Cần siết chặt quản lý thuốc lá điện tử
Trên thị trường hiện đang rao bán đủ loại thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha điện tử... Các sản phẩm này mô phỏng lại hình dạng và chức năng của điếu thuốc lá truyền thống, sử dụng pin để hoạt động và có buồng đốt tạo nhiệt. Tinh dầu rất đa dạng với đủ loại hương hoa, trái cây, đồ uống... Phần lớn các loại tinh dầu thuốc lá được quảng cáo, rao bán rầm rộ trên mạng có xuất xứ Trung Quốc, giá chỉ vài chục ngàn đồng/sản phẩm. Theo bà Trần Thị Trang - Vụ Pháp chế, Bộ Y tế - Việt Nam hiện chưa có cơ sở kiểm nghiệm đủ năng lực kiểm tra, kiểm nghiệm các chỉ tiêu vệ sinh, an toàn đối với thuốc lá nung nóng và thuốc lá điện tử.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương - đại diện Qũy Phòng, chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế - cảnh báo: Ngày càng nhiều tập đoàn đa quốc gia quảng bá thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng mập mờ khiến người dùng hiểu sai về tác hại của thuốc lá mới này. Chẳng hạn: “Các sản phẩm thuốc lá mới ít hại hơn thuốc lá điếu thông thường. Thuốc lá điện tử giúp cai nghiện thuốc lá...” nhưng thực chất những sản phẩm này đều có chứa chất gây nghiện.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm - đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam - cảnh báo: “Hàm lượng nicotine trong thuốc lá điện tử có xu hướng ngày càng tăng, cao gấp 2 lần so với thuốc lá truyền thống. Nicotine ảnh hưởng xấu tới sự phát triển não trẻ em và người vị thành niên. Người nghiện thuốc lá có nguy cơ nghiện rượu, ma túy và các chất độc hại khác...”. Theo bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, nhiều quốc gia đã cấm bán cả 2 loại thuốc điện tử và thuốc lá nung nóng. Việt Nam cũng nên cấm nhập khẩu 2 loại thuốc này.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hương, cần ban hành quy định cấm sử dụng sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha và các sản phẩm thuốc lá mới khác.
Nên tăng thuế đối với thuốc lá
Theo ông Đào Thế Sơn - giảng viên Đại học Thương mại - tỉ lệ Thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) trên giá xuất xưởng của thuốc lá hiện là 75%, tổng thuế trên giá bán lẻ chỉ đạt khoảng 36 - 38%. Dù cộng các mức thuế đó nhưng giá thuốc lá hiện nay vẫn rất thấp. Do đó, để có thể hạn chế thuốc lá, bên cạnh các loại thuế hiện có cần bổ sung mức thuế tuyệt đối 5.000 đồng/bao vào năm 2023 và cứ mỗi 2 năm lại tăng thêm 5.000 đồng/bao, hoặc áp dụng thuế tỉ lệ trên giá bán lẻ ở mức tương đương; hoặc vừa tăng tỉ lệ thuế vừa bổ sung thuế tuyệt đối ở mức tương đương. Ngày càng có nhiều nước áp dụng thuế hỗn hợp (áp dụng đồng thời phương pháp tính thuế theo tỉ lệ phần trăm và phương pháp tính thuế tuyệt đối) để kiểm soát thuốc lá hiệu quả.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương cũng cho rằng Việt Nam là nước có mức thuế TTĐB đối với thuốc lá gần như thấp nhất trong khu vực ASEAN, rất thấp so với các nước phát triển. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, để giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá, thuế TTĐB cần phải ở mức 60 - 80% giá bán lẻ thuốc lá. Việt Nam cần xây dựng lộ trình tăng thuế đối với các sản phẩm thuốc lá để đạt mục tiêu giảm tỉ lệ sử dụng thuốc lá, bảo đảm đến năm 2030 mức thuế đạt tỉ trọng trên giá bán lẻ theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới.
Theo tiến sĩ Angela Pratt - Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam - cần phải có những nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa để Việt Nam có thể đạt được mục tiêu giảm thiểu việc sử dụng thuốc lá 30% vào năm 2030 so với tỉ lệ của năm 2015 như đã đề ra trong Chương trình Sức Khỏe Việt Nam.
“Tăng thuế thuốc lá sẽ là cách nhanh nhất và tiết kiệm chi phí nhất để giảm tiêu thụ thuốc lá”, tiến sĩ Angela Pratt nói.
Nguyễn Cẩm
Xem thêm: lmth.9978741a-ut-neid-al-couht-mac-av-al-couht-euht-gnat-nac/nv.moc.enilnounuhp.www