Ông Nguyễn Trọng Nghĩa - bí thư Trung ương Đảng, trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương (thứ hai từ trái sang) - trao đổi với các đại biểu bên lề hội thảo - Ảnh: NAM TRẦN
Đây là ý kiến tại buổi hội thảo quốc gia "Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới" diễn ra ngày 29-11 tại Hà Nội, kết nối trực tuyến Huế và TP.HCM.
Hội thảo do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Hội đồng Lý luận trung ương, Bộ VH-TT&DL, Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tổ chức. Bí thư Trung ương Đảng - Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa chủ trì hội thảo.
Đừng để các hệ giá trị chỉ là những mỹ từ hô hào
Góp ý hội thảo trong phiên buổi chiều, PGS.TS Nguyễn Thị Phương Châm - viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa và GS.TS Trần Văn Phòng - nguyên viện trưởng Viện Triết học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - đều đề cập đến câu chuyện về tính thực tế khi xây dựng các hệ giá trị quốc gia, văn hóa, gia đình, con người Việt Nam.
Bà Phương Châm cho biết các hệ giá trị được đưa ra đều là các mỹ từ, nghe rất hay, rất quen thuộc nhưng dường như những khái quát này vẫn chưa ghi nhận/phản ánh được những hệ giá trị văn hóa đa dạng mà các nhóm địa phương, tộc người trên cả nước đang thực hành trong thực tế cuộc sống thường ngày của họ.
Điều này khiến cho các hệ giá trị văn hóa được xác định vẫn chưa thực sự gắn với thực tiễn, chưa đi vào cuộc sống mà chủ yếu tồn tại trên sách vở, trong các văn bản chính sách, trên các diễn đàn và các diễn ngôn truyền thông, tuyên truyền.
Theo bà Phương Châm, nếu quan tâm đúng mức hơn đến tính thực tiễn của hệ giá trị văn hóa thì chúng ta sẽ khắc phục được sự chung chung, hô hào, hình thức trong xây dựng hệ giá trị văn hóa.
Ngoài ra, cũng rất cần phải quan tâm tới sự đa dạng trong văn hóa Việt Nam khi xây dựng các hệ giá trị. Việt Nam rất đa dạng về sinh thái, tộc người, đa dạng về biểu đạt văn hóa, các dạng thức văn hóa, các vùng văn hóa. Đi cùng với nó tất nhiên là đa dạng hệ giá trị văn hóa. Vì vậy, bà Phương Châm cho rằng hệ giá trị phải đa dạng, đa chiều, đa ý nghĩa.
Cùng lưu ý phải dựa vào nhân dân để xây dựng các hệ giá trị để được người dân chấp nhận trong đời sống của họ, ông Phòng nói nhân dân là chủ thể và trung tâm của toàn bộ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Không dựa vào dân thì không làm được gì cả.
Trong các hệ giá trị được bàn tới ở hội thảo, ông Phòng nhấn mạnh tầm quan trọng của hệ giá trị gia đình trong giai đoạn này, bởi nhân cách mỗi con người được hình thành đầu tiên là từ gia đình.
Hiện thực hóa các hệ giá trị trong đời sống
Với hai phiên thảo luận buổi sáng và buổi chiều, các đại biểu thống nhất khẳng định tính cấp thiết phải nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới.
Tổng kết hội thảo, Bí thư Trung ương Đảng - Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết hội thảo đã thống nhất cần hiện thực hóa các hệ giá trị này trong đời sống thực tiễn và thời gian tới cần phải đưa vấn đề giáo dục giá trị vào trong hệ thống giáo dục quốc dân, từ giáo dục phổ thông tới đại học, trong các học viện.
Trước đó, các hệ giá trị đã được xác định trong một dự án cấp nhà nước do Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam thực hiện. Theo đó, hệ giá trị con người Việt Nam gồm tám giá trị chủ yếu là: yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo. Hệ giá trị gia đình gồm bốn giá trị cốt lõi: ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh. Hệ giá trị văn hóa gồm bốn giá trị: dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học. Hệ giá trị quốc gia gồm chín giá trị: hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc.
Giải pháp quan trọng: chống xuống cấp đạo đức
GS.TS Từ Thị Loan - nguyên viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam - cho biết do tầm quan trọng của hệ giá trị quốc gia nên đa số các nước trên thế giới đều rất quan tâm xây dựng hệ giá trị quốc gia, lấy đó làm kim chỉ nam cho sự phát triển và biến thành động lực để cả xã hội phấn đấu thực hiện.
GS Trần Văn Phòng còn đóng góp những ý kiến tâm huyết cho công cuộc xây dựng các hệ giá trị Việt Nam. Ông cho rằng giải pháp đột phá rất quan trọng là phải chống sự xuống cấp của đạo đức xã hội. "Xây dựng hệ giá trị không thể tách rời việc chống lại những cái phản giá trị", ông Phòng nói.
