Nhà giáo Trần Hữu Tá và học trò của mình - Ảnh: Tác giả cung cấp
Biết tôi nhà nghèo, mẹ bệnh tật, bản thân phải tự bươn chải kiếm sống để có tiền vừa ăn học vừa nuôi mẹ, thầy đã dành riêng non buổi chiều hôm ấy để động viên. Thầy còn nhắc tôi, với vai trò cán bộ Đoàn thì phải như thế nào trong học tập và rèn luyện.
Tôi dự định viết về thầy đã lâu nhưng không biết bắt đầu từ đâu cho tương xứng. Bởi tôi biết mình không thể nào đủ sức để viết hết về cả cuộc đời thầy - một tấm gương quá lớn đối với tôi.
Do vậy hôm nay tôi mạo muội viết đôi điều về người thầy bình dị mà vĩ đại với lòng tri ân của một học trò.
Ấn tượng đầu tiên
Ngày ấy, khi chân ướt chân ráo bước vào giảng đường đại học, tôi không khỏi ngỡ ngàng. Lúc chuẩn bị vào đại học, nhiều anh chị đi trước nói rằng ở đó tình cảm thầy trò mờ nhạt lắm, khoảng cách xa lắm, không giống như ở phổ thông đâu.
Thế nhưng mọi chuyện trái ngược hoàn toàn khi chúng tôi vào khoa ngữ văn Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Khoa làm lễ đón tân sinh viên thật long trọng và ấm áp tình thầy trò.
Thầy, với vai trò một chủ nhiệm khoa, đã đến sớm hơn giờ khai mạc 15 phút. Thầy đến từng dãy ghế ân cần hỏi thăm và động viên từng tân sinh viên.
Lúc chúng tôi cùng hát bài tập thể chào đón thầy cô thì thầy cũng vỗ tay và hát cùng. Mái tóc bạc phơ mà sao trông thầy trẻ đến thế! Hôm ấy để lại trong tôi nhiều ấn tượng.
Thầy dặn dò và tâm sự với chúng tôi nhiều điều tâm huyết. Thầy kể về những cảnh đời bất hạnh nhưng không đầu hàng số phận mà biết vượt qua một cách phi thường.
Trong những chuyến thăm sinh viên nội trú ký túc xá, thầy đã không ít lần xót xa đến rơi nước mắt khi chứng kiến cảnh hai sinh viên cùng mua chung một đĩa cơm thêm chia sẻ nhau qua bữa.
Có lẽ ấn tượng nhất là bài học thầy kể về anh sinh viên mù vượt khó Phạm Văn Sim. Anh bị mù nhưng luôn là gương sáng. Bài học quý về một sinh viên mù khuyết tật khiến bọn sinh viên sáng mắt, đủ sức khỏe như chúng tôi phải giật mình mà tự soi lại bản thân.
Có thể nói, tôi chưa bao giờ nghe bài phát biểu nào chân tình, giản dị mà giàu giá trị giáo dục, nhiều bài học sinh động mà gần gũi đến như thế.
Cả hội trường im phăng phắc trong sự xúc động trước những lời tâm huyết của một thầy giáo hiến dâng già nửa thế kỷ cho sự nghiệp trồng người.
Bài học đầu tiên tôi cảm nhận nơi thầy trong ngày lễ đón tân sinh viên này là sự giản dị, gần gũi, sự tận tụy gắn liền với lòng yêu nghề, gắn bó với học trò và trân trọng sinh viên.
Thấu hiểu học trò
Trong số sinh viên ở khoa đông nhất trường này, bạn nào có hoàn cảnh khó khăn hầu như thầy đều biết. Sau ngày lễ long trọng ấy, thầy cho gọi tôi lên khoa.
Học trò Nguyễn Văn Cải và nhà giáo Trần Hữu Tá - Ảnh: Tác giả cung cấp
Tôi thật xúc động trước sự ân cần của một trưởng khoa mà thú thật trước đó tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình được phép gặp mặt.
