Vào thời điểm này năm ngoái, sàn chứng khoán Nasdaq Composite đạt đỉnh, giá trị giao dịch tăng gấp đôi kể từ những ngày đầu của đại dịch.
Đợt IPO Rivian được đánh giá là "bom tấn" với kỷ lục về lượng phát hành mới. Các ông lớn thị nhau tuyển dụng và nhân viên của các công ty công nghệ tràn trề niềm vui với giá cổ phiếu sở hữu tăng cao ngất ngưởng.
Mười hai tháng sau, mọi thứ khác hẳn.
Bức tranh xám xịt
Không một công ty nào trong số 15 công ty công nghệ lớn nhất của Mỹ có lợi nhuận dương. Giá trị vốn hóa thị trường của Microsoft đã giảm khoảng 700 tỷ USD. Tương tự như thế, mức vốn hóa của Meta cũng bị "thổi bay" 70% so với mức đỉnh, xóa sạch hơn 600 tỷ USD giá trị trong năm nay.
Tổng cộng, các nhà đầu tư đã mất khoảng 7.400 tỷ USD, dựa trên mức giảm trong 12 tháng của Nasdaq.
Việc tăng lãi suất đã cản trở khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp. Cùng với đó, việc lạm phát tăng cao khiến những lời hứa hẹn về lợi nhuận trong tương lai trở nên kém giá trị. Cuộc khủng hoảng tiền số càng làm bức tránh vốn u ám thêm ảm đạm.
Và cái gì đến cũng phải đến. Các công ty công nghệ đồng loạt cắt giảm chi phí, đóng băng tuyển dụng mới và sa thải nhân viên. Hàng loạt nhân viên gia nhập những công ty "được thổi phồng trước khi IPO" phần lớn chỉ nhận tiền thù lao bằng quyền chọn mua cổ phiếu "hiện đang chìm sâu dưới nước". Tất cả chỉ có thể hy vọng vào sự phục hồi trong tương lai.
Các đợt IPO năm nay chậm lại sau nhiều thương vụ ra mắt đình đám vào năm 2020 và 2021. Thông qua đại dịch, các doanh nghiệp đã tận dụng xu hướng làm việc, giải trí từ xa và tiền trợ cấp từ chính phủ. Từ đó huy động hàng tỷ USD trong đợt chào bán công khai, đem lại số tiền khổng lồ cho ngân hàng và các công ty đầu tư mạo hiểm. Tuy nhiên, hiện nay mức định giá đã giảm sút rõ rệt.
Giá trị của Rivian đã giảm hơn 80% so với mức đỉnh sau khi đạt mức vốn hóa thị trường cao ngất ngưởng hơn 150 tỷ USD. Renaissance IPO ETF, một rổ các công ty mới niêm yết tại Mỹ, đã giảm 57% giá trị trong năm qua.
Một số CEO các công ty công nghệ thừa nhận rằng họ đã sai.
Giá trị các công ty công nghệ lao dốc khiến nhà đầu tư mất khoảng 7.400 tỷ USD (Ảnh: CHRISTOPHE VORLET)
Trên thực tế, đợt bùng phát COVID-19 trong hai năm qua không thay đổi vĩnh viễn cách con người làm việc, vui chơi, mua sắm và học tập.
Khi đại dịch diễn ra, các công ty đã "tuyển dụng và đầu tư như thể con người sẽ mãi mãi dành cả ngày vui vẻ với video call, làm việc trong phòng khách của mình và không đi máy bay, mua sắm ở trung tâm thương mại hay đi ăn ở các nhà hàng nữa". "Đó là một đánh cược tồi", tờ CNBC nhận định.
Thêm vào đó, lần đầu tiên sau gần hai thập kỷ, Nasdaq sắp thua S&P 500 trong nhiều năm liên tiếp. Sàn Nasdaq vốn mạnh về các chỉ số công nghệ đã bước vào giai đoạn hoạt động kém hiệu quả kéo dài bắt đầu với sự bùng nổ của bong bóng dot-com. Từ năm 2000 đến 2006, Nasdaq chỉ đánh bại S&P 500 một lần.
