Hơn 10.000 vận động viên sẽ tham gia tranh tài tại Đại hội Thể thao toàn quốc 2022 - Ảnh: MINH ĐỨC
Đại hội Thể thao toàn quốc được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1985. Đại hội nhằm tổng động viên lực lượng thể thao thành tích cao, qua đó tạo nên động lực cho sự đầu tư, phát triển thể thao tại các tỉnh, thành, ngành trên cả nước.
Từ đó đến nay, Đại hội Thể thao toàn quốc đã diễn ra 8 kỳ. Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ 9 năm 2022 diễn ra tại tỉnh Quảng Ninh và 10 tỉnh thành khác khu vực phía bắc từ ngày 9 đến 21-12.
Ngày 28-11, Tổng cục Thể dục thể thao đã tổ chức họp báo để thông tin về Đại hội Thể thao lần thứ 9. Ông Đặng Hà Việt, tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao, cho biết Đại hội Thể thao lần 9 có quy mô lớn nhất trong lịch sử thể thao Việt Nam. Đại hội có sự tham dự của 17.108 người, trong đó có khoảng 10.000 vận động viên, 43 môn thi, 941 nội dung. Đại hội có sự góp mặt của 65 đoàn, trong đó có 63 tỉnh, thành phố và hai ngành quân đội, công an.
Tổng kinh phí trung ương cấp cho Đại hội Thể thao toàn quốc 2022 là 45 tỉ đồng. Trong đó 40 tỉ được dùng cho công tác chuyên môn kỹ thuật, 5 tỉ đồng được chuyển cho UBND tỉnh Quảng Ninh để triển khai lễ khai mạc và bế mạc đại hội.
Ông Trần Đức Phấn - phó tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao - cho biết: "Tổ chức Đại hội Thể thao toàn quốc 2022 trên tinh thần vô tư, khách quan, công bằng. Là đại hội thể thao quốc gia nên tất cả các vấn đề liên quan đến chuyên môn, kỹ thuật như trọng tài, giám sát là người Việt Nam thực hiện, chứ không có người nước ngoài. Các trang thiết bị, dụng cụ thi đấu, Việt Nam có gì hiện đại nhất sẽ được mang ra sử dụng".
Hà Nội, TP.HCM là hai địa phương có số lượng vận động viên đăng ký dự thi đông nhất đại hội. Trong đó, thể thao Hà Nội tiếp tục đặt mục tiêu đứng đầu bảng tổng sắp huy chương. Thể thao Bắc Kạn tham dự đại hội ít nhất khi chỉ có 10 vận động viên.
Trước câu hỏi của Tuổi Trẻ Online: Vì sao ban tổ chức lại sắp lịch thi đấu của môn điền kinh, bơi lội trùng nhau hoàn toàn về thời gian? Điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc theo dõi các môn thi của người hâm mộ, truyền thông. Các đại hội thể thao quốc tế lớn, đặc biệt là Olympic thường tổ chức thi đấu môn bơi đầu tiên và kết thúc sẽ là điền kinh. Theo lịch, từ ngày 12 đến 18-12 môn điền kinh, bơi lội sẽ diễn ra tại Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình.
Ông Trần Đức Phấn cho biết sẽ tiếp thu và điều chỉnh thời gian tổ chức thi đấu môn bơi và điền kinh để người hâm mộ, truyền thông thuận lợi theo dõi. Với các đại hội thể thao, điền kinh và bơi lội là hai môn quan trọng nhất, nhận được sự quan tâm lớn nhất của người hâm mộ.
Ông Nguyễn Văn Phú, giám đốc Trung tâm Doping và Y học thể thao, cho biết sẽ có hơn 100 vận động viên được kiểm tra doping tại Đại hội Thể thao toàn quốc 2022. Con số này rất khiêm tốn so với khoảng 10.000 vận động viên dự đại hội, dù vậy nó cũng đã cao hơn gấp đôi số vận động viên được kiểm tra doping ở Đại hội Thể thao 2018.
Theo thông tin của Tuổi Trẻ Online, nguyên nhân chính dẫn đến việc quá ít vận động viên được kiểm tra doping đến từ vấn đề kinh phí. Với nguồn ngân sách eo hẹp, không có nhà tài trợ, ngành thể thao chỉ có thể kiểm tra được bấy nhiên mẫu doping. Các mẫu này sau khi được lấy đều phải chuyển đến phòng thí nghiệm tại nước ngoài để xét nghiệm.
Thiếu kinh phí cũng là nguyên nhân khiến cho hầu như toàn bộ hệ thống giải vô địch quốc gia ở các môn thi của thể thao thành tích cao Việt Nam không có kiểm tra doping. Đây là một trong những nguyên nhân khiến vận động viên ít "sợ", hoặc cẩu thả trong quá trình sinh hoạt dẫn đến dương tính với doping khi tham dự các đại hội thể thao quốc tế.
TTO - Ngành thể thao Hà Nội sẽ cử lực lượng vận động viên, huấn luyện viên hùng hậu nhất tham dự Đại hội thể thao toàn quốc 2022 với mục tiêu dẫn đầu cả nước về thành tích.