Biết tôi nhà nghèo, mẹ bệnh tật, bản thân phải tự bươn chải kiếm sống để có tiền vừa ăn học vừa nuôi mẹ, thầy đã dành riêng non buổi chiều hôm ấy để động viên. Thầy còn nhắc tôi, với vai trò cán bộ Đoàn thì phải như thế nào trong học tập và rèn luyện.
Sau đó, thầy đứng ra thành lập quỹ học bổng của khoa giúp đỡ sinh viên nghèo vượt khó. Ngày trao học bổng đầu tiên, tôi được thầy tặng chiếc xe đạp, mười mấy sinh viên nhận học bổng đều rưng rưng nước mắt vì hạnh phúc và xúc động.
Thầy luôn gần gũi với sinh viên và chịu khó lắng nghe ý kiến của chúng tôi. Lúc ấy, ở khoa ngữ văn luôn có hộp thư góp ý để sinh viên bày tỏ tâm tư nguyện vọng của mình.
Định kỳ mỗi quý, thầy mời tất cả ban cán sự lớp và bí thư chi đoàn trong khoa họp để phản ánh tình hình giảng dạy và học tập của khoa.
Thầy trân trọng từng ý kiến của sinh viên, và từng bước tháo gỡ những khó khăn. Có lẽ nhờ vậy mà khoa luôn dẫn đầu trường trong mọi phong trào, cả trong học tập nghiên cứu khoa học lẫn trong công tác Đoàn - Hội.
Ngày thầy bàn giao công tác trưởng khoa nghỉ hưu theo chế độ, tất cả anh chị em sinh viên đều nuối tiếc. Trong sự xúc động, thầy đã dặn dò chúng tôi nhiều điều bổ ích.
Có lẽ chính tình cảm lớn lao ấy của thầy đã thôi thúc thầy và trò chúng tôi những nhiệm kỳ sau làm việc hăng hái để xứng đáng với sự kỳ vọng của thầy.
Tấm gương lao động miệt mài
Bài học về sự lao động miệt mài không mệt mỏi của thầy còn mãi trong tôi. Dù là một giáo viên phổ thông, một giảng viên đại học hay một trưởng khoa, một chủ tịch Hội Nghiên cứu và giảng dạy văn học TP.HCM, từ lúc đương chức đến khi về hưu, thầy đều dồn hết tâm huyết của mình cho công tác nghiên cứu và giảng dạy.
Nhà giáo Trần Hữu Tá tại đại hội Hội Nghiên cứu và giảng dạy văn học TP.HCM nhiệm kỳ VI (2016-2020)
Dù đã nghỉ hưu nhưng thầy vẫn gắn bó với nghề. Thầy trực tiếp giảng dạy cho các lớp cao học, báo cáo các chuyên đề cho sinh viên chính quy, hướng dẫn luận văn, luận án thạc sĩ, tiến sĩ cho các nghiên cứu sinh. Không thể kể hết các công trình biên soạn, nghiên cứu khoa học của thầy.
Hầu hết anh chị em sinh viên khoa ngữ văn đều nói với nhau rằng: học sư phạm văn mà không được học thầy Trần Hữu Tá là một bất hạnh!
Quả đúng như vậy. Không chỉ học ở kiến thức uyên bác mà còn ở phương pháp truyền đạt kiến thức thật cuốn hút, học ở thầy một phong cách nhà giáo mẫu mực.
Ngày thầy nhận huy hiệu 40 năm tuổi Đảng, lúc ấy tôi vinh dự đại diện sinh viên của trường cùng dự, cả hội trường ai cũng xúc động.
Xúc động trước sự cống hiến với những đóng góp không mệt mỏi của một con người có nhân cách cao đẹp, một đảng viên kiên trung, một nhà giáo mẫu mực suốt cuộc đời chăm lo cho sự nghiệp trồng người.
Thầy đã chỉ lối cho tôi
Tôi nhớ như in ngày mình chuẩn bị làm lễ tốt nghiệp. Tôi còn chút băn khoăn trong việc định ra hướng đi tiếp tục cho mình. Thầy là người soi lối cho tôi. Thầy không chỉ cho tôi con đường đầy hoa thơm trái ngọt mà hướng tôi nên và cần làm gì để vừa phát huy năng lực bản thân vừa giúp ích cho xã hội.