Thực tế tàn nhẫn với các công ty công nghệ diễn ra thời gian qua đang đặt câu hỏi về mức độ sai lầm của ngành và mức độ sai lầm đang ở mức nào? Trang CNBC nhấn mạnh, điều này phụ thuộc vào mức độ bạn tin tưởng Mark Zuckerberg.
"Tôi đã sai và tôi chịu trách nhiệm về điều đó"
Trước khi đổi tên vào cuối năm 2021, Facebook đã liên tục mang lại cho các nhà đầu tư lợi nhuận cao, vượt qua các dự đoán và tăng trưởng lợi nhuận với tốc độ lịch sử. Ngay cả trong bối cảnh thế giới đang mở cửa trở lại cùng những cáo buộc về xâm phạm quyền riêng tư, cổ phiếu của nền tảng vẫn tăng hơn 20% vào năm ngoái.
Tuy nhiên, theo nhận định của CNBC, CEO Mark Zuckerberg "không nhìn thấy tương lai theo cách mà các nhà đầu tư nhìn thấy". Cam kết chi hàng tỷ USD mỗi năm của Mark cho Metaverse đã khiến Phố Wall bối rối. Các nhà đầu tư vốn chỉ muốn Meta lấy lại chỗ đứng bằng thế mạnh vốn đã được chứng tỏ qua nhiều năm là quảng cáo trực tuyến.
Vấn đề lớn và trước mắt là Apple đã cập nhật chính sách bảo mật trong iOS, theo cách khiến Facebook và những nền tảng khác khó nhắm mục tiêu vào người dùng bằng quảng cáo hơn.
Với việc cổ phiếu giảm 2/3 và công ty đang đứng trước nguy cơ sụt giảm doanh thu trong quý thứ ba liên tiếp, Meta cho biết vào đầu tháng này rằng, họ sẽ sa thải 13% lực lượng lao động, tương đương 11.000 nhân viên. Đây là đợt cắt giảm quy mô lớn đầu tiên trong lịch sử của Facebook – Meta.
"Tôi đã sai và tôi chịu trách nhiệm về điều đó", Mark Zuckerberg nói.
Khoản chi khổng lồ cho nhân viên không có gì mới đối với Thung lũng Silicon và Meta cũng không phải là một ngoại lệ.
Các kỹ sư phần mềm từ lâu đã được cam kết về các gói bồi thường quá lớn từ các ông chủ, dẫn đầu là Google. Trong cuộc chiến giành nhân tài và dòng vốn tự do, lương trong lĩnh vực công nghệ đã đạt đến một tầm cao mới.
Các nhà tuyển dụng tại Amazon có thể ném hơn 700.000 USD vào một kỹ sư hoặc một quản lý dự án có trình độ. Theo thống kê của Levels.fyi, tại công ty game Roblox, một kỹ sư cấp cao nhất có thể kiếm được 1,2 triệu USD/năm. Hãng phần mềm Asana, IPO vào năm 2020, vốn chưa bao giờ mang lại lợi nhuận nhưng trả lương cho kỹ sư với khởi điểm lên tới 198.000 USD, theo dữ liệu thị thực H1-B.
Tua nhanh đến quý cuối cùng của năm 2022, những ngày thanh bình đó chỉ còn là ký ức xa vời.
Việc sa thải hàng loạt tại Cisco, Meta, Amazon và Twitter đã khiến 29.000 người mất việc làm, theo dữ liệu được thu thập bởi trang web Layoffs.fyi. Tính trên toàn ngành công nghệ Mỹ, việc cắt ảnh hưởng tới 130.000 người. HP vừa công bố trong tuần này rằng, công ty có thể sẽ sa thải từ 4.000 đến 6.000 nhân viên trong ba năm tới.
Đối với nhiều nhà đầu tư, đó chỉ là vấn đề thời gian.
