Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ - Ảnh: NGHĨA ĐỨC
Sáng 28-11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp bất thường thứ hai của Quốc hội khóa XV (dự kiến tổ chức vào tháng 1-2023).
Trình bày báo cáo, tổng thư ký Quốc hội cho hay đối với nội dung về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM (thay thế nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM) Chính phủ đề nghị chưa đưa nội dung này vào chương trình kỳ họp bất thường lần thứ 2 do chưa chuẩn bị kịp và chưa có kết luận của Bộ Chính trị.
Giải trình thêm về nội dung này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, tại cuộc họp của Thủ tướng Phạm Minh Chính với TP.HCM ngày 27-11, TP.HCM đề nghị trình Quốc hội xem xét, cho thí điểm chính sách mới thay thế cho nghị quyết 54 tại kỳ họp bất thường tới.
Tại cuộc làm việc, Thủ tướng đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với UBND TP.HCM khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để trình Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
"Tại cuộc làm việc hôm qua thấy rằng TP.HCM đang vướng mắc rất nhiều, đặc biệt các dự án trọng điểm. Do đó TP.HCM đề nghị xem xét các chính sách mới tại kỳ họp bất thường để tháo gỡ vướng mắc cho thành phố”, ông Sơn nói.
Nêu ý kiến sau đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết nếu bổ sung nội dung liên quan cơ chế, chính sách đặc thù cho TP.HCM thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ủng hộ.
Nhưng quan trọng có chuẩn bị kịp không, bởi thời gian còn xây dựng, trình, thẩm tra. "Đôi khi dục tốc bất đạt", ông Huệ nói.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh nguyên tắc đối với dự án luật trừ trường hợp cấp bách mới đưa vào kỳ họp bất thường như ở kỳ họp bất thường thứ nhất. Các dự án luật khác sẽ đưa vào kỳ họp thường xuyên chứ không xem xét ở kỳ họp bất thường.
"Nguyên tắc là cấp bách, cần thiết, đáp ứng yêu cầu cuộc sống và đã chuẩn bị kỹ lưỡng, đủ chín, đủ rõ", ông Huệ nêu.
Ông chỉ rõ, theo quy trình, để Quốc hội xem xét, các cơ quan của Quốc hội phải thẩm tra sơ bộ, thẩm tra chính thức ở phiên toàn thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.
Nếu không họp toàn thể để thẩm tra thì không đúng quy định, chưa kể có những thứ phải nghiên cứu khảo sát.
Trước đó, Chính phủ đề nghị trình Quốc hội đưa vào kỳ họp bất thường ba dự án luật gồm Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật công an nhân dân.
Đối với ba dự án luật, tổng thư ký Quốc hội nêu rõ hiện Chính phủ chưa có đề nghị bổ sung ba dự án luật vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, 2023.
Do đó đề nghị Chính phủ thực hiện các quy trình, thủ tục xây dựng pháp luật đảm bảo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Giải trình thêm nội dung này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết ngày 10-9-2022, Bộ Chính trị đã họp cho ý kiến, Đảng đoàn Quốc hội chủ trì, phối hợp Ban Cán sự Đảng Chính phủ nghiên cứu ý kiến của Bộ Chính trị và ý kiến của các cơ quan.
Theo đề nghị của bộ trưởng Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản đề nghị tổng thư ký Quốc hội báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung các dự án luật nêu trên.
Trước đó, ngày 23-1-2022, tổng thư ký Quốc hội cũng đã có văn bản thông báo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ làm rõ sự cần thiết, cơ sở chính trị, pháp lý... để bổ sung.
"Ngày 27-11, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản thông báo ý kiến của Thủ tướng giao bộ trưởng Bộ Công an thừa ủy quyền của Thủ tướng, thay mặt Chính phủ báo cáo và có tờ trình báo cáo về các dự án luật nêu trên với Ủy ban Thường vụ Quốc hội", ông Sơn thông tin.
TTO - Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết Chính phủ đã có văn bản đề nghị trình Quốc hội về dự kiến năm nội dung tại kỳ họp bất thường lần thứ 2.