vĐồng tin tức tài chính 365

Trước yêu cầu cấp bách, Quốc hội chuẩn bị họp bất thường

2022-11-30 11:35
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Phiên họp thứ 17, Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Phiên họp thứ 17, Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Chính phủ đề xuất nhiều nội dung cấp bách

Trong phiên họp thứ 17 vừa diễn ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến bước đầu về kỳ họp bất thường lần thứ hai của Quốc hội khóa XV. Đây là kỳ họp đã được tính đến từ trước khi kỳ họp thứ tư của Quốc hội diễn ra, khi có một số nội dung cần được quyết định trong năm 2022 chưa được chuẩn bị kịp để đưa vào chương trình kỳ họp thường kỳ.

Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, ngày 22/11/2022, Chính phủ đã có văn bản nêu các nội dung đề nghị trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường lần thứ hai. Đó là xem xét, quyết định Quy hoạch Tổng thể quốc gia theo quy định của Luật Quy hoạch, thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đánh giá việc thực hiện quy định tại khoản 3 Nghị quyết số 30/2021/QH15 về những cơ chế đặc thù cho phòng chống dịch.

Vấn đề thứ tư được Chính phủ đề nghị là xem xét, quyết định một số vấn đề về tài chính, ngân sách, như giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập tại một số trạm thu phí/dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT; điều chỉnh dự toán kinh phí bảo đảm hoạt động chưa sử dụng hết của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan năm 2021; bổ sung dự toán ngân sách nhà nước nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài năm 2021; điều chỉnh vốn vay lại của các địa phương năm 2022.

Đối với nội dung về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM (thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM), ông Bùi Văn Cường cho biết, Chính phủ đề nghị chưa đưa nội dung này vào chương trình kỳ họp bất thường lần thứ hai do chưa chuẩn bị kịp và chưa có kết luận của Bộ Chính trị.

Tuy nhiên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, tại cuộc họp của Thủ tướng Phạm Minh Chính với TP.HCM ngày 27/11, TP.HCM đề nghị trình Quốc hội xem xét, cho thí điểm chính sách mới thay thế Nghị quyết 54/2017/QH14 tại kỳ họp bất thường lần thứ hai. Tại cuộc làm việc, Thủ tướng đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với TP.HCM khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, vì TP.HCM báo cáo là hiện vướng mắc rất nhiều dự án đầu tư.

“Các đồng chí muốn bổ sung chính sách mới cho TP.HCM, thì Thường vụ Quốc hội ủng hộ, nhưng quan trọng là có chuẩn bị kịp không, vì cần xây dựng chính sách, còn thẩm tra, đôi khi là dục tốc bất đạt”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý.

Cấp bách, nhưng phải chuẩn bị kỹ lưỡng

Ở nhiệm kỳ này, Quốc hội đã có kỳ họp bất thường lần thứ nhất vào tháng 1/2022. Việc có thêm một kỳ họp bất thường vào đầu năm 2023 được nhiều ý kiến tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, nguyên tắc là kỳ họp bất thường chỉ thực hiện khi có yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng hoặc 2/3 đại biểu Quốc hội kiến nghị. Kỳ họp này chỉ xem xét, quyết định những vấn đề cấp bách đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, đã chín, đã đủ rõ và có sự đồng thuận, thống nhất cao. Những vấn đề cấp bách mà chuẩn bị chưa kỹ thì không thể đưa vào kỳ bất thường được.

Từ nguyên tắc trên, Chủ tịch Quốc hội nêu 4 nội dung sẽ được xem xét ở kỳ họp bất thường. Đó là xem xét, quyết định Quy hoạch Tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là quy hoạch gốc, quy hoạch cấp cao nhất, quyết định các quy hoạch khác. Định hướng Quy hoạch Tổng thể quốc gia đã được Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương cho ý kiến, còn có thời gian chuẩn bị để Quốc hội xem xét vấn đề này.

