Giảm đánh bắt và nuôi trồng bền vững chính là hướng đi cần thiết để tiến tới gỡ thẻ vàng thủy sản - Ảnh: QUANG ĐỊNH
LTS: Trong chuyến thăm TP.HCM vừa qua (ngày 27 và 28-11), Cao ủy của Liên minh châu Âu (EU) phụ trách Môi trường, Đại dương và Nghề cá - ông Virginijus Sinkevicus - đã dành cho Tuổi Trẻ buổi trao đổi riêng về việc gỡ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC) với hoạt động đánh bắt cá trái phép, không báo cáo và không được quản lý (IUU).
Ông Virginijus Sinkevicius đã đánh giá cao những nỗ lực từ phía Việt Nam trong việc gỡ thẻ vàng IUU và đưa ra thêm một số chia sẻ để có thể gỡ được thẻ vàng này trong thời gian sớm nhất.
Ông Virginijus Sinkevicius
* Trong năm năm qua, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện nhiều bước đi cần thiết để gỡ thẻ vàng thủy sản của EC. Ông đánh giá như thế nào về các nỗ lực này?
- Trước hết, chúng tôi có chính sách tuyệt đối không chấp nhận IUU cả ở trong nước và quốc tế. Do đó, các quy định pháp luật phải được thực hiện nghiêm túc. Về các nỗ lực và sự tiến bộ của Việt Nam, có thể khẳng định chắc chắn là đã có một số tiến bộ.
Tôi đánh giá cao sự hợp tác giữa Đoàn thanh tra của Tổng vụ Biển và Thủy sản châu Âu (DG - MARE) của EC và Bộ NN&PTNT Việt Nam. Tôi nghĩ rằng sự hợp tác của hai bên là tốt đẹp.
Lần gần nhất đoàn thanh tra đến Việt Nam là vào cuối tháng 10 vừa qua (đây là lần thanh tra thứ ba, từ ngày 20 đến 28-10 - PV). Họ sẽ chuẩn bị báo cáo đánh giá về sự tiến bộ của Việt Nam và công bố vào đầu năm tới. Từ khi có báo cáo này, Việt Nam sẽ có sáu tháng để giải quyết những tồn tại cần khắc phục.
Chúng tôi sẽ làm việc và hợp tác rất chặt chẽ trong vấn đề này (với Việt Nam) nhưng tất nhiên, chỉ các quy định luật pháp thôi là chưa đủ. Vấn đề quan trọng chính là việc thực thi trên thực tế và do nhiều lý do, điều này chưa được làm tốt.
Việc thực thi cũng không dễ với Việt Nam vì các bạn có số lượng tàu lớn nhưng rất nhiều trong số này là các tàu rất nhỏ. Ngoài ra, một điều rất quan trọng khác nữa là đảm bảo các cơ quan thực thi pháp luật thực hiện trách nhiệm của mình một cách nghiêm túc. Một lần nữa, do nhiều lý do, có nhiều yếu tố phức tạp trong việc thực hiện điều này.
Máy đo tọa độ thể hiện vùng biển ngư dân được quyền khai thác - Ảnh: MINH CHIẾN
* Tất nhiên Việt Nam sẽ phải xử lý mọi vấn đề còn tồn tại để gỡ thẻ vàng thủy sản, nhưng nếu có thể kể những việc cần ưu tiên nhất, ông cho rằng Việt Nam cần tập trung vào điều gì?
- Trước hết, đó là việc tuân thủ pháp luật trong hoạt động đánh bắt trên thực tế. Tôi nghĩ đây là điều cực kỳ, vô cùng quan trọng. Việc tuân thủ quy định pháp luật trên thực tế phải được tất cả các tỉnh, tất cả các khu vực nghiêm túc thực hiện.
Thứ hai, tôi muốn nhấn mạnh rằng cần đảm bảo không có thị trường tiêu thụ cá đánh bắt trái phép: cá đánh bắt trái phép không thể cập cảng; công ty chế biến hoặc xuất khẩu không thể mua loại cá này.
