Dịch giả Nguyễn Bình tặng bản dịch Truyện Kiều bằng tiếng Anh cho Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Buổi gặp có sự có mặt của Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông và Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều.
Ông Thiều từng ký quyết định trao giải thưởng Tài năng trẻ lần thứ nhất, mảng văn học dịch, hồi đầu năm cho Nguyễn Bình. Tại buổi trao giải, Nguyễn Bình đang ở Mỹ nên không có mặt nhận giải do Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tới dự và trao giải cho các tác giả trẻ. Vì vậy Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, với tấm lòng quan tâm tới các tài năng trẻ, đã có buổi gặp gỡ với Nguyễn Bình vào dịp này khi Bình về nước.
Tại buổi gặp, ông Thiều giới thiệu Nguyễn Bình là "một trí tuệ rất kỳ lạ, tài năng lớn và quan trọng là yêu mảnh đất cha ông, yêu lịch sử, văn hóa dân tộc, tôn vinh nền văn hóa Việt, muốn giới thiệu tới bạn bè thế giới sự kỳ vĩ, nhân ái, nhân văn vô cùng sâu sắc của dân tộc Việt".
Ông cho biết bản dịch Truyện Kiều của Nguyễn Bình mà Hội Nhà văn Việt Nam trao giải hồi đầu năm đã được kiểm định bởi các nhà thơ, nhà ngôn ngữ danh tiếng của nước Mỹ và họ nhận xét đây là bản dịch đã làm Kiều mang tinh thần mới, một bản dịch sẽ góp phần quan trọng vào ngành Kiều học.
Theo ông Thiều, Nguyễn Bình được coi là thần đồng văn chương khi viết văn từ năm 8 tuổi, hiện là nghiên cứu sinh ngành thiên văn học ở Mỹ, thành viên của Hiệp hội Thiên văn học Hoa Kỳ và đang có nhiều sáng tác về văn hóa, lịch sử Việt Nam.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cầm trên tay bản dịch Truyện Kiều của dịch giả Nguyễn Bình - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Chia sẻ tại buổi gặp, Nguyễn Bình cho biết lý do mình dịch Truyện Kiều sang tiếng Anh là bởi anh đã đọc một số bản dịch tác phẩm này bằng tiếng Anh. Truyện Kiều chứa vũ trụ thu nhỏ của văn hóa Việt Nam ở trong đấy nhưng anh thấy có người dịch khá hay, có người dịch không hay lắm nên anh muốn tự mình dịch.
Nguyễn Bình chọn dịch sang thể thơ cổ của Anh mà theo Bình thì đã thất truyền từ khoảng năm 1600, nên công việc dịch thuật đã khó càng khó hơn. Bình quyết tâm làm bởi "cần phải đối xử với Truyện Kiều trong ngôn ngữ khác theo cách mà có thể Nguyễn Du đã đối xử với Truyện Kiều khi sáng tác nó bằng tiếng Việt hơn 200 năm trước".
Thể thơ cổ của Anh tuy giờ đây nếu nhắc đến "chỉ để cười vì quá xa xưa" nhưng Bình nhận ra sức mạnh ở thể thơ cũng được đúc kết từ hàng nghìn năm phát triển của ngôn ngữ Anh, giống như thể lục bát của người Việt.
Khi dịch, Bình không chỉ dừng lại từng con chữ mà đọc bản chữ Nôm, đọc các chú thích của học giả như Đào Duy Anh, Phan Ngọc và "rất nhiều vĩ nhân khác".
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều đánh giá rất cao bản dịch Truyện Kiều của dịch giả Nguyễn Bình trong buổi gặp gỡ với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao công trạng dịch Truyện Kiều của Nguyễn Bình, giúp quảng bá về đất nước, con người Việt Nam. Ông chỉ đạo Hội Nhà văn Việt Nam nên phát hiện, bồi dưỡng, nâng niu mọi tài năng trẻ.
Nhấn mạnh con đường của Nguyễn Bình còn dài, ông mong bạn trẻ tiếp tục rèn luyện, phấn đấu chăm chỉ, ý chí mạnh mẽ hơn nữa để tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp văn học nghệ thuật của nước nhà bằng những tác phẩm xuất sắc, tiếp tục giới thiệu không chỉ Truyện Kiều mà các tác phẩm nổi tiếng khác của Việt Nam để thế giới biết được nền văn hóa và phẩm chất của con người Việt Nam.
Chủ tịch nước hy vọng, tin tưởng với truyền thống gia đình gắn bó với sự nghiệp của đất nước, dân tộc (Nguyễn Bình là con trai của nhà báo Nguyễn Hòa - nguyên trưởng ban lý luận phê bình của báo Nhân Dân), Nguyễn Bình sẽ đóng góp vào truyền thống quý báu của đất nước thông qua những cuốn sách.
Dịch giả Nguyễn Bình chia sẻ cảm xúc của mình trong quá trình dịch lại Truyện Kiều sang tiếng Anh trong buổi gặp gỡ với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Nguyễn Bình cho biết đang trong quá trình viết một sử thi cho Việt Nam bởi thấy nước mình có nhiều truyện thơ hay nhưng không có sử thi kiểu Iliad của Hy Lạp.
Sử thi Nguyễn Bình viết bắt đầu bằng chuyện về con tàu không số, hành trình một con người Việt Nam thế kỷ XX đi gặp những nhân vật trong thần thoại Việt Nam và những nhân vật lịch sử.
Anh cũng đang hoàn thành cuốn tiểu thuyết bằng tiếng Anh có tên tiếng Việt Cái trống về nhà. Đó là truyện về cái trống đồng sông Đà ở châu Âu bằng cách nào đó đã trở lại được Việt Nam, một cuốn tiểu thuyết hiện thực huyền ảo về chủ đề hồi hương cổ vật.
Bình cũng chia sẻ vừa có ý tưởng viết tiểu thuyết về tướng Trần Khát Chân.
TTO - ‘Tôi luôn mong ước một ngày không xa Việt Nam sẽ có nhà văn đạt giải thưởng Nobel văn chương, mang đến niềm tự hào cho đất nước'.
Xem thêm: mth.20342012282112202-hna-gneit-gnas-ueik-neyurt-hcid-ert-gnan-iat-pag-coun-hcit-uhc/nv.ertiout