Cristiano Ronaldo (bìa trái) thất vọng sau bàn thắng không được công nhận vì công nghệ SAOT và IMU bắt lỗi việt vị trong trận BĐN - Ghana 3-2 - Ảnh: TR.N.
Ở đây từ 7h đã có những lao công quét dọn cho mọi ngóc ngách sạch tinh tươm, từ tiền sảnh đến nhà vệ sinh. Qatar không chỉ là một quốc gia rất an toàn mà còn sạch sẽ từ nhà vệ sinh sạch ra.
Nơi nào cũng sạch tinh
Anh bạn người Qatar Abdulaziz rót mời chúng tôi một tách trà vị bạc hà được ưa chuộng ở vùng Ả Rập, nói chuyện một hồi đồng hồ điểm đúng ngọ, anh hỏi có muốn lên tầng trên tháp Bin Zaid để cầu nguyện tập thể không.
Phòng vệ sinh cạnh nhà nguyện có nhiều người xếp hàng lúi húi rửa mặt, tay chân sạch sẽ theo nghi thức "Wudu" (làm sạch cơ thể) trước khi sang nơi cầu nguyện bước vào bên trong. Việc lau rửa thật sạch sẽ là rất quan trọng với các tín đồ Hồi giáo như Abdulaziz.
Hầu hết những nơi công cộng mà chúng tôi đến ở Qatar đều có nơi cầu nguyện. Không sạch thì sao tôn nghiêm cho được. Ở các siêu thị cũng có các gian phòng cầu nguyện nên thường có những người lao công cần mẫn quét dọn, lau chùi đảm bảo cho nơi đây luôn sạch sẽ.
Lực lượng người nhập cư đã đảm trách việc tạo nên một bộ mặt quốc gia ngăn nắp, sạch sẽ ở khắp mọi nơi, cộng thêm ý thức người dân bỏ rác đúng nơi quy định nên nước chủ nhà World Cup gây ấn tượng mạnh về sạch đẹp.
Tại các sân đấu và khu trại lưu trú dành cho các CĐV, ở mọi nơi từ siêu thị đến ngoài đường, chúng tôi thấy các thùng rác ở Qatar được phân loại rác thải rất tốt.
Có nơi đặt hai thùng tái chế và không tái chế. Có nơi phân loại kỹ hơn nữa với bốn thùng (rác giấy, chai và ly nhựa, rác tái chế, rác phân hủy). Việc bỏ rác phân loại được giáo dục từ nhỏ đối với các trẻ em ở Qatar.
Có gì ở kỳ giải "trung hòa carbon"?
Với nỗ lực làm cho FIFA World Cup 2022 là kỳ giải "trung hòa carbon" đầu tiên, Qatar thiết lập các tiêu chuẩn toàn cầu trong lĩnh vực bảo vệ môi trường để trở thành hình mẫu cho các sự kiện thể thao lớn trong tương lai.
Một giải đấu trung hòa carbon có nghĩa là đạt được sự cân bằng trong lượng khí thải carbon do khí thải xe cộ, quá trình tạo ra năng lượng và đảm bảo rằng tỉ lệ carbon trong không khí không tăng lên để tránh xảy ra hoặc làm trầm trọng thêm nhiều vấn đề môi trường như sự nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu.
Qatar đánh giá mức độ bền vững của các sân vận động theo các hạng mục khác nhau, bao gồm thiết kế, xây dựng, sử dụng năng lượng và nước, các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về môi trường. Ở tất cả tám sân vận động World Cup đều có lắp đặt các trạm đo chất lượng không khí, khí thải và bụi.
Khoảng 80% chất thải từ việc xây dựng các sân vận động World Cup được tái chế, theo nhật báo Gulf Times. Kết quả, tám sân vận động ở Qatar đạt được các chứng chỉ 4 và 5 sao từ Hệ thống Đánh giá bền vững toàn cầu (GSAS) và Tổ chức Nghiên cứu phát triển Vùng Vịnh (GORD).
Nhằm thúc đẩy các mục tiêu về phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc và Tầm nhìn quốc gia "Qatar 2030", nước chủ nhà World Cup đã triển khai nhiều chương trình và kế hoạch hiệu quả nhằm giảm lượng khí thải carbon có hại cho sức khỏe và khí hậu đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các địa phương trong nước.
Kỹ sư và chuyên gia về môi trường Abdulrahman Al Muftah đánh giá Qatar tìm cách đạt được "trung hòa carbon" khi đăng cai World Cup nhờ thực hiện bốn mục tiêu chính, trong đó có việc đổ tiền đầu tư vào các dự án xanh và thân thiện với môi trường (hôm 25-11, Qatar công bố mục tiêu trồng 1 triệu cây xanh trên toàn quốc vốn là sa mạc), đồng thời nâng cao mức độ nhận thức về môi trường đối với các công ty xây dựng và người dân.