Thứ ba, Việt Nam có thể cần ít nhất là một loại chứng nhận nào đó để chứng minh nguồn gốc của cá. Hệ thống truy xuất nguồn gốc cũng vô cùng quan trọng.
* Ông có nghĩ rằng Việt Nam có cơ hội gỡ thẻ vàng thủy sản IUU ngay trong năm 2023 không?
- Điều này hoàn toàn tùy thuộc vào các nỗ lực và những công việc mà Chính phủ Việt Nam đã thực hiện như thành lập các cơ quan giám sát, các văn phòng ở các khu vực và cả nỗ lực của ngư dân.
* Thực tế là sau khi EC rút thẻ vàng thủy sản cho Việt Nam năm 2017, lượng xuất khẩu hải sản của Việt Nam sang EU đã giảm đáng kể. Theo ý kiến của ông, hải sản Việt Nam có cơ hội như thế nào ở thị trường EU?
- Tôi nghĩ rằng cơ hội luôn lớn với hải sản Việt Nam ở thị trường EU nhưng các bạn phải nhớ rằng người tiêu dùng ở EU rất tuân thủ pháp luật và luôn muốn có thông tin đầy đủ về sản phẩm. Vì vậy, chúng tôi đã nỗ lực thực hiện truy xuất nguồn gốc đầy đủ. Chúng tôi không chỉ truy xuất nguồn gốc với cá mà cả các sản phẩm từ cá.
Với người tiêu dùng EU, họ sẽ không tham gia vào các hoạt động không bền vững. Tôi nghĩ nếu các tiêu chuẩn cao về tính bền vững được đảm bảo, thị trường EU là thị trường có thể trả giá tốt cho một sản phẩm chất lượng hàng đầu.
Không có khả năng chuyển sang thẻ đỏ
* Vậy chuyện xấu hơn là từ thẻ vàng đổi màu sang thẻ đỏ, ông nghĩ sao?
- Tại thời điểm này, tôi không thấy khả năng này. Tôi nghĩ rằng chúng ta nên từng bước đánh giá sự tiến bộ. Ít nhất là từ cuộc họp của tôi với Chính phủ Việt Nam, tôi thấy quyết tâm của Chính phủ, quyết tâm của ngành thủy sản. Chúng ta nên nhìn vào tương lai lạc quan.
Thu hoạch tôm tại thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng - Ảnh: QUANG ĐỊNH
* Việt Nam đã nỗ lực tăng nuôi trồng, giảm đánh bắt hải sản và cần một số hỗ trợ như kỹ thuật nuôi trồng và tiếp cận nguồn vốn. Ông có thể chia sẻ về những sự hỗ trợ mà EU đang dành cho nghề nuôi trồng thủy hải sản?
- Chúng tôi chia sẻ các thực hành tốt nhất liên quan đến nuôi trồng thủy sản và nền kinh tế xanh. Ngoài ra, nếu có một tiềm năng chưa được khai thác thì chắc chắn là trồng tảo. Hiện nay, thị trường tảo ở EU đang tăng trưởng. Trong khối EU, chúng tôi chỉ sản xuất được một tỉ lệ tảo rất nhỏ.
Đến năm 2030, giá trị tiêu thụ tảo của chúng tôi sẽ đạt khoảng 10 tỉ euro mỗi năm. Đây là một tiềm năng lớn mà chúng tôi nhận thấy mình sẽ không thể tự đáp ứng - dù chỉ 30% mức tiêu thụ đó. Đây là một cơ hội tuyệt vời cho các quốc gia khác để trồng và bán tảo vào EU.
* Ông có lời khuyên gì cho Việt Nam để chúng tôi phát triển ngành nuôi trồng thủy hải sản bền vững?
- Theo tôi, nuôi trồng thủy hải sản bền vững là một hướng đi đúng. Các bạn hãy đầu tư hơn nữa vào việc này và đảm bảo rằng sản phẩm được chứng nhận và công nhận vì điều này sẽ là tiếp thị gần như miễn phí cho sản phẩm.
Như tôi đã nói, người tiêu dùng EU muốn được thông tin đầy đủ về sản phẩm. Họ muốn biết sản phẩm đến từ đâu, được sản xuất bằng cách nào và nếu đó là một sản phẩm thực sự đảm bảo các tiêu chí bền vững, chúng sẽ được bán với giá tốt và có thể được người tiêu dùng châu Âu đánh giá rất cao.
