinh tế, động lực phát triển của cả nước.
Đồng thời, huy động sự tham gia, chung sức, đồng lòng của lãnh đạo các công ty, doanh nghiệp trong khu vực tư nhân theo quy định. Điều này nhằm tạo ra sự liên kết, điều phối hiệu quả, đi vào thực chất vấn đề để giúp các vùng phát triển.
. Xin cám ơn Bộ trưởng.
Đồng hành cùng TP.HCM lập Trung tâm tài chính quốc tế
Về việc thành lập Trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay là chủ trương đúng đắn, phù hợp với Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị và Văn kiện Đại hội Đảng XIII.
Để cụ thể hóa các nhiệm vụ tại Nghị quyết 24, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 154/2022, trong đó đề ra các nhiệm vụ, đề án, dự án cụ thể để giao các bộ, ngành triển khai thực hiện.
UBND TP.HCM được giao lập đề án thí điểm một số cơ chế, chính sách đột phá, vượt trội, cạnh tranh quốc tế để xây dựng TP.HCM thành trung tâm tài chính quốc tế nhằm phát huy tối đa lợi thế của TP.
Bởi hiện TP đang là địa phương tập trung các định chế tài chính quốc tế, có thể thu hút sự dịch chuyển các dòng vốn của các nhà đầu tư nước ngoài trong khu vực châu Á.
Chúng ta phải khẩn trương hoàn thành Đề án xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM như nghị quyết đã đề ra; tranh thủ, tận dụng thời cơ “ngàn năm có một” để xây dựng, phát triển TP.HCM như đã từng được mệnh danh là “Hòn ngọc viễn đông”.
Bộ KH&ĐT sẽ luôn đồng hành cùng TP để nghiên cứu kỹ lưỡng các cơ chế, chính sách đặc thù, mang tính đột phá, đồng thời lựa chọn mô hình phát triển phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam, bảo đảm tính cạnh tranh với các trung tâm tài chính khác trong khu vực, phát huy được các lợi thế quốc gia nói chung và TP.HCM nói riêng.