Chuyến kiểm tra hiện trường một số dự án đầu tư công trọng điểm được triển khai trên địa bàn TP.HCM và làm việc với lãnh đạo chủ chốt của Thành phố để thúc đẩy giải ngân vốn đầu công vào cuối tuần qua với nhiều chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính một lần nữa thể hiện quyết tâm cao độ trong việc hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 của lãnh đạo Chính phủ.
Thật khó có thể thống kê đầy đủ số lần đi thị sát hiện trường các dự án đầu tư công của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong 11 tháng đầu năm 2022. Ngoài các chương trình dành riêng cho công tác này, người đứng đầu Chính phủ còn tận dụng bất cứ khoảng thời gian còn trống trong các cuộc làm việc với các địa phương để kiểm tra tình hình thi công thực tế các công trường.
Cần phải nói thêm rằng, ngay từ những tháng đầu năm 2022, Thủ tướng đã yêu cầu các cấp, các ngành cần tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, coi đây là động lực thúc đẩy tăng trưởng, là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm, tập trung ưu tiên trong chỉ đạo điều hành, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng trong những tháng cuối năm 2022.
Trên thực tế, việc hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công chưa bao giờ là một nhiệm vụ dễ dàng, đặc biệt là trong năm 2022, khi mà hàng loạt điều kiện bất lợi đổ dồn về các công trường như biến động, khan hiếm giá xăng dầu; việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng của nhà thầu gặp khó khăn; thời tiết tại nhiều dự án trọng điểm mưa nhiều bất thường…
Cho đến thời điểm này, ước tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của cả nước 11 tháng đầu năm 2022 mới đạt 52,43% kế hoạch. Nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thì tỷ lệ giải ngân đạt 58,33%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 (63,86%). Ngay cả một số bộ được đánh giá là đầu tàu giải ngân như Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) cũng có kết quả giải ngân thấp hơn cùng kỳ năm ngoái khi mới giải ngân được 34.900 tỷ đồng, đạt 63,4% so với kế hoạch được bổ sung (69,4% so kế hoạch giao đầu năm).
Kết quả không thuận này đã đẩy toàn bộ áp lực hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 vào 2 tháng cuối năm. Nếu không có giải pháp đột phá, quyết liệt, thì rất khó hoàn thành mục tiêu đề ra.
Cụ thể, lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương cần quyết liệt, chủ động, tích cực, sát sao, cụ thể, thực sự vào cuộc thực chất hơn để xử lý, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn một cách kịp thời, hiệu quả; tăng cường tần suất kiểm tra hiện trường để chấn chỉnh ngay các tồn tại, bất cập; người đứng đầu phải trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công, phân công lãnh đạo phụ trách từng dự án.
Sau hơn 2 năm triển khai kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn, các bộ, ngành và địa phương đã có đủ thời gian và số liệu để đánh giá năng lực điều hành dự án, qua đó kịp thời thay thế và điều chuyển lãnh đạo những chủ đầu tư, ban quản lý dự án yếu về năng lực, có tâm lý né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.
Đến lúc này, tinh thần máu lửa cần phải thể hiện được trên các công trường như chỉ đạo mới đây của Thủ tướng là "làm ngày làm đêm, làm hết việc, chứ không hết giờ. Tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì nhân dân phục vụ, đã cố gắng rồi thì cố gắng hơn nữa trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, tình hình không bình thường thì làm việc cũng phải khác bình thường”.
Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh việc xây dựng, hoàn thiện quy hoạch địa phương; chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất để hoàn thành thủ tục đầu tư, tập trung làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án, giải phóng mặt bằng theo tinh thần làm chuẩn, làm chắc, khoa học công tác chuẩn bị để ra công trường thi công nhanh gọn. Thực hiện cơ chế phân công, phối hợp rõ ràng, cụ thể về thẩm quyền, trách nhiệm giữa các cơ quan, đơn vị trong việc hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án.
Đây chính là nền tảng vững chắc cho công tác giải ngân vốn đầu tư nhanh, hiệu quả, tránh lặp lại hiện tượng cấp trên chỉ đạo nóng, quyết liệt, nhưng công trường vẫn nguội lạnh, tiến độ bê trễ như một số dự án trong thời gian qua.