Nhà giáo Trần Hữu Tá - Ảnh: Tác giả cung cấp
Vậy là tôi đã chọn theo gợi ý của thầy, và đến giờ tôi đã tìm thấy niềm hạnh phúc trên con đường mình đang đi. Rồi thầy khuyên tôi nên tập tành viết lách cho báo chí để luyện ngòi bút.
Thầy luôn nhấn mạnh việc tự học và phải học lên thêm nữa. Thầy động viên chúng tôi tập nghiên cứu. Tất cả những lời chỉ dạy ấy, tôi mang theo bên mình và luôn nhắc nhở bản thân phải cố làm cho tốt.
Khi tôi về Trường THPT Quang Trung công tác, tham mưu với thầy hiệu trưởng Lê Đình Hoe tổ chức một chuyên đề ngoại khóa văn học.
Khi ấy, thầy Trần Hữu Tá gần 70 tuổi nhưng không quản ngại sức khỏe, đường xa, đã vượt hơn 50 cây số đến với thầy trò chúng tôi để truyền cảm hứng văn học qua chuyên đề “Văn học Việt Nam 1945-1975: những ấn tượng khó quên”.
Các em học sinh lớp 12 năm ấy đến giờ vẫn nhớ rõ những câu chuyện thầy kể đầy cảm hứng với đầy đủ bức tranh của giai đoạn văn học đáng nhớ này.
Năm 2009, tôi bệnh phải nằm viện phẫu thuật tại Bệnh viện Bình Dân. Ngay khi tôi hồi tỉnh sau ca mổ, bên giường bệnh tôi là mái tóc bạc phơ với giọng trìu mến: “Sao rồi Cải? Em đã ổn chứ? Ráng ăn uống thuốc men cho mau khỏe, sớm trở về nhà với mẹ, về trường với trò nữa nhé!”.
Không thể kìm được xúc động, mắt tôi ươn ướt trước tình yêu thương bao la của thầy. Giữa trưa nắng gắt của tháng 3, thầy tự đi xe máy đến bệnh viện, leo mấy tầng lầu đến tận giường bệnh thăm một đứa sinh viên cũ ra trường đã lâu, bởi vì “phải đến trực tiếp xem tình hình em thế nào thầy mới yên tâm”! Đó là bài học sâu sắc về tình thương của thầy giáo cao niên dành cho học trò mà tôi học được ở thầy!
Sẽ noi gương thầy
Sau hơn 20 năm đứng trên bục giảng nối nghiệp của thầy, tôi cảm ơn cuộc đời đã cho tôi gặp được những người thầy khả kính. Tôi cảm ơn nghề sư phạm đã cho tôi gặp được thầy - PGS.TS Trần Hữu Tá - một thầy giáo mẫu mực, một đảng viên cộng sản chân chính, một chiến sĩ kiên trung trên mặt trận văn hóa, giáo dục.
Nhà giáo Trần Hữu Tá ký tặng sách cho học trò cũ - Ảnh: Tác giả cung cấp
Hôm nay, giữa đêm khuya trên quê hương đất thép thành đồng, tôi đặt bút viết bài này bằng tất cả lòng tri ân kính gửi đến thầy, thay nén nhang lòng kính cẩn nghiêng mình tiễn biệt thầy Trần Hữu Tá về với tổ tiên. Chúng em nguyện sẽ sống xứng đáng với sự tin yêu và kỳ vọng của thầy.
Củ Chi, đêm 27-11-2022.
TTO - PGS.TS Trần Hữu Tá, chủ tịch Hội Nghiên cứu và giảng dạy văn học TP.HCM, nguyên trưởng khoa ngữ văn Trường đại học Sư phạm TP.HCM, nguyên hiệu trưởng Trường THPT Trương Vĩnh Ký, vừa qua đời tối 27-11, thượng thọ 86 tuổi.
Xem thêm: mth.90095337082112202-me-gnuhc-auc-iad-iv-am-id-hnib-at-uuh-nart-yaht/nv.ertiout