"Đó là một thực tế được giữ bí mật ở Thung lũng Silicon rằng các công ty từ Google đến Meta, Twitter đến Uber có thể đạt được mức doanh thu tương tự với ít người hơn rất nhiều", Brad Gerstner, một nhà đầu tư công nghệ tại Altimeter Capital, đã viết vào tháng trước.
Bức thư của Gerstner nhắm cụ thể vào Zuckerberg, thúc giục CEO của mạng xã hội lớn nhất thế giới cắt giảm chi tiêu.
"Tôi cho rằng những công ty sẽ còn hoạt động tốt hơn và hiệu quả hơn nếu không có sự thờ ơ đi kèm với tốc độ mở rộng nhân viên cực cao", Brad Gerstner viết thêm.
Các nhà đầu tư tại quỹ TCI Fund Management cũng lặp lại quan điểm đó trong một bức thư gửi cho Giám đốc điều hành Google, Sundar Pichai. Google vừa ghi nhận tốc độ tăng trưởng chậm nhất trong quý kể từ năm 2013.
"Các cuộc trò chuyện của chúng tôi với các cựu giám đốc điều hành cho thấy rằng doanh nghiệp có thể hoạt động hiệu quả hơn với số lượng nhân viên ít hơn đáng kể", bức thư viết. CNBC phản ánh trong tuần này, các nhân viên của Google đang ngày càng lo lắng rằng tình trạng sa thải có thể sắp xảy ra với mình.
"Một cuộc tắm máu" SPAC
SPAC là viết tắt của cụm Special Purpose Acquisition Company, tạm dịch là những công ty mua lại có mục đích đặc biệt, được lập nên để huy động vốn thông qua IPO để thâu tóm công ty khác.
SPAC là một công ty rỗng, không có hoạt động thương mại, được thành lập để niêm yết trên sàn chứng khoán và huy động một lượng tiền mặt lớn từ một nhóm nhà đầu tư. Sau đó, SPAC sẽ dùng số tiền này để mua một startup có tiềm năng và đưa doanh nghiệp này lên sàn.
Tại Mỹ vào năm ngoái, đã có 619 SPAC đã được ra mắt, so với 496 đợt IPO truyền thống.
Năm nay, thị trường SPAC đã là "một cuộc tắm máu", theo nhận định của CNBC.
Chỉ số SPAC của CNBC Post, theo dõi hiệu suất của các cổ phiếu SPAC sau khi ra mắt, đã giảm hơn 70% kể từ khi thành lập và giảm khoảng 2/3 trong năm qua.
Nhiều SPAC không bao giờ tìm thấy mục tiêu và đã trả lại tiền cho các nhà đầu tư. Chamath Palihapitiya, từng được mệnh danh là "vua SPAC", đã chấm dứt hai thương vụ vào tháng trước sau khi không tìm được mục tiêu sáp nhập phù hợp và trả lại 1,6 tỷ USD cho các nhà đầu tư.
Theo nhóm đầu tư mạo hiểm của EY, năm ngoái, các nhà đầu tư đã đổ 325 tỷ USD vào các công ty được hỗ trợ bởi nguồn vốn mạo hiểm, đạt đỉnh vào quý 4 năm 2021. Nhưng, thời của "tiền rẻ" đã qua lâu rồi. Giờ đây, các công ty thiên về phòng thủ hơn là tấn công trong vấn đề tài chính, huy động vốn khi cần và thường không chạy theo những khoản đầu tư rủi ro.
Jeff Grabow, lãnh đạo quỹ đầu tư mạo hiểm của EY, nói với CNBC: "Bạn không biết điều gì sẽ xảy ra trong tương lai. Các nhà đầu tư mạo hiểm đang hợp lý hóa danh mục đầu tư của họ".
