Thầy Lê Hồng Vũ Minh, giáo viên tiếng Anh Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu ( TP.HCM), trong giờ lên lớp - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Là giáo viên dạy tiếng Anh và đảm nhiệm cả việc hỗ trợ học sinh khiếm thị hòa nhập giáo dục tại Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu từ năm 2011, thầy Lê Hồng Vũ Minh (39 tuổi) trăn trở về những cám dỗ từ mạng Internet với lứa học sinh hôm nay.
Sự trăn trở ấy được đúc kết từ chính hoàn cảnh của thầy khi năm 10 tuổi thầy đã không còn thấy ánh sáng.
Nỗ lực bù cho số phận
Kể câu chuyện đời mình, thầy Minh nói giờ nghĩ lại vẫn nghĩ còn chút "may mắn" khi biến cố khủng khiếp xảy ra lúc thầy còn quá nhỏ, chưa đủ hiểu hết mức độ sự việc.
Bên cạnh đó, những năm tháng đầu tiên khi mắt thôi thấy ánh sáng, thầy vào Trường Nguyễn Đình Chiểu gặp các bạn chung cảnh ngộ nên được chia sẻ rất nhiều.
"Những năm sau đó, cuốn theo guồng quay của việc tìm nơi chạy chữa và học các kỹ năng thích nghi với cuộc sống của một người mù ở Trường Nguyễn Đình Chiểu nên tôi dường như không có lúc nào để u buồn hay sầu não quá", thầy Minh nhớ lại.
Thế rồi câu chuyện về cậu bé có số phận nghiệt ngã cứ từng bước đi qua cuộc sống trong yêu thương của cha mẹ, sự hồn nhiên của tuổi thơ và nghị lực mạnh mẽ của những năm tháng trưởng thành sau này mới thật sự bắt đầu.
Chỉ sau hai năm đầu học hoàn toàn trong Trường Nguyễn Đình Chiểu, cậu bé Minh trở lại trường học bình thường để học cùng các bạn sáng mắt, bên cạnh việc tiếp tục duy trì các buổi học kỹ năng hòa nhập tại trường phổ thông đặc biệt.
Không sao kể hết những khó khăn từ các môn học "không dành cho người khiếm thị" như hình học, nhất là hình học không gian. Mọi thứ Minh đều tưởng tượng trong đầu, vẽ đồ thị cũng trong đầu...
Cứ thế, Minh hoàn thành các cấp học phổ thông, lấy được bằng cử nhân tại khoa ngôn ngữ Anh, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) rồi xuất sắc giành được học bổng du học tại Úc chuyên ngành giáo dục học.
"Thực sự ban đầu mình chưa có ý nghĩ sẽ trở về Trường Nguyễn Đình Chiểu theo nghiệp giảng dạy, nên sau khi tốt nghiệp đại học, mình đi làm cho một công ty.
Dù vậy, trong suốt thời gian đó, mình vẫn giữ liên hệ với các thầy cô, hỗ trợ nhà trường những việc có thể.
Cho tới một ngày mình biết trường cần một giáo viên dạy tiếng Anh và cũng cảm thấy dường như công việc này phù hợp, và mình trở về" - thầy Minh nhớ về một bước ngoặt đầy duyên nợ nhưng có lẽ không bất ngờ khi trở thành giáo viên tiếng Anh từ năm 2011 tại "tổ ấm" đặc biệt của thầy và nhiều người khiếm thị khác.
Cho đến nay trên thế giới vẫn chưa có chuyên ngành sư phạm nào chuyên đào tạo kỹ năng dạy ngoại ngữ cho người khiếm thị.
Nhưng với mong muốn giúp ích nhiều nhất cho những người đồng cảnh ngộ, khi đi du học bậc thạc sĩ tại Úc (2014 - 2016), thầy Minh đã chọn hai ngành học là kỹ năng sư phạm cho người khiếm thị và kỹ năng giảng dạy tiếng Anh. Hai ngành gộp lại xem như thành chuyên ngành sư phạm ngoại ngữ cho người khiếm thị.
