“Không có nhu cầu”
“Tôi là người nuôi bệnh nhân (BN), sau khi người nhà tôi được chuyển điều trị tại khu A thì hằng ngày nhân viên mặc áo căn tin Bệnh viện (BV) Phạm Ngọc Thạch tới ép BN lấy cơm buổi trưa và buổi chiều, 1 giường bệnh ít nhất 1 phần cơm/bữa”, một người nuôi bệnh tên S. nói với PV Thanh Niên. Cũng theo ông S., vì không có nhu cầu ăn cơm căn tin BV nên ông phản đối, nhưng nhân viên căn tin vẫn mặc nhiên để phần cơm trên giường bệnh và nói là làm theo ý bác sĩ, tiền cơm sẽ thanh toán khi ra viện. Mỗi suất cơm có giá 30.000 đồng.
“Tôi không biết tại đây có lợi ích nhóm gì không mà ép buộc BN và người nhà như vậy, dù hằng ngày vẫn có nhiều đoàn từ thiện tới phát cơm cho người khó khăn, rất đỡ được chi phí. Đâu phải ai cũng có nhu cầu ăn cơm của căn tin nhưng vẫn bị ép mua cơm. Sự việc gây bức xúc rất lớn cho BN và người nuôi bệnh. Nếu đặt cơm theo nhu cầu BN thì không có gì để nói”, ông S. đặt vấn đề.
Nhân viên dùng xe chuyên dùng tiêm thuốc để vận chuyển cơm đi giao tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch DUY TÍNH |
Từ phản ánh của ông S., PV Thanh Niên vừa qua đã có mặt ghi nhận tại lầu 1, khu A của BV Phạm Ngọc Thạch. Gần giờ cơm trưa, một nhân viên mặc áo màu xanh có chữ BV Phạm Ngọc Thạch đẩy chiếc xe tiêm thuốc chuyên dụng nhưng chất đầy suất ăn đi dọc hành lang. Trên xe, một đầu có 2 thùng màu vàng chứa chất thải nguy hại và một đầu vẫn còn chứa nhiều bơm, kim tiêm chưa sử dụng. Trên từng bọc cơm có đánh số tầng, phòng và giường. Cô nhân viên vào từng phòng và đưa cơm tận tay hoặc để trên giường BN.
Chị H., đang nuôi cha bệnh 2 tuần qua tại BV Phạm Ngọc Thạch, cho hay nhân viên ở đây nói BN “phải ăn theo chế độ của BV, mỗi ngày 2 cữ”. Nhưng cha của chị H. bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, phải thở ô xy nên chỉ uống sữa, súp do nhà nấu mang vào. Chị H. nói không đăng ký thì BV không chịu, bắt buộc phải đăng ký, chị nhận cơm xong thì ngày ngày em gái mang về nhà. Các suất ăn gồm nhiều món tùy theo ngày như cá ba sa kho, thịt gà kho, sườn ram… và canh. “Cứ ăn buổi chiều xong là điều dưỡng mang giấy vào kêu đăng ký suất ăn cho ngày mai, cơm hoặc cháo”, chị H. cho biết.
Tính tiền cơm vào viện phí ?
Đi chăm mẹ ở tầng A2 mấy tháng nay, chị Th. (ngụ tỉnh Trà Vinh) cho biết ở phòng mỗi ngày BN đều ăn cơm BV. “Khi bắt đầu nhập viện, nằm giường là đã có người đăng ký suất cơm ở dưới cho mình rồi. Phần cơm đó người ta đăng ký cho BN, còn người nhà ăn gì có thể tự túc. Mỗi suất cơm 30.000 đồng, một ngày 2 cữ, tiền đó thêm luôn vào tiền viện phí”, chị Th. chia sẻ. PV hỏi nếu không muốn ăn thì không đăng ký được không, chị Th. trả lời: “Không được em ơi, phần cơm đó BN không muốn ăn thì người nuôi ăn, người nuôi ăn không nổi thì bỏ luôn, chứ tiền vẫn phải đóng”.
