vĐồng tin tức tài chính 365

Biến rác, phụ phẩm bỏ đi thành 'vàng' xuất khẩu

2022-11-29 09:03

Những phụ phẩm nông nghiệp như vỏ trấu, vỏ cây, đầu tôm, xương cá… tưởng chừng là rác bỏ đi thì lại được nhiều doanh nghiệp (DN) đầu tư công nghệ chế biến thành những sản phẩm chất lượng cao, mặt hàng xuất khẩu đắt giá. Điều thú vị hơn là nhu cầu thị trường hiện rất lớn cả trong nước lẫn nước ngoài.

Vỏ trấu, vỏ cây… thành viên nén trăm triệu USD

Nhận ra tiềm năng từ nguồn nguyên liệu phụ phẩm cực lớn bị bỏ đi lãng phí mỗi ngày, nhiều DN đã đầu tư công nghệ biến thành những mặt hàng xuất khẩu thu về hàng trăm triệu USD mỗi năm.

Đơn cử như viên nén được sản xuất từ nguyên liệu phế phụ phẩm ngành chế biến gỗ như vỏ bào, mùn cưa, vụn vỏ cây, các mẩu gỗ thừa… hay phụ phẩm của ngành trồng trọt như vỏ trấu, bã mía, lá cây…

Biến rác, phụ phẩm bỏ đi thành 'vàng' xuất khẩu  ảnh 1

Viên nén gỗ chuẩn bị được đóng gói, xuất khẩu. Ảnh: QUANG HUY

Ông Phạm Minh Thiện, Tổng giám đốc Cỏ May Group, cho biết DN vừa quyết định đầu tư thêm sản phẩm phụ mới là viên nén vỏ trấu. Trấu được xay nhuyễn và đưa đến máy nén áp suất cao nén thành viên, công suất nhà máy đến 200-1.000 tấn/ngày.

Viên nén vỏ trấu thay thế cho than củi, than đá, dầu DO hay FO dùng để đốt lò hơi công nghiệp, lò sấy, lò nhuộm vải, dệt sợi trong các ngành giấy, may mặc, chế biến thủy sản, nông sản, thực phẩm… Trấu viên cũng giúp tiết kiệm hơn 60% so với dùng dầu và 40% so với than đá. Sản phẩm này còn có mùi thơm dễ chịu, lượng tro thải sau khi đốt rất mịn nên rất được khách hàng ưa chuộng.

“So với viên nén gỗ, viên nén trấu có ưu điểm nổi trội là nguồn nguyên liệu rất dồi dào từ trấu, rơm rạ, bã mía, vỏ đậu phộng… Viên nén vỏ trấu là lời giải mới và nguồn nhiên liệu cho các nhà máy điện, nhà máy công nghiệp tại Việt Nam. Cỏ May đang tìm đường xuất sang châu Âu bởi giá có thể tăng lên 10-20 lần” - ông Thiện chia sẻ.

Một sản phẩm khác là viên nén gỗ đang nổi lên là một ngành hàng xuất khẩu có giá trị lên tới tỉ USD mỗi năm. Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, nhận định ngành viên nén đang phát triển rất nóng. Năm 2022, viên nén đứng thứ tư về giá trị xuất khẩu trong tám mặt hàng xuất khẩu của gỗ và lâm sản, chỉ đứng sau đồ gỗ nội ngoại thất, gỗ nguyên liệu, dăm gỗ.

“Việc gia tăng sản xuất mặt hàng này sẽ giúp tận dụng nguyên liệu thừa trong công đoạn chế biến gỗ tạo ra, góp phần bảo vệ môi trường” - ông Lập nói.