Hiến kế để ngành thủy sản thoát thẻ vàng IUU
Trong năm năm qua, báo Tuổi Trẻ đã có nhiều bài tuyên truyền, phản ánh những tồn tại, ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong việc gỡ thẻ vàng như: Còn vi phạm có thể tịch thu tàu?, Dốc sức gỡ thẻ vàng hải sản, Phạt tiền tỉ để cứu cả ngành thủy sản, Việt Nam khẳng định lập trường chống khai thác thủy sản bất hợp pháp...
Một trong những biện pháp đảm bảo tăng trưởng xuất khẩu ngành thủy sản nhưng vẫn tuân thủ các quy định IUU chính là đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản nước ngọt và nuôi biển có kiểm soát. Đây cũng là định hướng phát triển của ngành thủy sản Việt Nam trong thời gian tới bằng việc giảm và ổn định đánh bắt, khai thác và tăng cường nuôi trồng.
Từ tháng 9-2022 báo Tuổi Trẻ và Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) đã mở Diễn đàn "Phát triển ngành công nghiệp thủy sản" nhằm tập hợp ý kiến đóng góp của các bộ ngành, địa phương, các doanh nghiệp, hiệp hội, các chuyên gia và nhà khoa học để phát triển nuôi trồng thủy sản Việt Nam theo hướng hiện đại, bền vững.
Hội thảo đầu tiên trong diễn đàn được tổ chức tại Sóc Trăng ngày 12-10 với chủ đề "Gỡ khó để thủy sản Việt Nam vươn lên tốp đầu thế giới" đã nhận được sự quan tâm nhiệt tình của các đại biểu tham dự.
Báo Tuổi Trẻ rất mong tiếp tục nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia, doanh nghiệp, người dân... gửi về diễn đàn để có những kiến nghị thiết thực tới các cơ quan trung ương và địa phương nhằm phát triển ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam trong thời gian tới.
Mọi ý kiến đóng góp xin vui lòng gửi về báo Tuổi Trẻ theo địa chỉ: 60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, Phú Nhuận, TP.HCM; ĐT: 0918033133; Email: toasoan@tuoitre.com.vn.
BÁO TUỔI TRẺ
Việt Nam quyết liệt gỡ thẻ vàng
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 29-11, ông Nguyễn Quang Hùng, phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), cho biết trong năm năm qua, Việt Nam rất nỗ lực hoàn thiện, khắc phục các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) đối với Việt Nam.
Về pháp lý: Sau lần kiểm tra năm 2019, EC đưa ra 4 khuyến nghị đối với Việt Nam thì đến nay Việt Nam đã có đầy đủ Luật thủy sản, 2 nghị định, 8 thông tư...
Về phía Bộ NN&PTNT đã xây dựng các chương trình, đề án như Chương trình quốc gia về phát triển khai thác thủy sản bền vững, Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản, Quy hoạch hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, Đề án phòng - chống khai thác IUU đến năm 2025... Việt Nam cũng đã rà soát, sửa đổi bổ sung các thông tư, nghị định liên quan để phù hợp thực tiễn nghề cá tại Việt Nam và các quy định quốc tế.
Nỗ lực gỡ thẻ vàng EC từ phía Việt Nam - Đồ họa: T.ĐẠT
Về quản lý đội tàu, theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá: Đến nay Việt Nam đã ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa dữ liệu tàu cá lên Hệ thống cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase) để quản lý đội tàu.
Hệ thống giám sát tàu cá đã được triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, chia sẻ, kết nối giữa các cơ quan, đơn vị chức năng liên quan. Các tỉnh đã thực hiện có kết quả tốt như Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế, Ninh Bình, Cà Mau, Thanh Hóa, Bình Định, Bình Thuận, Bến Tre, Sóc Trăng...
Bộ NN&PTNT đã phân bổ hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản ở vùng khơi hơn 31.000 giấy phép. Các tỉnh, thành phố ven biển đã công bố hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản ở vùng ven bờ và vùng lộng với hơn 67.000 giấy phép.