Bữa cơm được bác sĩ Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch hướng dẫn, tư vấn chế độ ăn phù hợp tùy theo bệnh lý gồm: cơm, giá hẹ xào bỏ chung với cơm, 4 miếng sườn ram, 1 bọc canh rau muống, giá 30.000 đồng/suất |
Cách đó vài phòng bệnh, ông K. (ngụ Bình Thuận) cho biết vào nuôi bệnh được gần 1 tháng và chi phí hiện đang khá tốn kém. Về phần ăn đăng ký cho người nhà ở BV, ông K. cho hay mỗi ngày có nhiều đoàn từ thiện phát cơm và cháo, ông vẫn xuống để xin, nhưng cơm BN thì vẫn phải đăng ký ở BV. “Cơm ở BV đăng ký cho BN rồi, mà mình không đăng ký thì người ta vẫn đem giấy vô cho đăng ký”, ông K. nói.
Ở tầng A4, bà Kh. cho biết người nhà muốn ăn cơm thì ra ngoài mua, còn BN ăn cơm BV. Mỗi BN đều đặn ngày 2 suất cơm, nếu khó khăn quá thì xin giảm xuống 1 suất, nhưng vẫn phải đăng ký “chứ không đăng ký thì họ không chịu”. “Người ta nói ăn theo chế độ của họ nhưng cũng y như ngoài chứ có khác gì đâu”, bà Kh. đặt vấn đề.
Bệnh viện nói “không ép”
Trả lời PV Thanh Niên, dược sĩ Nguyễn Thị Mai Trang, Phó giám đốc BV Phạm Ngọc Thạch, cho biết BV hiện nay có khoa Dinh dưỡng tiết chế đang thực hiện các vai trò trong chăm sóc người bệnh, trong đó có phần chăm sóc dinh dưỡng. Nhưng việc lựa chọn ăn hay không ăn, ăn phần cơm như thế nào là “tùy thuộc vào BN”, BV chỉ tiến hành tư vấn dinh dưỡng. Theo bà Trang, “việc nói BV tổ chức ép BN ăn cơm là không đúng”, vì nếu có vấn đề này thì BV phải đạt suất ăn 100%, còn hiện nay suất ăn đang dao động trong khoảng 50 - 60%. “Tuy nhiên, nếu có các ý kiến phản ánh về việc ép BN phải ăn suất cơm BV, chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra, rà soát để xử lý”, bà Trang nói. Bên cạnh đó, nếu BN nhận suất ăn mà không ăn thì có thể trả lại.
Bác sĩ Nguyễn Thị Yêm, Trưởng khoa Dinh dưỡng tiết chế, BV Phạm Ngọc Thạch, cho biết thêm tiêu chí dinh dưỡng suất ăn cần phải được cá thể hóa nhưng số lượng BN đông nên BV đưa ra khẩu phần chung, đảm bảo tổng giá trị năng lượng. Người bệnh vẫn được các bác sĩ hướng dẫn, tư vấn chế độ ăn phù hợp tùy theo bệnh lý. Quy định của BV là khi BN nội trú thì bắt buộc bác sĩ phải xây dựng chế độ, thực đơn ăn hợp lý, có quy trình đăng ký suất ăn tốt nhất. Suất ăn được đăng ký ở khoa rồi mới chuyển xuống căn tin chế biến, BN có thể ăn hoặc không nhưng bác sĩ khuyên ăn theo chế độ là tốt nhất vì các bệnh nặng như viêm gan, tiểu đường hoặc suy thận thì chế độ ăn gắn liền với việc điều trị.
“Việc nói BV ép BN ăn, chúng tôi khẳng định là không có, nếu có phản ánh, khả năng là do quy trình thực hiện giữa các bên chưa tốt, hoặc quá trình truyền tải tư vấn đến BN gây hiểu nhầm. Vì suất ăn của BV không cao, thay đổi theo tháng, có tháng chỉ đạt 31 - 32%”, bác sĩ Yêm thông tin thêm.
Lãnh đạo BV Phạm Ngọc Thạch hứa ghi nhận và sẽ làm việc lại với các bộ phận liên quan đến việc cung cấp suất ăn để tránh việc BN hiểu lầm.
Liên quan đến việc nhân viên BV dùng xe chuyên dùng tiêm thuốc cho BN để vận chuyển cơm, đại diện BV Phạm Ngọc Thạch lý giải BV có xe chuyên dụng để giao cơm đến từng giường bệnh tại các khoa lâm sàng, không có chủ trương dùng xe tiêm thuốc để phát suất ăn cho BN. Ngày PV Thanh Niên ghi nhận tình trạng trên là do “xe vận chuyển suất ăn bị hư”.