Biến rác, phụ phẩm bỏ đi thành 'vàng' xuất khẩu  ảnh 2

Máy ép viên nén gỗ xuất khẩu lấy nguyên liệu từ vỏ, lá cây, cành ngọn, gỗ vụn…
Ảnh: QUANG HUY

Hiện cả nước có khoảng 80 DN tham gia xuất khẩu viên nén gỗ. Tính trong 10 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu viên nén gỗ lên tới 568 triệu USD, tăng hơn 82% so với cùng kỳ năm ngoái. Viên nén gỗ xuất khẩu nhiều sang Nhật Bản, Hàn Quốc và tới đây là châu Âu do nhu cầu chất đốt rất lớn.

Mỹ phẩm cao cấp từ đầu tôm, da cá

Trong ngành thủy sản, nhiều DN sớm đã tận dụng khai thác chế biến phụ phẩm thành các sản phẩm có giá trị gia tăng. Ví dụ như cá tra, ngoài phần thịt phi lê xuất khẩu thì còn nhiều phụ phẩm như đầu, ruột, xương, mỡ, da cá đã được DN đầu tư công nghệ chế biến thành những sản phẩm có giá trị cao.

Xương, đầu cá được sử dụng làm bột cá, thức ăn chăn nuôi, sản phẩm dầu cá được chế biến từ mỡ cá tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Cao cấp hơn, một số DN còn đầu tư công nghệ tách chiết xuất collagen và gelatin từ da cá dùng trong nhiều lĩnh vực liên quan tới thực phẩm, mỹ phẩm và dược phẩm.

Nhiều lợi ích khi tận dụng chế biến phụ phẩm, vừa tăng giá trị và giảm giá thành. Thứ hai là giải quyết các phụ phẩm này sẽ giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường. Hiện ngành chế biến phụ phẩm thủy sản Việt Nam mới đạt khoảng 270 triệu USD vì sự đầu tư vào các nhà máy chế biến còn ít. Nếu khai thác hết nguồn nguyên liệu hiện có thì có thể đạt 4-5 tỉ USD.

ÔngNGUYỄN VĂN ĐẠO,
Tổng giám đốc Công ty cổ phần
Gò Đàng

Một đơn vị xuất khẩu hàng đầu về cá tra là Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn, ngoài nguồn thu từ sản phẩm chính là cá tra phi lê chiếm 66% thì xuất khẩu các sản phẩm giá trị gia tăng cũng chiếm tới 19%. Đặc biệt nhóm hàng collagen và gelatin chiết xuất từ da cá tra đem về doanh thu đứng thứ ba cho công ty. Riêng nhóm hàng collagen và gelatin năm 2021 của Vĩnh Hoàn đạt doanh thu đến 642 tỉ đồng. Nếu tính luôn những sản phẩm phụ thì doanh thu lên tới hơn 2.200 tỉ đồng.

Ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Gò Đàng, cho biết 100% con cá tra đều chế biến được thành nhiều sản phẩm giá trị gia tăng khác nhau. Dầu ăn từ mỡ cá tra; xương, đầu, đuôi, ruột cá làm bột cá thức ăn chăn nuôi; bong bóng, bao tử tẩm ướp, snack da cá làm các sản phẩm giá trị gia tăng khác cung cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu. Riêng xương thì được dùng chế biến thức ăn cho gia súc và gia cầm.

Tương tự, tôm xuất khẩu được đưa vào chế biến dưới dạng bóc vỏ bỏ đầu, tỉ lệ đầu chiếm 35%-45%, phần vỏ còn lại chiếm 10%-15% trọng lượng của tôm nguyên liệu. Lượng phụ phẩm tôm này ở Việt Nam sẽ lên đến khoảng 300.000-400.000 tấn vào năm 2025, tương ứng mỗi ngày có hơn 1.000 tấn đầu, vỏ tôm bị thải loại khỏi dây chuyền sản xuất. Lượng phụ phẩm đó sẽ thải ra môi trường nếu không được chế biến.