Từng phải tự mày mò cách học ngoại ngữ khi mạng Internet chưa phổ biến, thầy Minh hiểu rõ những bất tiện ngày xưa và sự hỗ trợ tuyệt vời của công nghệ hôm nay.
Vì thế, ngoài những giờ lên lớp, thầy miệt mài tìm kiếm những phương pháp học tốt nhất cho học sinh của mình trên cơ sở tận dụng cả phương pháp truyền thống lẫn các tiện ích mới.
"Thời của mình chỉ có chữ nổi, còn nay đã có thêm máy tính, sách nói, mạng Internet nên việc học của các em thuận lợi hơn nhiều", thầy chia sẻ.
Cô Nguyễn Thị Thanh Huệ, hiệu trưởng Trường Nguyễn Đình Chiểu, không giấu sự ngưỡng mộ và tự hào về đồng nghiệp của mình khi chia sẻ:
"Mình là người sáng mắt mà học ngoại ngữ còn khó khăn, vậy mà thầy Minh, bằng kiến thức rất sâu và có những phương pháp đặc biệt, đã giúp các em học sinh khiếm thị có thể tiếp cận môn học này bình thường và nhẹ nhõm như các em sáng mắt".
Còn nhiều trăn trở vì học sinh
Tại Trường Nguyễn Đình Chiểu, bên cạnh việc dạy tiếng Anh, thầy Minh còn phụ trách các dự án giúp học sinh khiếm thị hòa nhập giáo dục. Thầy là người chuyên "gỡ rối" các khó khăn cho các em trong khi học ở trường ngoài. Trong vai trò này, theo cô Huệ, thầy Minh giống như một người anh trai.
"Sau mỗi buổi đến trường ngoài học chung với các bạn, gặp chuyện nọ chuyện kia như có em gặp khó khăn khi học thầy cô chỉ viết lên bảng mà các em thì không nhìn được, có những em vẫn còn bị kỳ thị... lại tìm về nhờ tôi tư vấn, tìm giải pháp", thầy Minh chia sẻ.
Cùng với chủ trương lớn của Chính phủ là tạo điều kiện tối đa cho người khiếm thị được hòa nhập giáo dục, trong các năm qua người khiếm thị đã được đi học đúng độ tuổi ở những trường gần nhà để tiện đi lại.
Song quá trình chuẩn bị và giải pháp giúp các em hòa nhập theo cách này cũng đặt ra rất nhiều thách thức.
"Có những trường còn ngần ngại, không nhiệt tình trong việc tiếp nhận các em vì họ chưa thực sự tự tin về phương pháp giảng dạy vốn có những đặc thù riêng với người khiếm thị. Chúng tôi đã cố gắng hỗ trợ về chuyên môn để tháo gỡ điểm này", thầy Minh tâm sự.
Theo thầy Minh, điều đáng mừng là sau khi phía Trường Nguyễn Đình Chiểu tổ chức các chuyên đề chia sẻ kinh nghiệm và phương pháp giáo dục với người khiếm thị ở các môn học, một số thầy cô ở các trường phổ thông đã vui vẻ phản hồi lại, cho biết sau khi nắm được những đặc thù, họ thấy việc dạy các em không còn là thách thức nữa.
Nói đến đây, đôi mắt dù không còn nhìn thấy ánh sáng nhưng nhìn vào đấy ai cũng có thể cảm nhận niềm vui rạng rỡ của một cậu học sinh ngày nào đã hòa nhập với cuộc sống thế nào.
Suốt 3 tháng hè năm nay, cùng với nhiều thầy cô khác trong trường, thầy Minh không nghỉ hè mà dồn sức lo chuyển ngữ các cuốn sách tiếng Anh của chương trình giáo dục phổ thông mới cho học sinh lớp 6.
