UBND cấp tỉnh rà soát, điều chỉnh ngay để bãi bỏ các quy định về việc yêu cầu xuất trình sổ hộ khẩu trong các giao dịch thủ tục hành chính của công dân. Đây là yêu cầu trong Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 8 vừa được Thủ tướng Chính phủ ký, ban hành. Bỏ xuất trình sổ hộ khẩu là bước đi quyết liệt để tiến tới bỏ hoàn toàn Số hộ khẩu từ ngày 1/1/2023, là nền tảng trong việc phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025.
Bỏ xuất trình sổ hộ khẩu là chủ trương được người dân rất ủng hộ. Bởi thực tế nhiều năm qua cho thấy, việc phải có sổ hộ khẩu mới giải quyết được các giao dịch thủ tục hành chính đã gây ra không ít phiền hà và khó khăn. Tuy nhiên, để thực hiện theo yêu cầu của Chính phủ thì khối lượng công việc cần phải gấp rút triển khai không hề nhỏ liên quan đến việc rà soát, sửa đổi các quy định, quy trình, thủ tục hành chính trước đây; đề ra các phương án để thay thế sổ hộ khẩu trong xác minh thông tin cư trú; đầu tư trang thiết bị cho các cơ quan nhà nước phục vụ việc điện tử hóa xác minh thông tin của người dân.
Liên quan đến vấn đề này, phóng viên VOV phỏng vấn Thiếu tá Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an.
PV: Thưa ông, trong Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 8 mới đây Chính phủ đã yêu cầu UBND các cấp tỉnh rà soát, điều chỉnh ngay để bãi bỏ các quy định về yêu cầu xuất trình sổ hộ khẩu trong các giao dịch và thủ tục hành chính của công dân. Điều mà người dân rất quan tâm lúc này đó là đến thời điểm nào việc xuất trình sổ hộ khẩu này sẽ được bãi bỏ?
Thiếu tá Hoàng Văn Dũng: Theo quy định tại Khoản 3 Điều 38 Luật Cư trú năm 2020, kể từ ngày 1/7/2021 Luật Cư trú có hiệu lực, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú theo quy định của Luật này cho đến hết ngày 31/12/2022. Như vậy, kể từ ngày 1/1/2023, Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú giấy sẽ hết giá trị sử dụng và không được coi là giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú theo quy định của Luật Cư trú.
Khi giải quyết các giao dịch, thủ tục hành chính cho công dân, cơ quan có thẩm quyền không được yêu cầu phải xuất trình sổ hộ khẩu để chứng minh các thông tin cá nhân của công dân và thông tin nơi thường trú của cá nhân, hộ gia đình.
PV: Luật Cư trú đã quy định từ ngày 1/1/2023 Sổ hộ khẩu sẽ hết hiệu lực. Vậy, ông có thể làm rõ sự khác nhau giữa việc sổ hộ khẩu hết hiệu lực và dừng xuất trình hộ khẩu trong các giao dịch thủ tục hành chính của công dân?
Thiếu tá Hoàng Văn Dũng: Đây là hai vấn đề liên quan đến nhau trong giải quyết các giao dịch, thủ tục hành chính của người dân. Theo quy định của Luật Cư trú trước đây, Sổ hộ khẩu được cấp cho hộ gia đình và cá nhân đã đăng ký thường trú và có giá trị xác định nơi thường trú của công dân. Chính vì vậy, các cơ quan có thẩm quyền đã sử dụng thông tin về cư trú trong sổ hộ khẩu để làm căn cứ giải quyết các giao dịch và thủ tục hành chính cho người dân. Như vậy, từ ngày 1/1/2023, các thông tin trong sổ hộ khẩu sẽ không có giá trị để làm căn cứ khi giải quyết các thủ tục hành chính.
Còn đối với nội dung về việc dừng xuất trình Sổ hộ khẩu trong các giao dịch thủ tục hành chính của công dân, Luật Cư trú 2020 cũng quy định thay thế việc đăng ký quản lý cư trú từ phương thức quản lý thủ công bằng sổ hộ khẩu giấy sang phương thức quản lý hiện đại bằng công nghệ thông tin.
Cụ thể, đó là quản lý bằng việc sử dụng mã số định danh cá nhân để truy cập, cập nhật, điều chỉnh trên cơ sở quốc gia dân cư. Quy định này đã thể hiện ý nghĩa quan trọng của Luật và tính chất là cuộc cách mạng trong đổi mới quản lý cư trú phù hợp với xu thế quản lý của Chính phủ.