Cũng theo CNBC, những ngày này, từ "lợi nhuận" được sử dụng nhiều hơn rất nhiều so với những năm gần đây. Đó là bởi vì các công ty không mấy tin tưởng vào các nhà đầu tư mạo hiểm và thị trường đại chúng không còn trả tiền cho những tên tuổi có tốc độ tăng trưởng cao, doanh thu cao.
Hệ số doanh thu kỳ hạn của các công ty đám mây hàng đầu hiện chỉ còn hơn 10, giảm so với mức cao nhất là 40, 50 hoặc thậm chí cao hơn, đối với một số công ty ở đỉnh cao vào năm 2021.
"Khi thị trường IPO trở nên hạn chế hơn, điều này làm giảm khả năng tìm kiếm thanh khoản thông qua thị trường đại chúng của doanh nghiệp" Golden, người trước đây điều hành mảng ngân hàng viễn thông, truyền thông và công nghệ tại JPMorgan, cho biết.
Chỉ có 173 đợt IPO ở Hoa Kỳ trong năm nay, thấp hơn nhiều so với 961 đợt IPO vào cùng thời điểm năm 2021.
Theo nghiên cứu của FactSet, trung bình một năm có thể chứng kiến 100 đến 200 đợt IPO tại Hoa Kỳ. Dữ liệu được tổng hợp bởi Jay Ritter, một chuyên gia về IPO và là giáo sư tài chính tại Đại học Florida, cho thấy có 123 đợt IPO công nghệ vào năm ngoái, so với mức trung bình 38 đợt một năm từ năm 2010 đến năm 2020.
Con đường phía trước?
Bức tranh ảm đạm được vẽ ở trên sẽ khó mà hoàn chỉnh nếu không nhắc tới Elon Musk.
Người giàu nhất thế giới, ngay cả sau khi giá trị của Tesla giảm gần 50% - hiện là chủ sở hữu của Twitter, sau một thương vụ được báo chí ví như một series phim truyền hình dài tập.
Sau khi tiếp quản nền tảng mạng xã hội mà mình thường xuyên đăng đàn, Musk nhanh chóng sa thải một nửa lực lượng lao động của Twitter và chào đón cựu Tổng thống Donald Trump trở với lý do là kết quả của một cuộc thăm dò không chính thức. Nhiều nhà quảng cáo đã "bỏ chạy" khỏi Twitter.
Cùng với thời điểm đó là sự sụp đổ của FTX, sàn giao dịch tiền điện tử vốn đã được định giá 32 tỷ USD mà không có ban giám đốc hay giám đốc tài chính. Các công ty hàng đầu như Sequoia, BlackRock và Tiger Global chứng kiến các khoản đầu tư của họ bị xóa sổ chỉ sau một đêm.
"Chúng tôi đang chấp nhận rủi ro," Sequoia viết trong một bức thư gửi cho các đối tác, thông báo rằng công ty đang đánh dấu khoản đầu tư hơn 210 triệu USD vào FTX của mình xuống con số 0. "Một số khoản đầu tư sẽ gây bất ngờ khi đi lên và một số sẽ gây bất ngờ khi đi xuống", bức thư nói thêm.
CNBC nhận định, cuộc khủng hoảng tiền điện tử, tình trạng sa thải gia tăng và tình trạng hỗn loạn chung của thị trường, dù là u ám nhưng không phải là tất cả về bức tranh thị trường sau một năm đạt đỉnh.
Đạo luật Giảm lạm phát của Tổng thống Joe Biden và Đạo luật về Khoa học và Chip được hứa hẹn sẽ đem đến đến các khoản đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ quan trọng trong năm tới.
Ngoài ra, ông Golden cũng đưa những dự đoán về sự tăng trưởng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, nước sạch và năng lượng cũng như băng thông rộng vào năm 2023.
"Tất cả chúng tôi đều hơi lạc quan về điều đó "bất chấp những khó khăn của kinh tế vĩ mô", ông Golden nói.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.673121192112202-on-tahp-ehgn-gnoc-gnob-gnob-man-tom-dsu-yt-0047-tam/et-hnik/nv.vtv