Vì có tới ba bộ sách giáo khoa tiếng Anh khác nhau và thông báo chính thức về bộ sách được chọn khá muộn nên việc "chuyển ngữ" sang chữ nổi Braille cho các em nên thầy Minh nói rằng bộ sách chưa thể hoàn thiện như mong muốn.
"Một trong những thách thức rất lớn là các sách dạy ngoại ngữ có nhiều hình ảnh và hình ảnh có rất nhiều chi tiết.
Chúng tôi phải quyết định việc chọn lọc và bỏ bớt hình nào để kịp tiến độ làm sách cho các em mà không bị ảnh hưởng nhiều tới kiến thức truyền đạt", thầy Minh chia sẻ và cho biết thêm lúc này việc "chuyển ngữ" sách vẫn đang tiếp tục.
Bạn học quên mất Minh là người khiếm thị
Anh Trương Việt Toàn, bạn học cùng thời đại học của thầy Minh, nói người bạn của mình là một tấm gương điển hình xuất sắc của ý chí và nghị lực vươn lên trong cuộc sống.
Suốt những năm tháng cùng chung giảng đường, bạn bè trong lớp luôn thấy ở Minh sự lạc quan, hóm hỉnh, vui tính, không lúc nào thấy bạn buồn hay bi quan.
"Mọi sinh hoạt cá nhân bạn đều tự làm, chỉ lúc đi học bạn mới cần nhờ người dẫn từ nhà trọ đến trường. Nhưng Minh rất nhớ đường, nhiều khi tôi lái xe chở Minh mà bạn còn chỉ đường cho chạy" - anh Toàn nhớ lại.
Nói về việc học tiếng Anh, anh Toàn nói bạn mình rất giỏi cả bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Bạn Minh của anh cũng luôn tham gia rất tích cực các hoạt động chung của lớp cũng như những hoạt động ngoại khóa khác khiến nhiều lúc mọi người gần như quên mất Minh là người khiếm thị.
Giành giật học sinh với những "điểm tối" của mạng Internet
Điều thầy Minh trăn trở nhất có lẽ ít ai ngờ là ảnh hưởng tiêu cực của mạng Internet cũng đang thâm nhập sâu vào thế giới của người khiếm thị khi công nghệ đã giúp học sinh tiếp cận thế giới mạng dễ dàng hơn.
Theo thầy Minh, trước đây khi Internet chưa phổ biến, các học sinh khiếm thị có nhiều thời gian cho âm nhạc và rất nhiều tài năng trong lĩnh vực này đã xuất hiện.
Nhưng nay, ngoài thời gian cho việc học và sinh hoạt cá nhân, nhiều người khiếm thị đã "đốt" thời gian trên mạng xã hội và vì thế số người có đam mê và tài năng âm nhạc đã giảm đi rất nhiều. Đây là thực tế mà nhiều thầy cô giảng dạy âm nhạc trong Trường Nguyễn Đình Chiểu nhận ra trong các năm qua.
"Tôi vẫn thường nói với các em học sinh, người khiếm thị rằng làm gì cũng cần nhiều thời gian hơn người sáng mắt, nghĩa là luôn phải tốn công sức nhiều hơn nên đừng lãng phí thời gian vào những việc vô bổ trên mạng. Nhưng điều này không đơn giản. Chúng tôi thực sự đang phải "giành giật" các em trước những cám dỗ mạng", thầy Minh tâm sự.
TTO - Trên chiếc xe Dream cũ, túi xách đeo vai với sổ ghi chép, chiếc iPad và máy ảnh mini, ông rong ruổi khắp nơi, lúc đồng bằng, khi miền núi, biển. Không gian sưu tầm, nghiên cứu của ông không chỉ ở tỉnh Phú Yên mà còn mở ra nhiều tỉnh, thành.
Xem thêm: mth.67741542262112202-iad-ioht-cuht-hcaht-ev-ort-nart-um-oaig-yaht/nv.ertiout