“Nếu chúng ta để đến kỳ họp tháng 5, thì các quy hoạch khác, nhất là quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh sẽ có những khó khăn. Vì vậy, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến để trình Quốc hội xem xét, phê duyệt Quy hoạch Tổng thể quốc gia là việc hết sức cấp thiết. Đây là nội dung quan trọng nhất phải giải quyết sớm”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Nội dung thứ hai là xem xét thông qua Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Theo Chủ tịch Quốc hội, Dự thảo luật này đã được Quốc hội cho ý kiến ở 2 kỳ họp, chất lượng khá đảm bảo. Quốc hội và Chính phủ cũng thống nhất sẽ dành thời gian để chuẩn bị thêm, nhất là về một số nội dung quan trọng thuộc tài chính y tế, cơ chế tự chủ tài chính của cơ sở khám, chữa bệnh.

“Nếu để đến tháng 5/2023 mới thông qua thì thời gian còn lại để ban hành các văn bản hướng dẫn sẽ rất hạn hẹp. Mục tiêu là ngày 1/1/2024, Luật này có hiệu lực. Nếu chuẩn bị tốt, thì có thể xem xét thông qua được sớm hơn”, ông Vương Đình Huệ nêu rõ tính cấp bách của dự án luật quan trọng này.

Nội dung thứ ba được Chủ tịch Quốc hội đề cập là tổng kết khoản 3, Nghị quyết số 30/2021/QH15 về cơ chế đặc thù, đặc biệt, đặc cách trong công tác phòng chữa bệnh, chống dịch. “Những nội dung này, theo quy định, đến hết năm 2022 là hết hiệu lực. Chính phủ sẽ trình một số cơ chế chính sách cho ngành y tế trong khi chờ đợi sửa đổi Luật Dược, một số luật có liên quan để Quốc hội xem xét”, Chủ tịch Quốc hội nêu.

Nội dung thứ tư, theo Chủ tịch Quốc hội là một số vấn đề cấp bách khác về tài chính, ngân sách. Trong đó, việc xử lý vướng mắc cho các dự án BOT mà đủ điều kiện cũng nằm trong lĩnh vực này.

Liên quan đến đề xuất 3 dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân, Chủ tịch Quốc hội nói rõ, trừ những trường hợp cấp bách như kỳ họp thứ nhất (một luật sửa 9 luật gỡ khó cho đầu tư, kinh doanh - PV), các dự án luật khác đưa ra kỳ họp thường xuyên, không xem xét ở kỳ bất thường.

Về thời gian, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nên tổ chức họp trong tuần đầu của tháng 1/2023, còn phương án họp trực tuyến hay tập trung sẽ cân nhắc kỹ thêm.

Chưa đủ căn cứ dùng ngân sách xử lý dự án BOT

Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh cho biết, đề xuất xử lý vướng mắc, bất cập tại một số trạm thu phí/dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT đã được Chính phủ trình từ tháng 10/2022. Tuy nhiên, theo Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, đề xuất của Chính phủ chưa có đủ cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý và cơ sở thực tiễn cho việc sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý hỗ trợ/thanh toán các hợp đồng dự án giao thông BOT, đồng thời đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, cho ý kiến.

Bố trí 88,6 triệu USD phát triển mạng lưới y tế cơ sở

Tại phiên họp thứ 17, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí phương án phân bổ 7.497,732 tỷ đồng kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 còn lại của 3 chương trình mục tiêu quốc gia cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Trong đó, Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 2.497,732 tỷ đồng; Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là 2.000 tỷ đồng; Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là 3.000 tỷ đồng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho phép bố trí kế hoạch vốn nước ngoài 88,6 triệu USD (tương đương 2.050 tỷ đồng) trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để thực hiện Chương trình Đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở.

Xem thêm: lmth.479013tsop-gnouht-tab-poh-ib-nauhc-ioh-couq-hcab-pac-uac-uey-court/nv.naohkgnuhchnahnnit.www

Comments:0 | Tags:Tin nhanh chứng khoán

“Trước yêu cầu cấp bách, Quốc hội chuẩn bị họp bất thường”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools