Ông Dương Anh Đức - phó chủ tịch UBND TP.HCM - phát biểu tại phiên giải trình - Ảnh: THẢO LÊ
Sáng 28-11, HĐND TP.HCM tổ chức phiên họp giải trình hiệu quả quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo tại TP.HCM. Tại phiên giải trình, vấn đề tận dụng nguồn thu từ hoạt động quảng cáo được các đại biểu HĐND TP quan tâm nêu ra.
Theo các đại biểu, nguồn thu từ hoạt động quảng cáo lớn, nếu khai thác được sẽ đóng góp rất lớn cho ngân sách TP.
Về vấn đề này, ông Dương Anh Đức - phó chủ tịch UBND TP.HCM - cho biết đến năm 2020, TP có hơn 6.084 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo, đóng góp khoảng 1,8% GRDP của TP.
Trong đề án phát triển quảng cáo, TP đặt mục tiêu đến năm 2025, ngành này đóng góp 2,6% GRDP, khoảng 32.000 tỉ. Trong đó quảng cáo trên Internet chiếm tỉ trọng ngày càng cao, cần phải khai thác tối đa.
Ông Đức cho biết đã yêu cầu Sở Văn hóa và Thể thao trình đề án phát triển quảng cáo và quy hoạch quảng cáo để xem xét thông qua trong nửa đầu năm 2023.
Đồng thời, TP sẽ tập trung xây dựng quy chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý, hiện nay nhiều quy định còn bỏ trống.
"Hiện nay TP có khoảng 10.000 bảng quảng cáo trong siêu thị, chung cư nhưng hiện nay hầu như không có quy định quản lý rõ ràng. Phần lớn quảng cáo đều tận dung nền tảng công nghệ, gây nguy cơ việc mất an toàn an ninh thông tin. Rất đáng quan ngại", ông Đức nói.
TP cũng sẽ có kiến nghị cụ thể để sửa đổi những quy định còn chồng chéo, đồng thời, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực để quản lý hoạt động quảng cáo.
Thông tin về tình hình quảng cáo trên mạng, ông Lâm Đình Thắng - giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM - cho biết hiện nay quảng cáo trên mạng có nhiều nội dung. Trong đó, đáng chú ý là quảng cáo trên mạng xã hội xuyên biên giới, báo điện tử và trang thông tin điện tử tổng hợp.
Việc quảng cáo trên báo điện tử và trang thông tin điện tử tổng hợp xuất hiện khoảng 2 năm gần đây nhưng chưa có quy định quản lý cụ thể. Vừa qua Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành nhiều văn bản thanh tra, kiểm tra và có quy định điều chỉnh mạnh giúp khắc phục được nhiều bất cập.
Bên cạnh đó, quảng cáo trên Facebook, YouTube, TikTok… ngày càng phổ biến và phức tạp. Có nhiều thông tin đăng tải sai sự thật, cạnh tranh không lành mạnh. Ông Thắng cho biết pháp luật hiện nay không quy định phải cấp phép cho dịch vụ quảng cáo trên Internet, mạng xã hội… mà các đơn vị phải tự chịu trách nhiệm nội dung quảng cáo của mình.
Bộ Thông tin và Truyền thông vừa qua đã tham mưu ban hành nghị định tập trung quản lý các nội dung, trong đó có quảng cáo trên mạng xuyên biên giới. Có nghị định này, từ năm 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ thanh tra các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới.
Theo ông Thắng, thời gian qua Sở Thông tin và Truyền thông TP đã ban hành 300 văn bản nhắc nhở, chấn chỉnh, đề nghị kiểm tra và phối hợp xử lý vi phạm các hoạt động quảng cáo trên mạng. Sở cũng có ứng dụng rà soát các thông tin trên mạng, trong đó có nội dung quảng cáo qua livestream.
TTO - Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ cho rằng công tác quản lý hoạt động quảng cáo của TP.HCM còn nhiều bất cập. Các cơ quan chức năng phải vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt, dứt khoát hơn trong công tác quản lý.
Xem thêm: mth.40631445182112202-oac-gnauq-gnod-taoh-ut-uht-gnat-mchpt/nv.ertiout