Thông tin về nơi cư trú của mỗi công dân là trường thông tin được dữ liệu số, sẽ được cập nhật điều chỉnh trên cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư và cơ sở dữ liệu về cư trú. Đồng thời, thông qua công tác kết nối, chia sẻ và khai thác thông tin giữa cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác. Từ đó để được sử dụng thông tin về cư trú của công dân đã có trong cơ sở quốc gia dân cư thay cho yêu cầu công dân phải xuất trình giấy tờ chứng minh về cư trú trong giải quyết các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự.
PV: Nhiều người cũng băn khoăn, nếu không sử dụng sổ hộ khẩu nữa chúng ta có phương án thay thế nào để chứng minh thông tin cư trú. Và liệu các biện pháp thay thế đấy thì có thuận lợi, nhanh chóng hơn phương pháp cũ không, thưa ông?
Thiếu tá Hoàng Văn Dũng: Để triển khai thực hiện quy định của Luật Cư trú năm 2020 thống nhất, đồng bộ, hiệu quả nhằm tạo điều kiện thuận lợi, giảm phiền hà cho công dân trong thực hiện các thủ tục hành chính và giao dịch dân sự, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, Bộ Công an cũng đã có văn bản hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương nghiên cứu và triển khai thực hiện 7 giải pháp để sử dụng thông tin công dân thay thế cho việc xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khi thực hiện các thủ tục hành chính và giao dịch dân sự.
Cụ thể là, sử dụng thẻ CCCD gắn chip điện tử là giấy tờ pháp lý chứng minh thông tin về cá nhân là nơi thường trú. Đối với nội dung này, tại Khoản 1 Điều 3 và Điều 18, Điều 20 của Luật căn cước công dân năm 2014 đã quy định, căn cước công dân là thông tin cơ bản về lai lịch về nhận dạng của công dân. Khi công dân xuất trình thẻ CCCD theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không được yêu cầu công dân xuất trình thêm giấy tờ khác chứng nhận các thông tin về CCCD.
Thứ 2, sử dụng các thiết bị đọc mã Qr Code trên thẻ CCCD có gắn chip. Về nội dung này, công dân và cơ quan, tổ chức sử dụng các thiết bị đọc Qr Code theo tiêu chuẩn do Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành, tích hợp với máy tính hoặc các thiết bị di động để đọc thông tin công dân từ mã Qr Code trên thẻ CCCD.
Nội dung số 3, có thể sử dụng các thiết bị đọc thẻ chip trên thẻ CCCD. Nội dung này công dân và cơ quan, tổ chức sử dụng thiết bị đọc thông tin trong chip, trên thẻ căn cước công dân để phục vụ thủ tục hành chính về giao dịch dân sự. Thiết bị này do Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an phối hợp nghiên cứu, kết hợp sản xuất. Hiện nay, công an cấp huyện đã được trang cấp và hiện đang sử dụng.
Thứ tư, người dân khi tra cứu khai thác thông tin cá nhân được thực hiện tra cứu một cách trực tuyến trong cơ sở liệu quốc gia dân cư để sử dụng khi thực hiện các thủ tục hành chính và giao dịch dân sự trên Cổng dịch công quốc gia và Cổng dịch vụ công Bộ Công an.
Thứ 5, sử dụng các ứng dụng VNEID để thể hiện các thông tin trên các thiết bị điện tử phục vụ giải quyết các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự. Điều này quy định tại Nghị 59/2022 NĐCP ngày 5/9 Chính phủ vừa ban hành, cũng như Quyết định 34 ngày 8/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, công dân có thể sử dụng các tài khoản mật khẩu đăng nhập ứng dụng VNEID đi trên thiết bị di động, các thông tin CCCD, thông tin dân cư được tích hợp trên ứng dụng …. để người dân và các cơ quan, tổ chức có thể sử dụng phục vụ giải quyết các thủ tục hành chính và các giao dịch dân sự của người dân.
Đồng thời, các doanh nghiệp, tổ chức kết nối trực tiếp với hệ thống định danh xác thực điện tử của Bộ Công an để sử dụng xác thực điện tử, tài khoản định danh điện tử của người dân.
Thứ 6, là có thể sử dụng giấy tờ xác nhận thông tin về cư trú Ban hành kèm theo Thông tư số 56 ngày 15/5/2021 của Bộ Công an. Đối với nội dung này, công dân trực tiếp đến cơ quan đăng ký cư trú trong cả nước không phụ thuộc vào nơi cư trú của công dân để đề nghị cấp giấy xác nhận thông tin về cư trú hoặc gửi yêu cầu xác nhận thông tin về cư trú qua dịch vụ công trực tuyến khi cần thiết, và cổng dịch vụ công quốc gia, cũng như Cổng dịch vụ công của Bộ công an.
