Sáng 25-11, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp cùng Khoa Luật Trường Đại học Kinh tế Luật và Khoa Quản lý Nhà nước (CELG) - Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH) tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Tranh chấp Tài chính-Ngân hàng một số bàn luận và định hướng phương thức giải quyết hiệu quả”.
Buổi Toạ đàm nhằm giúp doanh nghiệp có thêm thông tin và gợi ý giải pháp hiệu quả cho tranh chấp tài chính - ngân hàng.
Toạ đàm có sự tham dự của TS Dương Kim Thế Nguyên-Trưởng khoa Luật UEH; TS Trần Huỳnh Thanh Nghị, Trưởng bộ môn Luật Kinh tế UEH; Trọng tài viên (TTV) VIAC Nguyễn Công Phú, nguyên Phó chánh toà kinh tế, TAND TP.HCM; Luật sư Trương Thanh Đức, trọng tài viên VIAC.
Đến với buổi toạ đàm người tham gia được các chuyên gia giới thiệu tổng quan về tài chính ngân hàng, các loại tranh chấp điển hình và hành lang pháp lý khi giải quyết tranh chấp. Bên cạnh đó là những bất cập vướng mắc trong quy định pháp luật và thủ tục giải quyết tranh chấp tại toà án.
Các chuyên gia đang giải đáp những câu hỏi của người tham dự tại buổi toạ đàm liên quan đến giải quyết tranh chấp Tài chính - Ngân hàng. Ảnh: ĐẶNG LÊ |
Trước băn khoăn của một giảng viên khoa Luật trường Đại học Kinh tế về thời gian trung bình để giải quyết tại toà án các vụ án kinh doanh thương mại nói chung và các vụ án tranh chấp liên quan đến tài chính ngân hàng nói riêng, TTV Nguyễn Công Phú cho biết khi giải quyết vụ án cả Toà án và Trung tâm trọng tài đều phải tiến hành xác minh và tống đạt các văn bản.
Tuy nhiên việc gửi, tống đạt văn bản cho các đương sự trong vụ án của Trung tâm trọng tài đơn giản hơn Toà án. Trung tâm trọng tài chỉ cần gửi thư cho đương sự là được coi là hợp lệ (dù thư có bị trả lại), trong khi đó việc tống đạt văn bản của toà án phải tống đạt hợp lệ theo quy trình và quy định thì vụ án mới được giải quyết (nếu tống đạt không hợp lệ rất dễ bị huỷ án).
Ngoài ra, TTV Phú cũng cho biết thêm nếu như phán quyết của Trung tâm trọng tài được mang đi thi hành ngay thì giải quyết bằng con đường toà án còn có cấp phúc thẩm, giám đốc thẩm nên thời gian giải quyết các vụ án kinh doanh thương mại thường kéo dài và quá thời hạn giải quyết theo quy định của Bộ Luật tố tụng dân sự. Trên thực tế xét xử các vụ án kinh doanh thương mại, vụ án liên quan đến tài chính ngân hàng thường có nhiều tình tiết phức tạp, nhiều người liên quan nên rất khó để xác định thời gian giải quyết trung bình một vụ án là bao lâu.
Trọng tài viên VIAC Nguyễn Công Phú đang trình bày tham luận tại buổi toạ đàm. Ảnh: ĐẶNG LÊ |
Về vấn đề này, Phó tổng thư ký VIAC Châu Việt Bắc cũng cho biết tại VIAC thời gian giải quyết các vụ án kinh doanh thương mại thường từ 4-6 tháng, nhanh hơn so với giải quyết bằng con đường toà án.
Về vấn đề thi hành phán quyết của Trung tâm trọng tài, TS Dương Kim Thế Nguyên chỉ ra rằng thi hành phán quyết trọng tài giống như thi hành bản án của toà. Theo đó, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được phán quyết trọng tài, nếu một bên có đủ căn cứ cho rằng phán quyết đưa ra không hợp lệ, cần phải huỷ thì có quyền làm đơn gửi Toà án có thẩm quyền yêu cầu huỷ phán quyết trọng tài.
Trường hợp hết thời hạn thi hành phán quyết trọng tài mà bên phải thi hành phán quyết không tự nguyện thi hành và cũng không yêu cầu huỷ phán quyết trọng tài thì bên được thi hành phán quyết trọng tài có quyền làm đơn yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành phán quyết trọng tài. Lúc này việc thi hành phán quyết trọng tài giống như thi hành bản án của toà.