Kiểm soát tàu cá trước khi xuất bến đi khai thác phải đảm bảo đầy đủ giấy tờ, trang thiết bị, lao động trên tàu theo quy định. Các lực lượng hải quân, biên phòng, cảnh sát biển, kiểm ngư và thanh tra thủy sản tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên các vùng biển, đặc biệt là tại các khu vực vùng biển giáp ranh, chồng lấn chưa phân định giữa Việt Nam và các nước.
Về công tác chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác: Triển khai thực hiện theo quy định của Luật thủy sản, Hiệp định về các biện pháp quốc gia có cảng (Hiệp định PSMA) cơ bản đáp ứng yêu cầu.
Truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác tại vùng biển Việt Nam được kiểm soát theo chuỗi, đảm bảo thống nhất với hồ sơ kiểm soát tàu ra vào cảng, công tác xác nhận tại 53 cảng cá chỉ định, chứng nhận tại chi cục thủy sản, cấp chứng thư xuất khẩu và kiểm soát nguyên liệu tại các nhà máy chế biến.
Năm 2021, thị trường EU đã cấp được 2.715 giấy chứng nhận khai thác với khối lượng gần 32.000 tấn. Từ đầu năm 2022 đến nay đã cấp trên 1.500 giấy với khối lượng đạt trên 21.000 tấn.
Ngoài ra, việc kiểm soát nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác nhập khẩu từ nước ngoài đã được tăng cường, đảm bảo theo quy định của pháp luật Việt Nam và cơ bản đáp ứng được quy định của Hiệp định PSMA.
Về việc thực thi pháp luật: Hải quân, biên phòng, cảnh sát biển và kiểm ngư cùng với các tỉnh, thành phố ven biển đã triển khai nhiều giải pháp như các lực lượng thực thi pháp luật trên biển duy trì trên 30 tàu, sử dụng máy bay không người lái, máy bay DHC-6 kết hợp với tàu mặt nước trên thực địa để tuần tra, kiểm soát, trọng tâm là ở vùng biển giáp ranh với Malaysia, Indonesia, Thái Lan. Đồng thời lập danh sách tàu cá có nguy cơ cao vi phạm để tăng cường theo dõi, giám sát hoạt động trên biển...
Đến nay đã ngăn chặn, chấm dứt được tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm ở các nước, quốc đảo Thái Bình Dương. Các địa phương đã làm tốt như Phú Yên, Tiền Giang, công tác xử phạt các hành vi khai thác IUU đã được triển khai tích cực tại nhiều địa phương như Cà Mau, Kiên Giang, Bến Tre, Tiền Giang, Quảng Ngãi, Bình Định, Bình Thuận...
Trong hoạt động gần nhất, dự kiến ngày 1-12, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ chủ trì hội nghị trực tuyến với các bộ, ban, ngành và 28 tỉnh, thành phố ven biển về triển khai các giải pháp đồng bộ khắc phục tồn tại, hạn chế về IUU.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết qua đợt kiểm tra thực tế của đoàn thanh tra của EC hồi tháng 10-2022, EC tiếp tục ghi nhận quyết tâm chính trị của Việt Nam, đặc biệt là sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Chính phủ.
Vì thế, tình hình đã có nhiều chuyển biến tích cực hơn rất nhiều so với lần thanh tra thực tế lần thứ 2 vào năm 2019. "EC cũng đánh giá các khung pháp lý của Việt Nam cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu quốc tế về chống khai thác IUU và tiếp tục được hoàn thiện theo hướng tích cực", ông Tiến nói.
CHÍ TUỆ
TTO - Dù giá trị xuất khẩu hải sản Việt Nam sang EU vẫn tăng nhưng trong cả bức tranh chung xuất khẩu thủy sản, vị thế của EU ngày càng mờ nhạt và thu hẹp vì ảnh hưởng thẻ vàng IUU.
Xem thêm: mth.5484128003112202-3202-man-gnort-coud-mal-es-cul-on-uen-nas-yuht-gnav-eht-og/nv.ertiout