Khi thực hiện, cơ quan đăng ký cư trú sẽ cấp giấy tờ xác nhận thông tin về cư trú cho công dân dưới hình thức văn bản hoặc văn bản điện tử theo yêu cầu của công dân. Giấy xác nhận thông tin về cư trú thì sẽ có giá trị 30 ngày kể từ ngày cấp và có giá trị 6 tháng kể từ ngày cấp đối với trường hợp theo quy định tại khoản 1 Điều 9 của Luật Cư trú.
Trong thời gian qua, Bộ Công an cũng đã chỉ đạo công an các địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả, tạo điều kiện tối đa cho công dân khi giải quyết thủ tục cấp giấy xác nhận thông tin về cư trú và để thực hiện các thủ tục hành chính có yêu cầu. Mẫu xác nhận thông tin về cư trú CT7 cũng đã được ban hành kèm theo Thông tư 56 của Bộ Công an và cũng đã có đầy đủ thông tin cá nhân, thông tin về nơi cư trú của công dân thông tin về chủ hộ về mối quan hệ với các thành viên trong hộ gia đình.
Nội dung cuối, sử dụng thông báo về số định danh cá nhân. Và thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo quy định tại Thông tư 59 của Bộ Công an. Về nội dung này thì Bộ Công an cũng đã chỉ đạo thực hiện cấp thông báo số định danh và thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư cho 100% người dân chưa được CCCD trên toàn quốc để người dân có thể sử dụng và giải quyết các thủ tục hành chính các giao dịch dân sự và cần chứng minh nơi cư trú của mình.
PV: Theo Luật Cư trú có hiệu lực từ ngày 1/7/2020, từ đầu năm 2023 Sổ hộ khẩu sẽ không còn giá trị. Nhưng trước thời điểm này, một số địa phương đã tiến hành thu lại Sổ hộ khẩu. Trong đó, có những trường hợp thu hồi Sổ hộ khẩu không đúng quy định gây khó khăn cho người dân. Ông có thể cho biết, khi đã có phương án thay thế để chứng minh thông tin cư trú của người dân việc thu hồi Sổ hộ khẩu sẽ được tiến hành như thế nào?
Thiếu tá Hoàng Văn Dũng: Theo quy định tại Khoản 3 Điều 38 của Luật Cư trú năm 2020, trường hợp thông tin trong Sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khác với thông tin trong cơ sở liệu về cư trú, cơ sở quốc gia dân cư thì sử dụng thông tin trong cơ sở về cư trú. Khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã cấp để thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của Luật này và không cấp mới, cấp lại Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú.
Cũng căn cứ theo quy định này, kể từ khi Luật Cư trú có hiệu lực, Bộ Công an cũng đã không cấp mới cấp lại Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú giấy. Chỉ khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký cư trú dẫn đến thay đổi các thông tin trong Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú, và các giấy tờ, cơ quan công an có trách nhiệm thu hồi Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú giấy đã cấp và thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong cơ sở dữ liệu về cư trú, cơ sở quốc gia dân cư.
Thời gian vừa qua, Bộ Công an cũng đã chỉ đạo công an các đơn vị địa phương tăng cường công tác tuyên truyền để người dân có thể nhân dân có thể nắm và chấp hành có hiệu quả quy định của Luật Cư trú.
Cũng qua theo dõi và kết quả công tác đăng ký quản lý cư trú của công an địa phương, đa số người dân đồng thuận và thực hiện theo quy định này. Một ít bộ phận người dân có tâm lý lo ngại khi bị thu hồi Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú, khi đó sẽ gặp khó khăn trong giao dịch dân sự. Sau khi được cơ quan công an đăng ký cư trú giải thích và hướng dẫn cũng đã thực hiện đúng quy định. Do đó, Bộ Công an, hiện nay không có chủ trương phải thu hồi Sổ hộ khẩu mà chỉ thực hiện thu hồi Sổ hộ khẩu khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký cư trú, dẫn đến thay đổi các thông tin trong Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã được cấp theo quy định.
Thời gian tới. Bộ Công an cũng sẽ có biện pháp để kiểm tra thực hiện quy định thu hồi sổ hộ khẩu giấy để đảm bảo công an cấp, cấp có thẩm quyền thực hiện đúng quy định của Luật Cư trú và chấn chỉnh, xử lý những trường hợp mà thu hồi không đúng quy định, gây phiền hà cho người dân.
PV: Xin chân thành cảm ơn ông./.