Việt Nam đầu tư hơn 424 triệu USD ra nước ngoài
Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết trong 10 tháng 2023, tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài cấp mới, điều chỉnh đạt gần 424,34 triệu USD, giảm 6,1% so với cùng kỳ năm ngoái
Trong đó, có 95 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới, với tổng vốn đăng ký đạt hơn 251,15 triệu USD, giảm 35,6% và có 19 lượt dự án điều chỉnh, với tổng vốn đầu tư tăng thêm hơn 173,19 triệu USD, gấp 2,8 lần so với cùng kỳ.
Từ đầu năm tới nay, các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài ở 14 ngành. Trong đó, bán buôn, bán lẻ dẫn đầu với 32 dự án đầu tư mới và 6 lượt điều chỉnh vốn, với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 151,63 triệu USD, chiếm 35,7% tổng vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài.
Ngành thông tin - truyền thông đứng thứ hai, với hơn 119,37 triệu USD, chiếm 28,1%. Tiếp theo là các ngành sản xuất, phân phối điện, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; công nghiệp chế biến, chế tạo…
Có 24 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam trong 10 tháng của năm 2023. Dẫn đầu là Canada với 1 dự án đầu tư mới và 1 dự án điều chỉnh vốn, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 150,2 triệu USD, chiếm 35,4% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo lần lượt là Singapore, Lào, Cuba…
Điều xuất tốt sang Trung Quốc, kỳ vọng xuất khẩu vượt mục tiêu
Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, tháng 9-2023, Việt Nam xuất khẩu khoảng 56,8 ngàn tấn hạt điều, đạt giá trị 310 triệu USD, tăng 47,6% về lượng và tăng 31,8% giá trị so với tháng 9 năm ngoái.
Lũy kế 9 tháng, xuất khẩu hạt điều cả nước đạt 452.600 tấn, trị giá 2,59 tỉ USD, tăng 18,8% về lượng và tăng 13,5% về trị giá so với cùng kỳ 2022. Giá xuất khẩu bình quân đạt 5.722 USD/tấn, giảm 4,5% so với cùng kỳ 2022.
Tính đến hết tháng 9 năm 2023, xuất khẩu điều sang hầu hết thị trường đều tăng trưởng mạnh, trong đó Trung Quốc ghi nhận mức tăng 42,3%, với kim ngạch 433,8 triệu USD, chỉ xếp sau Mỹ. Tính riêng tháng 9, Trung Quốc là khách hàng lớn nhất với giá trị xuất xuất khẩu đạt 73,2 triệu USD, tăng đến 107,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
- Tham khảo thêm
Ông Phạm Văn Công - chủ tịch Hiệp hội điều Việt Nam (Vinacas) - cho rằng xuất khẩu điều sang Trung Quốc tăng mạnh chủ yếu do sau dịch COVID-19, thị trường này tích cực mở cửa trở lại. Ngoài ra, cuối năm cũng là thời điểm Trung Quốc tiêu thụ mạnh mặt hàng nông sản.
Bãi bỏ nhiều nghị quyết liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19
Ngày 28-10, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà ký nghị quyết 174 bãi bỏ một số nghị quyết phòng, chống dịch COVID-19 do Chính phủ ban hành.
Trước đó, Bộ Y tế đã có quyết định từ ngày 20-10, COVID-19 chính thức chuyển sang bệnh truyền nhiễm nhóm B, cùng nhóm với bệnh cúm, sởi, sốt xuất huyết. Quy định phòng, chống dịch bệnh COVID-19 được thực hiện theo bệnh truyền nhiễm nhóm B.
Theo đề nghị của Bộ Y tế, nghị quyết kể trên bãi bỏ toàn bộ 9 nghị quyết được ban hành từ tháng 2-2021 đến tháng 3-2022 liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19, bao gồm chi phí cách ly y tế, chế độ phòng chống dịch; mua sắm vậ tư, trang thiết bị chống dịch; chính sách thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để tài trợ phòng, chống dịch,…
Ngoài ra, Chính phủ cũng bãi bỏ một phần với một số nghị quyết liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh COVID-19; chính sách thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp khi tài trợ máy thở để phòng, chống đại dịch COVID-19,..
Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 28-10. Các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành.
7,6% bệnh nhân đột quỵ nhập viện dưới 45 tuổi
Tại họp báo nhân hội nghị đột quỵ quốc tế 2023 tổ chức ngày 28-10 tại Hà Nội, ông Nguyễn Văn Chi (nguyên giám đốc Trung tâm cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết qua khảo sát trên 2.500 bệnh nhân đột quỵ, vào điều trị tại 10 bệnh viện trong cả nước thời gian qua cho kết quả đáng chú ý: có 7,6% trong số này ở lứa tuổi dưới 45.
Cũng theo ông Chi, đột quỵ đang là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Việc ra đời các trung tâm cấp cứu đột quỵ chuyên sâu giúp giảm tỉ lệ tử vong và tỉ lệ tàn phế ở bệnh nhân đột quỵ.
Tại Việt Nam, ước tính mỗi năm ghi nhận 200.000 ca đột quỵ. Những năm gần đây số trung tâm cấp cứu chuyên sâu như vậy đã tăng lên, nhưng so với nhu cầu thì vẫn còn thiếu, mới có trên 30% bệnh nhân đột quỵ được cấp cứu trong thời gian "giờ vàng", tức là trong 6 giờ đầu kể từ khi phát hiện đột quỵ.
Tại họp báo, chuyên gia tim mạch, hiệu trưởng Đại học Y dược (Đại học Quốc gia) Lê Ngọc Thành cũng chia sẻ đề xuất quỹ bảo hiểm y tế chi trả phí sàng lọc đột quỵ sớm. Điều này sẽ giúp ích rất nhiều cho việc phát hiện sớm ca bệnh.
Theo ông Thành, những người tiền sử gia đình có người đột quỵ, có các yếu tố nguy cơ như cao huyết áp, tim mạch, hay bị đau đầu... thuộc nhóm cần sàng lọc bệnh sớm.
Một số tin tức đáng chú ý: Sắp đấu thầu 130.000 tỉ đồng trái phiếu Chính phủ; TP.HCM chuẩn bị ứng phó triều cường 1,7m; Cần Thơ bắn pháo hoa tầm cao mừng 20 năm TP trực thuộc trung ương...