Chúng tôi và CĐV từ hơn 100 quốc gia đến Qatar xem World Cup đã tận hưởng mạng lưới giao thông tiên tiến của nước này sử dụng tàu điện không người lái tiết kiệm năng lượng và đội xe buýt điện chuyên chở khách đi khắp nơi.
Chỉ trong 4 ngày đầu tiên của World Cup, đã có 2,4 triệu lượt người đi metro ở thủ đô Doha và xe tram ở TP Lusail. Những thành công từ World Cup giúp Bộ Giao thông vận tải Qatar đẩy mạnh hơn chiến lược sử dụng phương tiện giao thông điện và năng lượng tái tạo ở nước này.
Người Qatar tự hào xây các sân phục vụ World Cup hướng theo tiêu chuẩn "trung hòa carbon" - Ảnh: TR.N.
Công nghệ phục vụ World Cup
Tại World Cup 2022 này, ngoài VAR thì FIFA còn áp dụng nhiều công nghệ hiện đại khác để đảm bảo tính công bằng, chính xác trong quyết định của trọng tài. Công nghệ việt vị bán tự động (SAOT) và quả bóng Al Rihla gắn chip đo lường quán tính (IMU) cung cấp dữ liệu chuyển động chính là hai nét mới tiêu biểu nhất.
Đây là nỗ lực từ bộ phận công nghệ & sáng tạo bóng đá của FIFA. Ông Johannes Holzmuller, người đứng đầu bộ phận, tiết lộ với các nhà báo rằng họ đã thử nghiệm, được ủng hộ từ nhiều trường đại học trên thế giới và "nay kiểm nghiệm lần cuối tại Qatar".
Dù áp dụng lần đầu tiên song SAOT và IMU nhanh chóng phát huy tác dụng tại giải đấu khi từ chối không công nhận những bàn thắng "việt vị vài cm" của Ecuador (trận khai mạc) hay Argentina (trận thua Saudi Arabia).
Chủ tịch Ủy ban trọng tài FIFA Pierluigi Collina đã đúng khi khẳng định rằng công nghệ mới "giúp đội ngũ trọng tài ra quyết định nhanh và chính xác hơn". Dẫu cho vẫn còn ý kiến tranh cãi là công nghệ khiến người hâm mộ và cầu thủ hụt hẫng cảm xúc trong thời gian chờ quyết định lại từ VAR, song suy cho cùng thì đội nào cũng sẽ có dịp hưởng lợi từ sự công bằng trong cuộc chơi.
Sự kiện nhiều trận đấu ở World Cup 2022 được cộng thêm phút bù giờ (tổng cộng hơn 100 phút), thậm chí trận Anh thắng Iran 6-2 được cộng thêm 24 phút khiến nhiều người hâm mộ ngạc nhiên.
Thật ra không có gì ngạc nhiên, đơn giản là công nghệ đã giúp các trọng tài tính toán chính xác hơn những phút bù giờ. Ông Collina nói người hâm mộ "đừng ngạc nhiên nếu như trọng tài thứ tư giương biển báo hiệp đấu được công thêm sáu, bảy hay tám phút nữa".
Trên thực tế, những phút bù giờ được tính toán chính xác nhờ công nghệ mới đã tạo ra những giây phút hồi hộp bậc nhất cho khán giả theo dõi World Cup.
Và có những bàn thắng phút bù giờ làm vỡ òa người hâm mộ như trận Iran thắng Xứ Wales 2-0 hôm 25-11. "Chúng tôi như vỡ tim vì hạnh phúc bất ngờ", Hosseini, một CĐV Iran ở Qatar, nói.
Những ngày tác nghiệp World Cup 2022 ở Qatar, những nhà báo tiếp xúc với công nghệ hầu như trong mọi quy trình làm việc. Khâu kiểm tra an ninh ra vào trung tâm báo chí hay sân vận động đều được quản lý dễ dàng bằng QR Code.
Với những nhà báo không có vé vào sân thì vẫn có thể trải nghiệm công nghệ mới mà FIFA đưa vào áp dụng là xem màn hình "sân vận động ảo" chiếu trận đấu, đồng thời được cung cấp mọi số liệu thống kê chi tiết qua đồ họa.
Trong khi đó, các CĐV cũng tận hưởng mọi thông tin kỹ thuật số cung cấp từ FIFA+ hay Hayya app của ban tổ chức phía Qatar.
Tuần đầu giải đấu ghi nhận nhờ công nghệ thuận tiện qua điện thoại thông minh cầm tay mà hơn 500.000 cuộc gọi và 300.000 email từ các fan đã gửi đến Trung tâm liên lạc giải đấu hỏi thăm mọi điều về giao thông, chốn ở, sân vận động... tại Qatar.
TTO - World Cup không chỉ có bóng đá - đó là điều chúng tôi cảm nhận khi quan sát thấy trong những ngày này tại Qatar.
Xem thêm: mth.79265729072112202-om-uhn-hcas-puc-dlrow-iouc-yk-puc-dlrow-mex-rataq-id/nv.ertiout