Hôm thứ Sáu (25/11), Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã điều chỉnh giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc 25 điểm cơ bản đối với hầu hết các ngân hàng. Việc điều chỉnh sẽ có hiệu lực vào ngày 5/12 và sẽ bơm 500 tỷ nhân dân tệ (70 tỷ USD) thanh khoản vào nền kinh tế.
PBOC cho biết, việc cắt giảm này nhằm mục đích “giữ thanh khoản dồi dào hợp lý” và “tăng cường hỗ trợ cho nền kinh tế thực”, cũng như giúp các ngân hàng hỗ trợ các ngành bị thiệt hại bởi đại dịch Covid.
Việc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đã được báo trước vào đầu tuần này bởi Hội đồng Nhà nước trong nỗ lực nhiều hơn để củng cố sự phục hồi kinh tế. Ngân hàng trung ương cũng đã cắt giảm lãi suất cơ bản hai lần trong năm nay, với động thái gần đây nhất là vào tháng 8.
Động thái của PBOC được đưa ra sau những hành động quan trọng của chính phủ gần đây nhằm hỗ trợ nền kinh tế, bao gồm gói giải cứu cho lĩnh vực bất động sản và điều chỉnh một số chính sách hạn chế của Covid để giảm thiệt hại cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, triển vọng tăng trưởng vẫn còn nhiều thách thức. Sự phục hồi của thị trường nhà ở có thể sẽ chậm lại, trong khi các ca nhiễm Covid đã tăng lên mức cao kỷ lục, khiến các thành phố lớn như Bắc Kinh phải hạn chế việc di chuyển của người dân.
Các nhà kinh tế cho biết, Trung Quốc có thể sẽ phải đối mặt với một quá trình cố gắng mở cửa lại đất nước chậm chạp. Nomura tuần này đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2023 xuống còn 4%.
“Với sự bùng phát của Covid ngày càng gia tăng dẫn đến những hạn chế mới đối với hoạt động, và tăng trưởng toàn cầu đang chậm lại sẽ không dễ dàng cho nền kinh tế. Với triển vọng đó, chúng tôi kỳ vọng PBOC sẽ duy trì lập trường nới lỏng dần dần vào năm 2023. Ngoài ra, chúng tôi kỳ vọng PBOC sẽ cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc thêm 50 điểm cơ bản trong năm 2023”, David Qu, nhà kinh tế học của Bloomberg Economics cho biết.
Việc nới lỏng chính sách hoàn toàn trái ngược với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương lớn khác. Tuy nhiên, các quan chức Fed gần đây đã phát đi tín hiệu rằng họ có thể giảm tốc độ tăng lãi suất trong tương lai, điều này giúp đồng nhân dân tệ hồi phục sau khi mất giá mạnh so với đồng đô la.
Cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc là một cách để giải phóng thanh khoản dài hạn giá rẻ cho các ngân hàng, cho phép các ngân hàng có thể gia hạn thêm các khoản vay cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. Theo PBOC, động thái này sẽ tiết kiệm 5,6 tỷ nhân dân tệ (784 triệu USD) chi phí tài trợ mỗi năm cho các tổ chức tài chính đủ điều kiện hưởng lợi từ việc cắt giảm.
Bruce Pang, chuyên gia kinh tế trưởng và trưởng bộ phận nghiên cứu về Trung Quốc tại Jones Lang LaSalle Inc cho biết: “Động thái này sẽ giúp giảm vừa phải chi phí tài trợ cho các bên cho vay thương mại và khuyến khích gia hạn tín dụng, để giảm chi phí vay của các công ty và người tiêu dùng”.