Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM cho biết cơ quan này đã nhận được phản ánh của Hiệp hội doanh nghiệp, Hội doanh nghiệp TP và Hội doanh nghiệp ngành, nghề trên địa bàn về việc khi "doanh nghiệp muốn vay vốn phải mua bảo hiểm mới được ngân hàng xem xét cho vay".
Điều kiện này đã làm tăng thêm chi phí cho doanh nghiệp, làm doanh nghiệp khó khăn hơn trong bối cảnh các chi phí đầu vào của doanh nghiệp đang có xu hướng tăng, cũng như không đúng tinh thần cải cách hành chính của ngành Ngân hàng.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM, cho biết NHNN chi nhánh TP.HCM yêu cầu các ngân hàng thương mại nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của NHNN liên quan đến hoạt động kinh doanh, đại lý bảo hiểm. Trong đó, các ngân hàng cần rà soát hệ thống, xử lý nghiêm những trường hợp “ép” khách hàng phải mua các loại bảo hiểm không thực sự cần thiết khi cấp tín dụng, bảo đảm phê duyệt hồ sơ, giải ngân cho khách hàng đúng quy định.
Đây là yêu cầu của NHNN chi nhánh TP.HCM trong văn bản gửi các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP về việc tăng cường hoạt động hỗ trợ khách hàng vay vốn, sử dụng dịch vụ ngân hàng.
Trước đó, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã từng nhấn mạnh: “Nghiêm cấm hành vi bắt buộc khách hàng mua bảo hiểm. NHNN sẽ tiếp tục thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động này và việc thực hiện các văn bản chỉ đạo. Trường hợp phát hiện vi phạm, NHNN sẽ xem xét, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật”.
Mặc dù NHNN đã nhiều lần có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng cần chấn chỉnh tình trạng “ép” mua bảo hiểm khi vay vốn, song thực trạng này vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt.
Chia sẻ với với Pháp luật TP.HCM về thực trạng “bia kèm lạc” khi vay vốn ngân hàng, một vị lãnh đạo doanh nghiệp xuất khẩu tại TP.HCM nói: Ngay cả khi việc room tín dụng còn dư giả thì mỗi hợp đồng vay đều được nhân viên ngân hàng “mồi” doanh nghiệp nên mua thêm bảo hiểm để được vay với lãi suất tốt hơn. Còn trong giai đoạn hạn mức tín dụng đã chạm trần thì việc mua bảo hiểm gần như là điều kiện “cần” khi vay vốn.
"Ngay như tại công ty của tôi, mỗi hợp đồng vay đều bắt buộc phải mua bảo hiểm nhân thọ 70-80 triệu đồng cho khoản vay 5-6 tỉ đồng. Thậm chí có ngân hàng còn đặt vấn đề với người đi vay bằng cách ký hợp đồng “tư vấn tài chính” với mức phí 20-30 triệu đồng.
Dù đang tồn tại một số điều khoản lạ lùng như vậy nhưng nhà kinh doanh như tôi vẫn phải chịu đựng để vay vì dòng vốn là “máu” của doanh nghiệp, nhất là trong giai đoạn khó khăn như hiện nay" - vị lãnh đạo công ty bày tỏ.