Dẫn ra các ví dụ đau lòng và rúng động xã hội gần đây về sự xuống cấp của đạo đức xã hội như con gái mang xăng đốt mẹ, ông Phòng nói đó là nỗi đau của cả xã hội chứ không phải của riêng gia đình đó. Hiện tượng này tuy không phổ biến nhưng nó đã xuất hiện. Và thực tế sự suy thoái đạo đức xuất hiện trong tất cả các lĩnh vực, trong đó có cả những lĩnh vực cứu người, trồng người như giáo dục, y tế.
"Y tế kinh doanh trên tính mạng con người, giáo dục thì buôn bán giáo dục con người. Vậy thì còn gì nữa. Nếu chúng ta không làm nhanh cái này thì rất nguy cấp" - ông Phòng nói.
Văn hóa chính là cách sống và làm người
Cùng góp ý cho việc xây dựng các hệ giá trị văn hóa, chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới..., Tuổi Trẻ giới thiệu một số ý kiến về vấn đề này.
Mô hình con người tam tính của Viện Giáo dục IRED
TS Giản Tư Trung (nhà hoạt động giáo dục):
Ba đặc tính cần thiết của con người Việt Nam nhìn từ góc độ văn hóa
Trước hết, cần chia sẻ một cách hiểu về văn hóa. Ở đây, văn hóa chính là cách sống và làm người. Theo cách hiểu này thì làm việc, làm sếp hay làm ăn cũng là làm người. Bởi lẽ con người mình như thế nào thì mình sẽ làm việc, làm sếp hay làm ăn như thế.
Tôi từng có dịp chia sẻ về mô hình "con người tam tính", với ba đặc tính quan trọng cấu thành trong mỗi con người Việt Nam. Đó là: nhân tính vừa là lớp lõi vừa là phần gốc; quốc tính nằm ở lớp giữa và dựa trên nền tảng nhân tính; cuối cùng là cá tính ở lớp ngoài. Ba đặc tính này sẽ làm nên con người Việt Nam: vừa rất nhân loại vừa rất dân tộc và cũng rất chính mình.
Cần nói thêm một chút ở chỗ quốc tính. Đó là hồn cốt, bản sắc dân tộc, là căn tính, truyền thống quốc gia nhưng nó cần phải được sàng lọc bởi nhân tính. Điều này sẽ giúp chúng ta nhận ra đâu là mỹ tục cần giữ gìn và đâu là hủ tục nên bỏ đi.
Với ba đặc tính như vậy, việc phát triển con người Việt Nam không chỉ bắt đầu từ nền giáo dục mà còn bắt đầu từ sự học của mỗi cá nhân. Mỗi người chịu trách nhiệm trước hết về sự phát triển của chính mình, chứ không trông chờ, ỷ lại hay "đổ thừa". Khi mỗi người Việt Nam ý thức được như vậy, nỗ lực sống với các giá trị như vậy, chúng ta sẽ có một thế hệ con người mới và văn hóa cũng mang sắc diện mới như một hệ quả đương nhiên.
Nhà thiết kế Sĩ Hoàng:
Khi nói về văn hóa một quốc gia, người ta không nói về những cao ốc
Khi nói về văn hóa một quốc gia, người ta không nói về những cao ốc. Nếu không có văn hóa thì sự phát triển đơn thuần về kinh tế hay vật chất nói nôm na như ông bà ta xưa là trọc phú, nghĩa là người có thừa tiền của chứ không có yếu tố văn hóa, không có những hành xử làm người ta tôn trọng. Và để phát huy văn hóa, tôi nghĩ phải có sự tham gia của những nhà nghiên cứu văn hóa trên nhiều lĩnh vực.
Ngoài ra, bảo tồn chỉ đứng im một chỗ, cái chúng ta cần hiện nay là phát huy. Phát huy để cùng đồng song hành sự phát triển kinh tế của đất nước thì mới mong "giàu sang", "sang trọng", "trọng nể" như cặp từ trong tiếng Việt ngày xưa tôi học rất liên quan: "giàu" xong sẽ "sang", khi đã "sang" sẽ được "trọng", và "trọng" rồi thì được "nể"...
LAM ĐIỀN - LINH ĐOAN ghi
TTO - Bàn về các hệ giá trị văn hóa, bên cạnh hệ giá trị Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ đổi mới thì hệ giá trị gia đình là một dấu son.
Xem thêm: mth.17014019003112202-ior-mal-pag-ceiv-aoh-nav-irt-aig-eh-cac-gnud-yax/nv.ertiout