Công ty Công nghệ sinh học Vietnam Food (VNF) là đơn vị tiên phong đầu tư công nghệ sản xuất thương mại chất chống ôxy hóa tự nhiên Astaxanthin từ đầu, vỏ tôm. Trên thị trường, Astaxanthin tự nhiên có thể được chiết xuất từ ​​vi tảo và nhuyễn thể, cần phải nuôi trồng tảo hoặc đánh bắt nhuyễn thể nên có giá thành cao. Ngoài làm thức ăn chăn nuôi, thức ăn thú cưng thì chất Astaxanthin còn được ứng dụng trong dược phẩm và mỹ phẩm với nhu cầu tiêu thụ trên thế giới rất lớn.

Cần cơ chế riêng cho công nghệ chế biến phụ phẩm

Là một nước nông nghiệp nên mỗi năm nước ta có một lượng rất lớn phế, phụ phẩm trong quá trình chế biến các sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm, ước tính gần 160 triệu tấn.

Trong đó, 89 triệu tấn phụ phẩm sau thu hoạch từ cây trồng, quá trình chế biến nông sản của ngành trồng trọt (chiếm 57%), hơn 61 triệu tấn phân gia súc, gia cầm từ ngành chăn nuôi (chiếm 39%) và gần 1 triệu tấn từ ngành thủy sản...

Theo ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Gò Đàng, để chế biến các phụ phẩm thành các sản phẩm giá trị gia tăng cao không hề đơn giản mà cần tốn nhiều chi phí nguồn vốn cho công nghệ, thiết bị, máy móc hiện đại.

“DN chế biến phụ phẩm sẽ góp phần bảo vệ môi trường. Vì vậy, theo tôi, cần chính sách ưu đãi, khuyến khích từ Nhà nước để DN mạnh tay đầu tư công nghệ cho lĩnh vực này” - ông Đạo góp ý.

GS Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp, cũng cho rằng việc thu gom, xử lý, chế biến và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên từ phế, phụ phẩm có ý nghĩa lớn đối với bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, trên thực tế, Việt Nam vẫn chưa tận dụng tốt các phế, phụ phẩm nông nghiệp sẵn có. Theo GS Xuân, đối với phế, phụ phẩm từ các quá trình sản xuất nông nghiệp, Nhà nước nên cho vay ưu đãi cho DN mua sắm thiết bị, máy móc chế biến phụ phẩm.

Xây vùng nguyên liệu bền vững cho viên nén xuất khẩu

Biến rác, phụ phẩm bỏ đi thành 'vàng' xuất khẩu  ảnh 3

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (nh), cho biết ngành viên nén xuất khẩu đang phát triển nóng. Xung đột Nga - Ukraine vẫn căng thẳng, xứ lạnh châu Âu lại đang bước vào mùa đông cần chất đốt để sưởi. Bên cạnh đó, thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản - nơi chiếm hơn 90% lượng xuất khẩu truyền thống mặt hàng viên nén gỗ của Việt Nam cũng tăng. Trong tương lai gần, xuất khẩu viên nén gỗ có tiềm năng lọt vào nhóm mặt hàng nông, lâm sản có giá trị xuất khẩu hằng năm trên tỉ USD.

Tuy nhiên, thiếu nguyên liệu và chứng chỉ bền vững là hai yếu tố các DN chế biến xuất khẩu viên nén phải lưu ý. Theo ông Lập, các DN sản xuất và xuất khẩu viên nén, cũng như DN sản xuất đồ gỗ, dăm, ván ép… có sử dụng gỗ rừng trồng cần quan tâm tới việc tạo ra các vùng nguyên liệu của mình nhằm ổn định nguồn nguyên liệu đầu vào.

DN viên nén tạo được vùng nguyên liệu sẽ đáp ứng được tiêu chuẩn của các thị trường xuất khẩu yêu cầu nguồn viên nén sử dụng gỗ nguyên liệu đầu vào có chứng chỉ bền vững.

QUANG HUY

Xem thêm: lmth.448907tsop-uahk-taux-gnav-hnaht-id-ob-mahp-uhp-car-neib/nv.olp

“Biến rác, phụ phẩm bỏ đi thành 'vàng' xuất khẩu”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools